Đây là công trình do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) hợp tác với Dự án Alive & Thrive (A&T) và Phòng E-learning, Trung tâm Mạng thông tin thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Chiều 31/7, hệ thống đào tạo trực tuyến về nuôi dưỡng trẻ nhỏ đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức khai trương.
Đây là công trình do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) hợp tác với Dự án Alive & Thrive (A&T) và Phòng E-learning, Trung tâm Mạng thông tin thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Dựa vào tài liệu "Nuôi dưỡng trẻ nhỏ" do Bộ Y tế phê duyệt, 20 chủ đề về kiến thức và kỹ năng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ được xây dựng thành các bài giảng trực tuyến chi tiết với hình ảnh minh họa, tài liệu tham khảo nhằm truyền tải kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho mọi đối tượng.
Hệ thống sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ về tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho học viên học tập và công tác trong lĩnh vực y tế trên toàn quốc.
Khóa học được các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ giàu kinh nghiệm của Viện Dinh dưỡng quốc gia trực tiếp giảng dạy và hỗ trợ trực tuyến.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết từ năm 2010-2014, hơn 1.000 phòng tư vấn dinh dưỡng trẻ nhỏ mang tên "Mặt Trời bé thơ" được tích hợp vào các cơ sở y tế trên toàn quốc với sự hỗ trợ của Dự án A&T.
Để đảm bảo vận hành, các phòng tư vấn cần có ít nhất hai cán bộ y tế được đào tạo và cấp chứng chỉ về kiến thức nuôi dưỡng trẻ nhỏ, đặc biệt là kỹ năng tư vấn trực tiếp.
Sau khi dự án kết thúc, việc tập huấn đã bị ngừng lại do hạn chế kinh phí ở cấp địa phương. Một số tỉnh đã dựa vào nguồn kinh phí của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng quốc gia hoặc huy động nguồn lực tại chỗ để tiến hành tập huấn. Tuy nhiên, các học viên không được cấp chứng chỉ nếu các hoạt động đào tạo này không liên kết với hệ thống "Mặt Trời bé thơ."
Để duy trì hoạt động của mạng lưới các phòng tư vấn "Mặt Trời bé thơ" và tăng cường năng lực tư vấn cho cơ sở y tế có triển khai các chương trình dinh dưỡng, sáng kiến đào tạo trực tuyến về nuôi dưỡng trẻ nhỏ sẽ giúp đông đảo người học tiếp cận được với chương trình một cách thống nhất về nội dung trên toàn quốc. So với cách đào tạo truyền thống, hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học; bên cạnh đó, đảm bảo duy trì bền vững can thiệp dinh dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ.
Theo tiến sỹ Trần Hoàng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Mạng thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khóa học về nuôi dưỡng trẻ nhỏ trên website http://elearning.mattroibetho.vn được xây dựng phù hợp với nhiều đối tượng và môi trường học, giao diện thân thiện, hệ thống học tập được xây dựng đa nền tảng, hỗ trợ tốt các thiết bị di động giúp người học tham gia mọi lúc, mọi nơi.
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ hiện nay, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của địa phương khá tốt.
Cụ thể là 90% người tiêu dùng ở nông thôn sở hữu điện thoại di động, trong đó 50% sử dụng điện thoại thông minh; gần 24 triệu người ở khu vực nông thôn sử dụng Internet, xấp xỉ với số lượng người sử dụng Internet ở các khu vực thành thị; có 22,5 triệu người sử dụng facebook ở nông thôn gần bằng số người sử dụng Facebook ở các thành phố (23,5 triệu người).
Hầu hết các trạm y tế thuộc vùng sâu, vùng xa đều đã được hỗ trợ bao phủ Internet miễn phí. Bên cạnh đó, hầu hết các cán bộ y tế đều có khả năng sử dụng máy tính và các phần mềm, chương trình trực tuyến.
Tuy nhiên, ngành y tế chưa có hệ thống để triển khai về tập huấn dinh dưỡng nói riêng, sức khỏe nói chung có thể tiếp cận rộng rãi tới các cơ sở y tế và cộng đồng.
Với Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 9/8/2013 của Bộ Y tế về Hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế, chương trình đào tạo trực tuyến về nuôi dưỡng trẻ nhỏ do Viện Dinh dưỡng quốc gia quản lý sẽ có căn cứ để tiếp cận được các cá nhân, cán bộ y tế đang công tác nhằm thực hiện đủ nghĩa vụ đào tạo để duy trì chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Bên cạnh đó, đối tượng của chương trình còn là học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng và trung tâm y tế có đào tạo y khoa; việc này góp phần cải thiện chất lượng đào tạo để các đối tượng này có đủ năng lực phục vụ cộng đồng khi ra trường.../.
(TTXVN)