1. Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng!”(1). Từ văn hiến mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc tới là một vấn đề mà cả xã hội ta luôn quan tâm. Trong quá trình đổi mới hiện nay, văn hiến đòi hỏi không chỉ xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, mà còn đòi hỏi sự xuất hiện ngày càng nhiều những người hiền tài. Vì “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Từ văn hiến vốn đã xuất hiện từ lâu, nhưng vì nhiều lý do, văn hiến dần dần được đồng nhất với văn hóa. Thực ra, văn hiến phải hàm chứa các giá trị văn hóa, nhưng ngoài các giá trị văn hóa, văn hiến còn được thể hiện ở những con người tiêu biểu nhất - những bậc hiền tài.
Một dân tộc có văn hiến là dân tộc có những giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời cũng là dân tộc có nhiều hiền tài. Chính các bậc hiền tài là biểu tượng rực rỡ nhất cho các giá trị văn hóa, và qua họ, các giá trị văn hóa phát huy vai trò to lớn đối với tiến trình lịch sử.
|
Sự xuất hiện của hiền tài gắn với những giá trị văn hóa của dân tộc, nhưng hiền tài không phải là kết quả tự nhiên của văn hóa. Ngay từ thế kỷ XV, trong bài ký ghi tên tiến sĩ khoa Quý Mùi, năm Quang Thuận thứ tư (1463) có ghi: “kẻ sĩ may mắn được ghi tên trên bia đá này nên phải làm cho danh đúng với thực, rèn giũa phẩm hạnh, yên phận với mình, gắng sức giữ lấy cái tâm đối với nền văn hiến”. Có nghĩa rằng trên nền tảng những giá trị văn hóa của dân tộc, các bậc hiền tài chính là và phải là những người phải luôn đi đầu trong phấn đấu, tu dưỡng để cái danh đúng với cái thực, luôn giữ phẩm hạnh cao đẹp để người đời noi theo. Khi Nguyễn Trãi trong bài “Cáo bình Ngô” khẳng định: “Như nước Đại Việt ta vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, hoặc Lê Quý Đôn, từ thế kỷ XVIII, trong bài tựa thiên “Nghệ văn chí” trong sách “Lê triều thông sử” cũng nhấn mạnh: “Ngã quốc hiệu vi văn hiến” (nước ta được gọi là nước văn hiến), thì chữ văn hiến bao gồm sự gắn kết hai phạm trù: các giá trị văn hóa và các bậc hiền tài của đất nước.
Vì vậy nói phát huy truyền thống văn hiến cũng có nghĩa là phát huy những giá trị cao đẹp mà các bậc hiền tài của đất nước để lại. Và điều quan trọng nhất là rút ra những bài học bổ ích về tạo dựng môi trường thuận lợi để văn hóa và hiền tài xuất hiện ngày càng nhiều.
2. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ở bất cứ thời đại nào, dù ít dù nhiều dân tộc ta đều xuất hiện các bậc hiền tài. Đó có thể là những vị vua anh minh, các quan lại công minh chính trực, các danh sĩ vừa có tài vừa có đức. Tất cả đều có chung một khát vọng: tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên quyết giữ vững bờ cõi thiêng liêng của đất nước. Đó là những người có đủ sức mạnh vượt lên trên những suy nghĩ, ham muốn nhỏ bé vì lợi ích riêng tư để vươn tới những hành vi cao đẹp. Xin dẫn lại mấy ví dụ:
Lê Lợi - người có công đánh quân Minh xâm lược - từng nói: “Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”(2). Sau khi lên ngôi, “vua đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học”(3)… Đây cũng là ông vua coi trọng chính sách chiêu hiền đãi sĩ, mong tìm được người hiền tài giúp dân giúp nước. Vua từng nói: “Ta không có tài dũng, trí tuệ, một mình gánh vác công việc nặng nề, sẽ không làm nổi, cho nên phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sĩ, cùng mưu việc lớn, cứu vớt sinh dân. Ai tiến cử được người tài mưu trí dũng lược hơn người, hoặc người nào tự tiến cử mình thì đều làm quan cao chức trọng”(4). Với chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, Lê Lợi đã xây dựng được một bộ máy quản lý đất nước có nhiều bậc hiền tài, tiêu biểu như Nguyễn Trãi. Vua phong Nguyễn Trãi là Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư kiêm Hành khu mật viện sự.
Tiếp nối Lê Lợi, vua Lê Thánh Tông cũng là vị vua anh minh, một bậc hiền tài. Từ lúc mới lên ngôi năm 18 tuổi, Lê Thánh Tông đã dồn mọi tâm sức của mình cho việc nước. Điều đó được thể hiện qua mấy câu thơ vua tự vịnh:
Lòng vì thiên hạ những lo âu
Thay việc Trời, dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Trăng xế bóng chửa thôi chầu.
Đúng như nhận định của nhà sử học Trần Trọng Kim, “nhờ có vua Thái Tổ thì giang sơn nước Nam mới còn và nhờ vua Thánh Tông thì văn hóa nước ta mới thịnh”(5). Vua Lê Thánh Tông đã chỉ dụ cho triều đình phải tập trung quan tâm hai lĩnh vực: nông tang và lễ nghĩa. Quan tâm công việc nông tang là quan tâm về kinh tế để dân có đủ cái ăn cái mặc. Quan tâm về lễ nghĩa là quan tâm về văn hóa, để dân có điều kiện sửa lòng mình cho tốt hơn. Chính vua Lê Thánh Tông đã trực tiếp viết ra 24 điều giáo huấn răn dạy mọi người sống theo thuần phong mỹ tục. Vua cũng là người đã minh oan cho Nguyễn Trãi, đồng thời lệnh cho sưu tầm, tìm kiếm lại những di cảo thơ văn của Nguyễn Trãi bị cấm trước đó. Nhờ hành động sáng suốt đó, hậu thế mới được đọc và tìm hiểu những tác phẩm của một nhà văn hóa dân tộc lỗi lạc.
Trong các triều đại phong kiến, đặc biệt là những thời kỳ thịnh trị, bên cạnh các vị vua anh minh còn xuất hiện nhiều bậc quan lại thanh liêm, chính trực, xứng đáng là những tấm gương sáng để người đời noi theo. Ví dụ như Tô Hiến Thành thời nhà Lý. Nhờ có nhiều công lao dẹp giặc ngoại xâm, Tô Hiến Thành được phong làm Nhập nội tướng quân. Khi vua Lý Anh Tông lâm bệnh nặng, đã gọi Tô Hiến Thành vào giao phó việc phò giúp Thái tử - con trai thứ lên ngôi báu (Trước đó, vua Lý Anh Tông lập người con lớn làm thái tử. Nhưng do người này ăn ở vô đạo, nên bị vua cha truất ngôi thái tử). Sau khi vua mất, Thái hậu muốn phế lập con thứ để đưa con lớn lên làm vua. Thái hậu đưa nhiều vàng bạc cho Nữ thị - vợ Tô Hiến Thành - để khuyên ông làm theo ý nguyện của Thái hậu. Biết được việc đó, Tô Hiến Thành nói với Nữ thị: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế dưới suối vàng”. Khi Thái hậu gọi vào cung để thuyết phục, Tô Hiến Thành vẫn kiên quyết: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ há chịu? (...) Thần không dám vâng lệnh!”.
Khi Tô Hiến Thành ốm nặng, Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm túc trực phụng dưỡng bên cạnh, còn Gián nghị đại phu Trần Trung Tá - là người đức độ, tài năng - vì mải lo việc công nên không mấy khi tới thăm hỏi được. Thái hậu đến thăm, hỏi: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông”. Tô Hiến Thành trả lời: “Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!”. Thái hậu ngạc nhiên: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy? Tô Hiến Thành trả lời: “Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!”.
Một ví dụ khác ở thời Trần cho thấy không chỉ có những bậc vương hầu khanh tước mà nhiều gia nô cũng là những người có tài năng và đức độ lớn. Sử viết, trước khi mất, Trần Liễu cho gọi Trần Hưng Đạo, nói: “...không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”. Tuy thương cha, nhưng không cho lời cha là phải nên Hưng Đạo quyết không làm điều thoán nghịch. Hưng Đạo đem điều đó ra hỏi Dã Tượng và Yết Kiêu. Dã Tượng đáp: “...làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng tiếng xấu để lại nghìn thu. Nay vương há chẳng phú quý hay sao. Chúng con thề xin chết già làm gia nô, mà không muốn làm quan mà không trung hiếu”. Còn Yết Kiêu nói: “Nếu đại vương định làm việc đó thì chúng con xin chết trước mặt đại vương, để khỏi phải chứng kiến cảnh đau lòng vì nồi da nấu thịt”. Câu chuyện này nói lên rằng, người hiền tài, dù thân phận và nghề nghiệp khác nhau, dù tài sản khác nhau, nhưng đều có chung một mẫu số: biết vượt qua những cám dỗ vật chất, những lợi ích thấp hèn để không làm điều phi nghĩa, trái đạo lý. Luôn vì nghĩa lớn mà bỏ đi những thù hận riêng tư. Chính những nhân cách tỏa sáng như vậy đã góp phần đưa thời Trần kéo dài thời thịnh trị suốt mấy trăm năm.
Sự hưng - phế của các triều đại phong kiến trước đây có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản, dễ thấy là sự xuất hiện hay vắng bóng của các bậc hiền tài. Thời kỳ nào mà hiền tài xuất hiện nhiều và được trọng dụng, thì thời kỳ đó thường là thịnh trị.
3. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự xuất hiện của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, vận hội phát triển của đất nước đã bước sang một thời kỳ mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Người đã đề ra chiến dịch diệt giặc dốt, mở các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa cho toàn dân. Người phát động phong trào xây dựng đời sống mới với các tiêu chí cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người viết thư yêu cầu các chính quyền địa phương phát hiện và tiến cử những người có tài, đức ra phục vụ đất nước.
Vâng theo lời dạy của Người và được sự hấp dẫn bởi lối sống thanh cao, trung thực, nhân ái của Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng đã tự nguyện rời đô thị để lên chiến khu hoạt động, trong đó có những trí thức Việt kiều yêu nước theo Người về nước phục vụ cách mạng.
Từ năm 1948, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra phong trào thi đua ái quốc với phương châm “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”. Theo đó, trên các lĩnh vực đời sống xã hội đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, được phong tặng các danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Anh hùng lao động trong sản xuất và chiến đấu. Đối với Hồ Chí Minh, các anh hùng chiến sĩ thi đua phải là những tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức và hoạt động thực tiễn. Người từng nói:
Muốn cho xã hội đều xuân
Nhân sĩ phải là chiến sĩ (6)
Nói nhân sĩ là chiến sĩ thực chất là sự gắn kết hữu cơ giữa các trí thức trên mọi lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ giữa chuyên môn với tư tưởng và đạo đức cách mạng. Sự gắn kết đó sẽ tạo ra những bậc hiền tài ở thời đại chúng ta. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong Chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lại bao gồm các chiến sĩ cách mạng lỗi lạc bên cạnh các nhân sĩ trí thức uyên bác và được toàn dân kính trọng.
Có nhiều câu chuyện cảm động mà đến hôm nay vẫn đang là bài học đáng nhớ. Năm 1946, trước khi đi Pháp mấy tháng dự hội nghị đàm phán với chính phủ Pháp về hòa bình ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trân trọng mời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước, dù cụ Huỳnh không phải Đảng viên Cộng sản. Một số trí thức lớn chưa phải đảng viên của Đảng cũng từng được Người mời đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Chính phủ và Quốc hội, như cụ Bùi Bằng Đoàn, các giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phan Anh v.v.. Có thể coi Chính phủ Cách mạng lúc đó là một “bản hòa tấu đẹp đẽ” của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần đoàn kết rộng rãi và của tư tưởng tôn trọng hiền tài. Với cách làm đó, chúng ta đã bồi đắp cho nền văn hiến Việt Nam ở thời kỳ lịch sử mới. Chắc chắn đó là một bài học lớn cho chúng ta hôm nay khi chúng ta đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xây dựng và phát triển nền văn hiến Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh có nghĩa là xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại; là học tập, phát huy những phẩm chất trong sáng đẹp đẽ của những bậc hiền tài trong lịch sử, để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho sự xuất hiện ngày càng nhiều các bậc hiền tài ở thời đại chúng ta.
Những câu nói như của Trần Bình Trọng: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”, của Tô Hiến Thành: “Ta là đại thần nhận mệnh Tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng”… cùng rất nhiều hành vi cao đẹp của hàng loạt các chiến sĩ cách mạng trước đây, chắc chắn vẫn làm rung động tâm can nhiều thế hệ, để mỗi chúng ta, đặc biệt những người có chức có quyền biết xấu hổ, biết dừng lại trước mỗi hành vi tội lỗi có thể xảy ra.
Một dân tộc có bề dày văn hóa như dân tộc ta, một đất nước sớm có kỷ cương phép nước như đất nước ta, một dân tộc vốn đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, có nhiều danh nhân văn hóa, có nhiều hào kiệt được trong nước và thế giới tôn vinh, đó là một dân tộc văn hiến. Truyền thống văn hiến đó là giá đỡ tinh thần vô cùng quý báu để dân tộc bước vào tương lai, sánh vai với các cường quốc năm châu./.
______________________
(1) Báo Nhân dân, số ra ngày 4-2-2020.
(2) (3) (4) Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Nxb. Khoa học xã hội, 2004, tr. 256, 257, 254.
(5) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 238.
6) Báo Nhân dân, ngày 7-2-1962.
GS. TS. Trần Văn Bính