Những năm gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em bị báo chí phát hiện, gây phẫn nộ trong dư luận. Tuy nhiên, ngay từ trong nhận thức của mỗi người dân, quyền trẻ em (QTE) hầu như chưa được thật sự quan tâm. Do vậy, người ta dễ dàng vi phạm pháp luật khi suy nghĩ đơn giản rằng: “nôn nóng muốn trẻ ngoan”, “ép ăn khỏe”, “hù để trẻ khỏi quấy”, “thương cho roi cho vọt”...
Cuối năm 2017, báo chí nêu vụ hành hạ quá tàn ác của các bảo mẫu (dùng bình cứng đập đầu, dùng vá múc cơm đánh vào bụng, dùng chân đạp, dùng tay vả vào mũi…) tại Cơ sở Mầm non Mầm Xanh (quận 12, TP Hồ Chí Minh). Đây là đỉnh điểm khiến dư luận phẫn nộ và cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra. Theo những hình ảnh do phóng viên ghi lại, khi trẻ không tự ăn, bảo mẫu liền túm cổ đặt lên ghế rồi bóp mạnh vào đầu cháu bé, ghì xuống sát đất và liên tiếp đập mạnh vào sống lưng, đầu. Bảo mẫu còn xách hai tay xốc ngược, dúi đầu trẻ vào thùng nước...
Người ta cũng dễ quên sự kiện năm 2009, khi cháu bé H.A. (Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại tôm đổ nước sôi vào người, bẻ răng, đánh đập, dùng dao rạch lưng; hay vụ cháu T.B. (Vĩnh Phúc) ra Hà Nội làm thuê tại quán phở đã bị ông bà chủ dùng dây điện thắt nút quất liên tiếp vào mặt, lưng; dùng kìm kẹp vào mạng sườn; bắt quỳ giữa đêm khuya; quên luôn vụ hai cô giáo bạo hành trẻ ở Cơ sở Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dùng dép, thước kẻ hành hung các cháu... khi mà báo chí còn nhiều việc phải làm khác.
Thậm chí có báo còn bị “vạ lây” vì “dám” đứng ra tố cáo các hành vi vi phạm QTE. Như vụ Báo Người lao động sau khi phanh phui “chùa” Tiên Phước 2 (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) sử dụng bảo mẫu không có trình độ chuyên môn, phòng ở cho trẻ mồ côi chật hẹp, đánh đập, để trẻ bệnh tật dẫn đến tử vong (tại bệnh viện - PV) và cơ quan chức năng cũng vào cuộc cưỡng chế giải tỏa chùa giả. Tuy nhiên sau đó, chính vị sư giả đã đâm đơn kiện Báo Người lao động vì bị “xúc phạm uy tín danh dự”. Ấy vậy mà tòa án phúc thẩm vẫn xử cơ quan báo chí thua kiện, phải cải chính!? Nói như vậy để thấy rằng việc bảo vệ QTE ngoài nhiệm vụ của báo chí ra, còn cần sự đồng lòng và lương tri của những người hành pháp, chấp pháp và sự đồng lòng hưởng ứng của toàn xã hội.
TỪ sau đổi mới (năm 1986) đến nay, Việt Nam tiếp tục tham gia ký và phê chuẩn Công ước quốc tế về QTE năm 1989; trong các năm 1994, 1996, Việt Nam gia nhập một loạt các công ước quốc tế khác về QTE hoặc liên quan đến QTE do Tổ chức Lao động quốc tế thông qua; trong năm 2000, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 182 (Công ước về nghiên cứu và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất); tiếp đó vào năm 2001, Việt Nam đã phê chuẩn hai Nghị định thư bổ sung Công ước quốc tế về QTE (Nghị định thư không bắt buộc về việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang, và Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em).
Nhắc lại các cột mốc nêu trên, để thấy rằng tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người (trong đó có QTE), Việt Nam ý thức sâu sắc đó là sự cam kết chính trị - pháp lý của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ nhân quyền trước cộng đồng thế giới. Chính vì vậy, sự nghiệp đổi mới ngày nay, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là đặt con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hội, trong đó, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta xác định một số nguyên tắc như: Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người...
Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 4.000 vụ đánh đập, ngược đãi, bạo hành trẻ em. Thực tế đó có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức khi nhiều người còn mang quan niệm sai lầm “thương cho roi cho vọt”. Người lớn thường nghĩ mình có quyền dạy bảo con cái, có quyền răn đe, đánh đập trẻ. Có những cha mẹ vì một phút tức giận đã đánh đập, chửi mắng con cái, phạm tội bạo hành trẻ em được pháp luật quy định. Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như vấn đề bình đẳng giới và bảo đảm các quyền của phụ nữ; quyền của trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... Chúng ta vui mừng vì từ ngày 5-9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/TTg phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người (trong đó có QTE) vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2017 - 2025” (thực hiện đồng loạt tại các cấp học, bậc học và ngành học trong phạm vi cả nước).
Là một trong những nước được đánh giá sớm Công ước về QTE, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, trong đó rà soát các quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực hiện... Từ sự hiểu biết về pháp luật, về QTE, các hành vi vi phạm QTE sẽ từng bước bị đẩy lùi. Song song với sự quyết liệt của báo chí trong phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm QTE,... truyền thông cũng đã nêu rất nhiều tấm gương về người tốt, việc tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức trong bảo vệ, đấu tranh về QTE. Như các báo từng nêu gương thầy giáo là bộ đội biên phòng ở Kiên Giang cõng học trò bệnh đến lớp; giáo viên cắm bản ở Quảng Ngãi nâng niu học sinh dân tộc thiểu số; cô giáo kê bàn cho các em thơ thoát khỏi cơn lũ dâng đột ngột ở Nghệ An...
Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, QTE, nhưng cũng có thể vi phạm quyền con người, QTE do thiếu hiểu biết pháp luật, giật gân câu khách chạy theo thương mại, như đăng hình ảnh trẻ em chưa được phép, đăng rõ mặt trẻ em có hoàn cảnh cá biệt, bị lạm dụng; nêu rõ thông tin cá nhân của trẻ em... Thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, không phải không có một số vấn đề đáng lo ngại như: có sự vi phạm quyền bí mật đời tư, nhiều thông tin trên báo chí còn giật gân, câu khách... dẫn đến vi phạm QTE cho nên cần phải được xử lý nghiêm minh.
Trong lĩnh vực bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực QTE hiện nay, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, dù chính sách của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, QTE... có ưu việt đến mấy, nhưng nếu thiếu vai trò của truyền thông, báo chí, thì chính sách, pháp luật cũng khó đến được với người dân.
Bên cạnh đó, báo chí còn phát hiện, phê phán và lên án các hành vi vi phạm QTE đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, qua đó đấu tranh bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của trẻ em; phản bác các thông tin sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, QTE; bảo vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
PGS, TS Tường Duy Quyên
Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Nhân dân