Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 26/8/2010 22:30'(GMT+7)

Phát huy vai trò của già làng

Già làng Ca Dong - huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Già làng Ca Dong - huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Ở Tây Nguyên, trong một làng, đồng bào các dân tộc thường suy tôn một người làm già làng, với vai trò như một “thủ lĩnh”...

Già làng thường là người cao tuổi trong làng, trong dòng họ, trong tộc người ở làng đó. Già làng sống gương mẫu, có công hình thành, phát triển cộng đồng dân cư, am hiểu việc làng, phong tục tập quán, nghi lễ của dòng họ, dân tộc mình và các dân tộc cùng sống trong làng. Già làng có khả năng và kinh nghiệm xử lý hài hòa, hiệu quả việc làng, quan hệ dòng họ và các dân tộc; có hiểu biết sâu rộng, nói dân nghe, làm dân tin. Dân cư trong làng kính trọng, suy tôn già làng một cách tự nhiên, tự nguyện, bình đẳng... Có già làng nam và cả già làng nữ. Có già làng tiêu biểu toàn diện, có già làng tiêu biểu từng mặt, được dân làng coi trọng và tin tưởng.

Vai trò của già làng có tác động quan trọng nhiều mặt của cuộc sống, góp phần ổn định an ninh - chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Có một số việc làng, việc nước, việc dòng họ, tộc người nếu không có già làng làm thì không ai làm thay được. Họ chính là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với dân, để triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, pháp luật...

Thực tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nơi nào chính quyền, đoàn thể các ban, ngành địa phương biết phối hợp và biết phát huy vai trò của già làng trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện hương ước, quy ước của làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sống khỏe, sống vui và hạnh phúc, sống có ích, chống các tệ nạn xã hội... thì những nơi đó, tình làng nghĩa xóm bền chặt, mọi người bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng nhau, không có hiện tượng mất an ninh trật tự, lấn chiếm đất sản xuất; nhân dân giúp nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đặc biệt, thời gian gần đây, bọn phản động FULRO xúi giục, lừa mị, dụ dỗ, kích động một số bà con nhẹ dạ cả tin bán trâu bò, đất đai vượt biên trái phép, hoặc tụ tập thành các “điểm nóng” vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình, các già làng đã chủ động cùng với cán bộ thôn, xã, lực lượng công an, bộ đội tăng cường (tổ công tác 123) đến từng gia đình thuyết phục bà con không nghe và làm theo lời kẻ xấu. Các già làng tích cực tuyên truyền, động viên hàng trăm đối tượng “lạc bước” trở về cùng bà con dân làng đoàn kết lao động sản xuất và góp phần bóc gỡ nhiều tổ chức FULRO cài cắm, tăng cường dân chủ, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch.

Vai trò của các già làng là rất quan trọng. Vì vậy, phải có những chính sách, chủ trương nhằm phát huy hơn nữa vai trò của già làng trong đời sống cộng đồng; đồng thời nâng cao nhận thức toàn diện cho đội ngũ các già làng, trước hết là nhận thức về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch rắp tâm phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân; về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; về chính sách phát triển kinh tế, xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân; về tôn giáo, dân tộc, pháp luật và phương pháp dân vận…

Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cần chủ động phát huy vai trò của các già làng, dựa vào các già làng làm “cầu nối” để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương./.

(Theo: Lê Quang Hồi/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất