Ngày 25/5, tại thành phố Châu Đốc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức tọa đàm "Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang".
Theo Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Hồ Việt Hiệp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đó là tham gia giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phản biện xã hội, qua đó, góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.
Theo ông Huỳnh Quang Ngự, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Tân Châu: Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tham gia hàng trăm cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, qua đó đã có nhiều ý kiến thiết thực góp phần làm cho quá trình thực hiện các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước cũng như những dự án đầu tư được triển khai đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Tuy nhiên vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh chưa thật sự phát huy mạnh mẽ; công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế và quy trình thống nhất thể hiện quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, các cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng được giám sát và cấp ủy các cấp. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng...
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần có kế hoạch triển khai cụ thể; tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về quyền, trách nhiệm trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phải kiên trì “đeo bám” những kiến nghị sau giám sát, phản biện, tránh tình trạng đối tượng được giám sát, phản biện tiếp thu không nghiêm túc. Đồng thời, tăng cường giám sát doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài; cần có quy định về giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đơn vị, địa phương…
Qua 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức 57 cuộc giám sát chuyên đề xoay quanh những vấn đề quan trọng như: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp; việc chấp hành thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm ở một số cơ quan, đơn vị; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát/năm; 119/119 xã phường, thị trấn tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát/năm. Qua giám sát, đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân và có thông báo kết quả xử lý về Mặt trận.
Hoạt động giám sát bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Trong 3 năm, Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát trên 2.879 vụ việc đối với những nội dung quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong đó giám sát 1.013 công trình phúc lợi xã hội do nhân dân đóng góp. Qua giám sát, Ban thanh tra nhân dân đã phát hiện và kiến nghị cấp ủy, chính quyền quan tâm xem xét, uốn nắn và xử lý đúng quy định; góp phần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và Mặt trận.
Trong công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức 1.500 cuộc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, Luật đất đai…qua đó, đã tập hợp gần 4.300 ý kiến đóng góp gửi đến cơ quan soạn thảo. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt việc góp ý, kiến nghị HĐND, UBND xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 119/119 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã xây dựng hộp thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền./.
Công Mạo/TTXVN