Vài tuần trở lại đây, trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai xuất hiện thông tin trong thịt lợn có sâu gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và khiến người chăn nuôi khốn đốn.
Các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã đi kiểm tra và kết luận, không có chuyện trong thịt lợn có sâu, đây chỉ là thông tin không chính xác.
Các chủ quầy bán thịt tại chợ phiên xã Nậm Lúc cho biết, hiện lượng thịt bán ra vào mỗi phiên chợ chỉ còn khoảng 40% so với bình thường. Cảnh mua bán tấp nập tại các quầy bán thịt lợn không còn. Số lượng người bán, người mua giảm hơn một nửa. Nhiều người không chịu nổi đã tạm nghỉ chuyển sang buôn bán mặt hàng khác.
Do nhận thức của người dân còn hạn chế nên đa số tin lời đồn trong thịt lợn có sâu là có thật và người dân đi chợ không dám mua thịt lợn nữa. Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra trên khắp các chợ như Bảo Nhai, Cốc Ly và Lùng Phình...
Không chỉ các hộ kinh doanh thịt tại các chợ trên địa bàn huyện mà các cơ sở sản xuất, các quán hàng ăn uống liên quan đến thịt lợn cũng đang rơi vào tình cảnh ế ẩm. Thậm chí tại các trường học trên địa bàn các xã cũng đang trong tình trạng khó khăn về việc bố trí, cân đối thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú. Nhiều phụ huynh học sinh đã dặn con mình khi đến trường không được ăn thịt lợn tại bếp ăn của nhà trường.
Giá lợn hơi xuống thấp, cộng với tin đồn lan rộng đã khiến nhiều người chăn nuôi lợn có nguy cơ bị phá sản.
Gia đình chị Trần Thị Thảo, một hộ chăn nuôi lợn thịt ở thôn Bảo Nhai, xã Bảo Nhai hiện đang còn tồn tới gần 90 con lợn thịt không thể xuất chuồng. Chị Thảo cho biết, lứa lợn này chị đã nuôi tới 7 tháng, mỗi con giờ đã trên dưới 1 tạ.
Lợn càng to, tiêu tốn thức ăn càng lớn, gia đình chị đã phải đi mua các loại thức ăn chăn nuôi rẻ hơn, trộn các loại thức ăn thô như cây chuối, rau… vừa để giảm chi phí, vừa để hãm không cho lợn lớn thêm.
Từ khi bắt đầu nuôi, gia đình chị Thảo đã vay ngân hàng 100 triệu về đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống và tìm hiểu phương pháp chăn nuôi với hy vọng đổi đời. Nuôi một lứa lợn mất từ 4-6 tháng, mỗi ngày chị phải chi phí khoảng 1,5 triệu đồng mua cám, ngô. Hiện nay thương lái chỉ trả 19.000-20.000 đồng/kg, tính ra mỗi con lợn lỗ từ 1-1,5 triệu đồng.
Trước thông tin về sự việc trên, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khẳng định: do một số người dân nhận thức hạn chế nên đã nhìn nhầm những búi cơ xé ngang dọc và đường huyết, mao mạch ở miếng thịt là sâu, từ đó tạo tin đồn gây hoang mang dư luận.
Từ ngày 15-17/5/2017, các cơ quan liên ngành trên địa bàn huyện gồm Trạm thú y, Lực lượng quản lý thị trường, Phòng Nông nghiệp huyện đã kiểm tra tại chợ thị trấn của huyện - nơi xuất phát tin đồn và một số chợ phiên của xã Bảo Nhai, Cốc Ly...
Các cơ quan chức năng đã kết hợp địa phương tới tận hộ gia đình, tiếp cận nơi khởi phát nguồn tin. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra đã không phát hiện có mẫu thịt nào như lời đồn đại để phân tích, tìm hiểu…
Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng huyện Bắc Hà tập trung phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo thông tin chính xác, định hướng dư luận để người dân ổn định việc kinh doanh.
Sau khi kiểm tra phát hiện tin đồn thiếu cơ sở, không chính xác, đoàn đã đồng thời tuyên truyền cho bà con nhân dân nhận thức đúng về sản phẩm thịt lợn địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Giang cho biết thêm, nhằm xử lý kiên quyết và triệt để, trong thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ có những hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn nhằm đảm bảo hình ảnh của các chợ phiên trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại các điểm du lịch, nhất là trong thời điểm Bắc Hà chuẩn bị tổ chức hàng loạt sự kiện du lịch mùa Hè trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2017./.
(TTXVN)