Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 24/9/2013 21:43'(GMT+7)

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS

Trong 2 ngày 24 và 25/9 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm đã dự và phát biểu chỉ đạo. 

Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn tập trung, với tỷ lệ người nhiễm cao, nhất là trong những người tiêm chích ma túy, phụ nữ hoạt động mãi dâm và nam tình dục đồng giới. Theo dự báo, đến năm 2015, tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn là đường lây nhiễm HIV chủ yếu tại Việt Nam. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng là một trong những chiến lược tích cực, quan trọng nhất trong công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính phủ đã xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2003- 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ, bao gồm dự phòng, chăm sóc, điều trị, giảm tác động tiêu cực của HIV/AIDS. Những chiến lược này cũng đã được xây dựng với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức cộng đồng của những người sống chung với HIV.  Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm liên tiếp trong 3 năm liền về số người nhiễm mới và triển khai Chương trình Methadone một cách có hiệu quả… 
 


Thay mặt Chính phủ và Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những kết quả đáng khích lệ của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/ AIDS và mong muốn các tổ chức xã hội tiếp tục có những đóng góp tích cực trong công tác này, nhất là khi Nhà nước chủ trương tăng cường việc điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, đẩy mạnh chương trình methadone với mục tiêu cung cấp điều trị cho 80.000 người lệ thuộc vào ma túy dạng heroin, thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ y tế và xã hội cho phụ nữ hành nghề mại dâm. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhận định, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như dịch có nguy cơ lan rộng sang cộng đồng những người có ít nguy cơ hoặc nguy cơ thấp, yêu cầu nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS ngày càng cao cho cả dự phòng, chăm sóc và điều trị cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của HIV/AIDS đến phát triển xã hội, trong khi nguồn lực quốc tế có chiều hướng suy giảm.
 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong việc phòng chống HIV/AIDS. Đồng chí nêu rõ:  "Các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức dựa vào cộng đồng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc làm chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, thực hiện tốt truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ điều trị, gắn phòng, chống HIV/AIDS với phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo".

Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo đối thoại thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng để tháo gỡ những khó khăn về khung pháp lý, tài chính, đầu tư và tận dụng dịch vụ của các tổ chức xã hội nhằm thực hiện Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu “Ba không: Không người nhiễm mới, không người chết vì AIDS, không kỳ thị và phân biệt đối xử” mà Việt Nam đã cam kết với nhân dân và cộng đồng quốc tế".

Trong hai ngày tổ chức (24 - 25/9), các đại biểu  dự Hội thảo sẽ tham luận về nhiều vấn đề như: Cập nhật về tình hình dịch HIV/AID; vấn đề huy động nguồn nhân lực và vai trò của các tổ chức xã hội trong ứng phó với dịch HIV/AID ở Việt Nam hiện nay; trình bày của Quỹ Toàn cầu về sự tham gia của các tổ chức xã hội và chính sách tài chính cho các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS; mô hình tổ chức dựa vào cộng đồng để hoạt động ứng phó với dịch HIV/AID đạt hiệu quả cao; mô hình cai nghiện tại cộng đồng.

Trong đó, Hội nghị sẽ tập trung nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, trong đó có 3 nhóm chính: các đoàn thể quần chúng, bao.gồm cả các hội và tổ chức tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dựa vào cộng đồng và mạng lưới người sống chung với HIV/AIDS. Các tổ chức này thời gian qua đã tham gia phòng, chống HIV/AIDS với các mức độ khác nhau tùy thuộc vào chức năng và khả năng của từng tổ chức; tập trung hỗ trợ các hoạt động như truyền thông, dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng; góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: Các tổ chức xã hội và các tổ chức dựa vào cộng đồng là lực lượng không thể thiếu đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, bởi vì họ là người trực tiếp đưa các dịch vụ, kiến thức về HIV/AIDS đến cộng đồng dân cư. Những hoạt động này hiện đang mang lại những kết quả khả quan, hiệu quả. Đến nay, các tổ chức xã hội đã và đang tham gia ngày càng tích cực hơn trong ứng phó với HIV, đặc biệt trong can thiệp trực tiếp ở cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và vận động chính sách.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, sự tham gia của các tổ chức này còn tản mạn và chưa đồng đều, chủ yếu mang tính tự phát. Bên cạnh đó, các tổ chức trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, năng lực tổ chức, quản lý điều hành, thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Do đó, việc đưa ra khung pháp lý cho các tổ chức hoạt động, vấn đề chi trả của Nhà nước cho các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS và giới thiệu chiến lược tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong hoạt động này là rất cần thiết và có tác dụng tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.

Tiến sỹ Kristan Schoultz, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS- UNAIDS cho rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Số người nhiễm HIV trong quan hệ tình dục đồng giới đang tiếp tục gia tăng, tỷ lệ nhiễm HIV do tiêm chích ma túy ở các thành phố lớn và các vùng miền núi vẫn còn rất cao, kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhiều nơi vẫn còn nặng nề... Đó là khoảng trống trong điều trị và là cơ hội để HIV lây lan từ những người này sang nhiều người khác. Một thách thức khác là các nhà tài trợ quốc tế, khối hiện đóng góp hơn 70% tổng chi tiêu cho phòng chống HIV ở Việt Nam, đang giảm dần hỗ trợ tài chính của họ cho HIV. Bà Kristan Schoultz cũng đề xuất với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi Chính phủ và các nhóm cộng đồng thực hiện một số hành động ưu tiên, trong đó có việc bảo đảm cơ chế rõ ràng để các tổ chức xã hội và các nhóm tiếp tục cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về HIV khi nguồn lực quốc tế ngày càng ít đi và không còn nữa. 



Theo PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế “Năm 2013 là năm thứ 23 kể từ khi phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến 31/5/2013, cả nước có trên 213.400 người nhiễm HIV còn sống, trong đó hơn 63.300 người đang ở giai đoạn AIDS, tích lũy tử vong do AIDS là hơn 65.000 người.

5 tháng đầu năm nay, số trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS được phát hiện tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2012 (HIV giảm 32%, bệnh nhân AIDS giảm 50%, số người tử vong do AIDS giảm 49%). Tuy nhiên, dịch HIV tiếp tục lan rộng về địa bàn. Năm 2013 tăng thêm 14 xã/phường mới phát hiện có người nhiễm HIV. Trung bình mỗi ngày, cả nước phát hiện thêm 29 người nhiễm HIV”

 


Song Minh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất