(TCTG) - Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 của ngành tài nguyên và môi trường, tổ chức ngày 6/1 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nhằm triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên, môi trường; chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 3; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); nghiên cứu xây dựng các dự án Luật: Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Đo đạc và bản đồ; tổ chức thực hiện các chiến lược và kế hoạch dài hạn được Chính phủ phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên về những giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: Trước hết, Bộ sẽ đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết số 27 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; chủ trương của Ban cán sự Đảng của Bộ nhằm phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Qua đó, Bộ tập trung nghiên cứu đổi mới, xây dựng quy chế, chính sách huy động vốn; tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm, dự án cấp bách của Chính phủ và các dự án trọng điểm của Bộ, các dự án khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012. Cụ thể như triển khai các Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015; Chương trình khoa học và công nghệ về biến đổi khí hậu; Chương trình khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người.
Đề cập về những đề tài, dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên thực hiện trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Bộ đang tiếp tục xây dựng và triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu, nghiên cứu tiềm năng khí hydrat ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; từng bước hiện đại hóa mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, trọng tâm là mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn phục vụ dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; tăng cường năng lực, thiết bị để từng bước cảnh báo, dự báo được các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lũ quét, trượt lở đất, mưa lớn, tố, lốc. Cũng như điều tra cơ bản, đánh giá tổng hợp tài nguyên đất, nước, khoáng sản; điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường; điều tra tài nguyên và môi trường biển; đánh giá tác động, giảm sát biến động vỏ trái đất và dự báo, cảnh báo động đất, sóng thần.
Trả lời về vấn đề quản lý thống nhất biển và hải đảo Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực mới, mang tính chất đặc thù và liên quan đến 15 bộ, ngành. Nhưng với mục đích xây dựng một cơ quan chuyên môn độc lập quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo ở địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ với Bộ Nội vụ, để hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố có biển. Hiện có 15/28 tỉnh đã thành lập được Chi cục và bước đầu ổn định tổ chức, đi vào hoạt động.
Bộ cũng đã giao cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xúc tiến xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo; đồng thời tiếp tục ổn định và hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương để tạo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất; thực hiện quy hoạch tổng thể sử dụng biển, hải đảo và phân vùng biển làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước./.
Văn Hào