(TG) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, sức mạnh từ lòng yêu nước và tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc là một trong những nội lực quan trọng. Nếu biết khai thác, nhân rộng, phát huy tốt, thì đây sẽ trở thành nguồn sức mạnh mềm to lớn, giúp Việt Nam nâng cao thực lực, vị thế và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
1. Sức mạnh mềm, quyền lực mềm (Soft Power) là khái niệm xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Đến nay, thuật ngữ này được sử dụng khá rộng rãi và ngày càng trở nên thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Sức mạnh mềm của một quốc gia là sức mạnh vô hình, được thể hiện ở nhiều yếu tố như sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tính thống nhất, gắn kết cộng đồng dân tộc, sự đồng thuận quốc gia, sự ổn định chính trị xã hội, sự linh hoạt mềm dẻo, khôn khéo của các chính sách ngoại giao, cũng như sự phù hợp, đúng đắn của các chính sách điều hành, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội,…
Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những cách thức đề cao, khai thác, phát huy sức mạnh mềm không giống nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, trong xu thế đối thoại, hợp tác, liên kết toàn cầu hiện nay, việc lạm dụng sức mạnh cứng (uy hiếp về quân sự, sử dụng súng đạn để giải quyết mâu thuẫn…) sẽ không phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí có khi còn phản tác dụng, làm suy giảm địa vị, uy tín của quốc gia đó trong mối quan hệ toàn cầu. Trong khi đó, sức mạnh mềm đã và đang ngày càng khẳng định vai trò to lớn của nó trong giữ vững sự ổn định của đời sống chính trị, tăng cường hội nhập kinh tế của nhiều quốc gia; là nhân tố quan trọng giúp nâng cao uy tín, vị thế, sức cạnh tranh, tầm ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế. Sức mạnh cứng tạo ra lực, sức mạnh mềm tạo ra thế, nếu khéo thì có thể chuyển thành lực và sức mạnh mềm sẽ giúp củng cố, tăng cường thêm sức mạnh cứng.
Thực tế đã cho thấy, một đất nước dù có quy mô dân số và diện tích nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên không có, kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ như Singapore, nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh mềm, mà “quốc đảo Sư tử” này đã nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển, có vị thế cao trên phạm vi toàn cầu, được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia đáng sống nhất. Hay như Nhật Bản, đất hẹp người đông, tài nguyên thiên nhiên gần như không có, vị trí địa chính trị không thuận lợi, vậy mà từ nhiều năm nay, Nhật Bản đã là một trong những cường quốc trên thế giới với những “câu chuyện kể” đầy tính thuyết phục, đó là tinh thần võ sĩ đạo, ý chí vươn lên mãnh liệt, kỷ luật làm việc, tinh thần đồng đội, lòng trung thành, sự tôn trọng truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
2. Trong bối cảnh thời đại hôm nay, ngày càng nhiều quốc gia dành sự quan tâm lớn đối với sức mạnh mềm. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì việc coi trọng và phát huy sức mạnh mềm càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ở Việt Nam, sức mạnh mềm được thể hiện qua nhiều yếu tố, từ những giá trị văn hóa, đến thể chế kinh tế, chính trị và cả các chính sách đối nội, đối ngoại,… Trong tổng thể đó, văn hóa được coi là một trong những sức mạnh nội tại đặc biệt. Giáo sư Joshep Nye - tác giả của học thuyết “Sức mạnh mềm” đã nhận định khi đến Việt Nam (năm 2007): Những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây.
Có thể khái quát, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam được thể hiện rất đa dạng, phong phú, từ những giá trị vật thể, danh thắng đặc sắc đến những giá trị tinh thần quý báu như ý chí quật cường, tinh thần bền bỉ đấu tranh giành độc lập dân tộc, truyền thống đoàn kết cộng đồng, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn; cùng với đó là tinh thần yêu chuộng hòa bình, bản chất nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung… Trong đó, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là một trong những giá trị nổi trội nhất.
Phát huy các giá trị tinh thần ấy, biến nó thành sức mạnh, thành nội lực, động lực quan trọng là một yêu cầu tất yếu, quyết định đến thành công của quá trình đổi mới và hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, hiện thực hóa lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời kỳ phát triển của đất nước không giống nhau. Trong tình hình hiện nay, lòng yêu nước không chỉ được nhìn nhận ở tinh thần độc lập tự chủ, bảo vệ biên cương, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, hay ý thức bảo vệ phong tục, tập quán văn hóa tốt đẹp của cộng đồng… mà còn thể hiện trên nhiều chiều cạnh khác, cụ thể là:
Thứ nhất, ở góc độ kinh tế, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc được thể hiện ở việc tích cực lao động để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, phát huy tài năng và trí tuệ của mình để làm giàu một cách chính đáng cho bản thân và cho xã hội; chống kiểu làm ăn gian lận, bất chính. Tựu trung lại, thể hiện ở những nỗ lực cống hiến, đóng góp công sức thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển vì lợi ích cộng đồng, quốc gia, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, gia tăng tiềm lực kinh tế và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thứ hai, ở góc nhìn chính trị, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc được thể hiện ở ý thức bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước; là sự tự giác chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó và góp phần làm thất bại mọi âm mưu đen tối chống phá chế độ dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Tinh thần yêu nước dưới góc độ chính trị còn được thể hiện ở tinh thần quả cảm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, lên đường bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia; có ý thức tuyên truyền cho cộng đồng thế giới hiểu và tôn trọng chủ quyền quốc gia dân tộc, sẵn sàng chung tay, hỗ trợ, đứng về phía chúng ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước; kiên quyết chống lại sự kích động, lôi kéo, mua chuộc tham gia các hoạt động gây mất ổn định chính trị, an ninh xã hội; dũng cảm lên án, ngăn chặn, cản phá những đối tượng có hành vi chống phá chính quyền, phá hoại các thành quả xây dựng đất nước…
Thứ ba, dưới góc độ văn hóa - xã hội, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc thể hiện ở việc tích cực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần mà cha ông đã tạo dựng từ bao đời nay. Tích cực giới thiệu, khẳng định văn hóa Việt và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc với thế giới, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tiếp thu một cách chủ động và lành mạnh các giá trị văn hóa của nhân loại, chọn lọc những giá trị phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, hội nhập chứ không hòa tan.
Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc còn thể hiện ở tinh thần đấu tranh chống lại những cái xấu, cái bảo thủ, thói quen lạc hậu, phản khoa học; có thái độ sống, lối ứng xử nghĩa tình với nhau theo đúng nghĩa “đồng bào”.
Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc còn được biểu hiện ở tâm lý mong muốn được cống hiến, được làm điều gì đó có ích cho dân tộc, phục vụ đất nước, phê phán những quan điểm, tư tưởng chỉ muốn hưởng lợi, giàu sang, sung sướng cho bản thân mà không muốn cống hiến, phục vụ cho Tổ quốc, cho đất nước.
Lòng yêu nước, tự hào dân tộc còn thể hiện ở thái độ tự hào là con dân đất Việt, luôn có ý thức giữ gìn phẩm hạnh, nhân cách người Việt, không để bị khinh dễ, coi thường vì những hành vi vô văn hóa, vô đạo đức, vô ý thức, vô kỷ luật, đặc biệt khi sinh sống, làm việc ở nước ngoài…
3 Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam chưa thực sự phát huy được tối đa sức mạnh mềm từ lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.
Trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn tình trạng nhiều chủ thể kinh doanh vì hám lợi riêng mà chà đạp lên lợi ích quốc gia, đồng bào, thậm chí cả sinh mạng con người; tình trạng hàng giả hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… vẫn còn khá phổ biến. Tâm lý sính hàng ngoại vẫn khá nặng nề, nguyên nhân nhiều khi nằm ở việc nhiều sản phẩm hàng nội chưa chú ý xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng, gây dựng lòng tin của người Việt với sản phẩm trong nước…
Ở góc độ chính trị, còn một bộ phận không nhỏ dân chúng có thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quan với vận mệnh của đất nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một số người có thái độ bi quan, chán chường, trách móc, đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước trước thực trạng đời sống xã hội còn có những khó khăn, hạn chế bất cập, một bộ phận vì bất mãn mà tham gia vào những hoạt động chống phá sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, kích động gây rối,…
Dưới góc độ văn hóa - xã hội, những biểu hiện của lối sống vị kỷ, chạy theo những giá trị vật chất tầm thường, chà đạp lên những giá trị, chuẩn mực đạo đức của dân tộc,… không phải là hiếm thấy. Những hành vi, lối ứng xử vô đạo đức, vô kỷ luật, vô văn hóa của một số người Việt đã để lại ấn tượng xấu trong con mắt bạn bè quốc tế,…
4 Để phát huy sức mạnh mềm nói chung, từ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc nói riêng góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập, theo chúng tôi cần tích cực thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tích cực quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về phát huy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Khẳng định rõ tầm quan trọng của việc khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước; cụ thể hóa thành các chính sách, phong trào phát triển tinh thần yêu nước đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần mà ĐẠI hội XII của Đảng đã đề ra. Việc phát huy tinh thần yêu nước cũng cần được coi là nhiệm vụ của từng cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương.
Hai là, thúc đẩy, lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong toàn xã hội; mỗi cá nhân phát huy tinh thần yêu nước của bản thân, thúc đẩy tinh thần yêu nước của cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, phải là đặt lợi ích của người tiêu dùng làm mục tiêu phát triển; tạo thương hiệu quốc gia, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, thử thách, vận hội với đất nước. Đối với nhân dân, đó là tình làng nghĩa xóm, lối sống nhân nghĩa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong nước... Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, đó là ý thức trách nhiệm với công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc...
Ba là, tích cực tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong mọi tầng lớp xã hội, phát triển các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ để họ hiểu biết, tin tưởng vào truyền thống dân tộc, đồng thời có bản lĩnh trí tuệ, có tình thương, trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước. Yêu nước phải là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Trong tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc cần đổi mới, lựa chọn, kết hợp và vận dụng sáng tạo các phương thức và hình thức tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp trong xã hội đều dễ hiểu, dễ tiếp thu và cuối cùng là chuyển thành hành động yêu nước cụ thể. Cần coi công tác truyền thông đối ngoại là một kênh quan trong trong quảng bá sâu rộng về đất nước, con người và các giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, phát huy tầm ảnh hưởng của Việt Nam, cuốn hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức và các cá nhân trên thế giới đối với Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nga - TS. Hoàng Thị Kim Oanh