Thứ Năm, 26/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 26/5/2014 17:29'(GMT+7)

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Để lãnh đạo điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách tập trung, các tổ chức Đảng cơ sở đã nhanh chóng chỉ đạo việc thành lập các Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đặc biệt là ở các xã làm điểm ở các huyện: Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn và Thị xã Tam Điệp. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy các xã, ngay sau khi thành lập, các tổ chức này đã tiến hành họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên, khẩn trương triển khai các kế hoạch, các nội dung phần việc phải làm. Khối dân vận cơ sở ở các xã trên địa bàn toàn tỉnh cũng vào cuộc, cùng các tổ dân vận ở các thôn, xóm tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, trọng tâm là phong trào chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong phong trào này là các đơn vị như: xóm Tây Cường (xã Văn Hải, huyện Kim Sơn); xóm 2 (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh), thôn Bãi Trứ (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư), xóm Cao Bích (xã Gia Lập, huyện Gia Viễn).


Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị cơ sở đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được tiến hành thường xuyên. Thông qua kiểm tra, giám sát, các tổ chức cơ sở Đảng đã đánh giá được tính hiệu quả, tính thực tế của đường lối, chủ trương đã đề ra, kịp thời khắc phục những khuyết điểm, phát huy những mặt tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính quyền cơ sở các xã đã từng bước cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng ủy và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh…góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Chính quyền các xã đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc thực hiện có hiệu quả việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, trao đổi thông tin, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân xung quanh vấn đề xây dựng nông thôn mới; thông qua các cuộc tiếp xúc với cử tri và nhân dân, các vấn đề nổi cộm trong việc xây dựng nông thôn mới đều được phát hiện và giải quyết kịp thời. Hoạt động giám sát quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới cũng được các xã trên địa bàn tỉnh thực hiện khá nghiêm túc và thường xuyên. Mỗi năm, các xã tiến hành từ 2 đến 3 cuộc giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát thường xuyên được thực hiện chủ yếu thông qua đại biểu Hội đồng nhân dân ở các thôn, xóm; thông qua hoạt động giám sát, những vấn đề bất cập, sai phạm trong công tác tổ chức xây dựng nông thôn mới được phát hiện và kịp thời khắc phục.


Chức năng quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới của chính quyền cấp xã được thực hiện chủ yếu thông qua Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã. Ở Ninh Bình, ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới bắt tay vào việc khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn để từ đó xác định nguồn kinh phí cần thiết cho từng nội dung, từng phần việc. Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng các xã nông thôn cho thấy: trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 120 xã nông thôn, trong đó, có 13 xã đã tiến hành quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, 30 xã đã có quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và hạ tầng kinh tế - xã hội. Mặc dù chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí, nhưng nhiều xã đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng: 99 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; 83 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; 80 xã đạt tiêu chí về điện; 77 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội; 64 xã đạt tiêu chí về y tế. Bên cạnh những tiêu chí đạt với tỷ lệ cao như trên, còn một số tiêu chí như hộ nghèo và cơ cấu lao động, tiêu chí quy hoạch, tiêu chí về thu nhập… là những tiêu chí còn khá nhiều xã trong tỉnh chưa đạt.


Để đảm bảo công tác xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra đúng trình tự, đúng tiến độ, Ủy ban nhân dân các xã thường xuyên tiến hành họp định kỳ để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng nông thôn mới. Tiến hành sơ kết, đánh giá để chỉ ra những thành tựu, hạn chế, từ đó có những đổi mới trong phương pháp thực hiện nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh Ninh Bình có 3 xã đã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 17 tiêu chí, 45 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 65 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, và còn 5 xã khó khăn mới chỉ đạt dưới 5 tiêu chí.


Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân cấp xã ở hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch các chương trình, kế hoạch, kinh phí, ngân sách, thu hút mọi người dân tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới.


Cùng với hoạt động của các tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nông thôn tỉnh Ninh Bình cũng đã tích cực vào cuộc, thực hiện và phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới.


Mặt trận Tổ quốc các xã đã phối hợp với cấp ủy Đảng hướng dẫn việc thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng; kiện toàn Ban thanh tra nhân dân ở các xã; đào tạo, tập huấn cho cán bộ Mặt trận cấp cơ sở về xây dựng nông thôn mới; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở xã hưởng ứng các phong trào do Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”…, tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc chung tay cùng xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 11 năm 2012, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp vận động đóng góp của nhân dân là 138,9 tỷ đồng, trong đó có 8.932 hộ ở 62 xã hiến gần 30,2 ha đất (tổng giá trị đất ước đạt 32,7 tỷ đồng) để xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa...; có 22.080 hộ dân đã đóng góp bằng tiền mặt, công lao động, nguyên vật liệu... (trị giá 84,4 tỷ đồng); có 1.073 cá nhân “mạnh thường quân” ở các địa phương đóng góp tổng trị giá 21,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi của thôn như điện thắp sáng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trạm điện..., tạo ra khí thế thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò xung kích của mình, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh cũng đã đăng ký các công trình, phần việc cụ thể tham gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả: trong 3 năm triển khai thực hiện (2011-2013), các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã vận động được 319 gia đình đoàn viên thanh niên hiến đất, hiến tài sản với trên 90.000m3 đất các loại; huy động lực lượng thanh niên tình nguyện đóng góp trên 3.000 ngày công tham gia giải phóng mặt bằng; cắm được trên 2.000 cột mốc lộ giới ở các trục đường thôn; xây dựng được 213 công trình thanh niên, phần việc thanh niên, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng... Nổi bật trong các hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn chính là việc xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tại các địa phương khác trong tỉnh do thanh niên làm chủ (điển hình là mô hình tổ hợp tác thanh niên sản xuất rau sạch tại huyện Kim Sơn). Chính điều này đã từng bước góp phần hình thành lớp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình, trở thành lực lượng tiên phong trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của quê hương để phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm ở địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Hội Phụ nữ ở các xã đã quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng và xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong 3 năm qua, các cơ sở hội ở huyện Hoa Lư đã xây dựng 185 mô hình hỗ trợ con giống, giúp nhau ngày công, con giống với tổng giá trị tiền là 659 triệu đồng, đã mở 62 lớp dạy nghề (móc hộp, đính hạt cườm, đan làn nhựa, đan bèo, kỹ thuật nuôi thỏ, trồng nấm) cho 3.962 hội viên, giúp 276 hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện. Còn ở Kim Sơn, các cơ sở hội đã huy động hội viên nuôi 22.789 lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, với tổng số tiền là 998 triệu đồng; vận động cán bộ, hội viên tham gia các lớp dạy nghề (đan cói, bèo bồng, may công nghiệp), phối hợp với huyện hội và các đơn vị kinh tế giới thiệu và tạo việc làm cho 2000 phụ nữ... Nhờ đó, nhiều gia đình phụ nữ ở các cơ sở nông thôn đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế, trở nên khá, giàu.

Cùng với việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, các Hội cơ sở cũng tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ xây dựng và sửa chữa 82 mái ấm tình thương trị giá gần 4,7 tỷ đồng; nhiều đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong việc tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, làm đường giao thong nông thôn như: chi hội thôn Thượng Đồng (xã Văn Phong, huyện Nho Quan) có 60 hộ gia đình tự nguyện hiến 4.520m2 đất, chi hội xóm 5A (xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn) với 2.350m2, chi hội 1 (phường Tây Sơn, thị xã Tam Điệp) với trên 1.000m2.

Cùng với các cấp Hội, Hội Nông dân các cơ sở cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về vai trò chủ thể của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2013, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 422 hội nghị tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho 16.930 lượt cán bộ hội viên, nông dân; phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền về các điển hình thuộc tổ chức Hội làm tốt việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, huyện, Hội Nông dân các xã đã tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia hiến đất, hiến công mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn. Đến nay đã có 10.887 hộ hội viên, nông dân tự nguyện hiến 48 ha đất, đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu, tài sản trên đất trị giá trên 150 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Luôn phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở trong toàn tỉnh cũng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, và đặc biệt là thực hiện tốt các định hướng, mục tiêu của địa phương về xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tổ chức được 17 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới; tổ chức 163 buổi hội thảo tuyên truyền với sự tham gia của hơn 20.000 lượt cán bộ, hội viên. Cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, đóng góp ủng hộ cả công sức và tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, cụ thể: có 2.398 hộ hội viên hiến 233,272 m2
 đất thổ canh, thổ cư để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; ủng hộ 4.360.689.000 đồng tiền mặt và 61.261 ngày công; rỡ bỏ 1.671 m tường rào; tham gia kiên cố hóa 2.295 m kênh mương, làm 136,8 km đường giao thông, khơi thông 100 km kênh tiêu, xây dựng 100 điểm tập kết rác thải...Tiêu biểu cho phòng trào Hội Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới là: Hội Cựu chiến binh xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn); xã Gia Tân, Gia Trung (huyện Gia Viễn), thôn Yên Mỹ (xã Yên Quang, huyện Nho Quan), xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp)...

Bên cạnh những kết quả đã nêu, việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình cũng còn một số hạn chế. Một số đảng bộ xã chưa thật sự phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong hệ thống chính trị chưa được phân định rõ ràng; tổ chức và hoạt động của một số bộ phận cấu thành hệ thống chính trị còn mang tính hình thức, hiệu quả đạt được chưa cao; trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều chức danh chưa đạt chuẩn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa ngang tầm với nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...



2
. Để phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như:

Một là: nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Qua thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, có thể thấy hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, điều hành, vận động nhân dân tổ chức xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, đây chính là nhân tố quyết định mức độ thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, trước hết phải thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền. Chỉ khi nào người dân nông thôn thấy rằng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là nhằm phục vụ cho lợi ích của họ, cho cộng đồng, khi đó họ mới tự giác, tự nguyện xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của địa phương, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ninh Bình là một tỉnh có địa hình khá phức tạp, trong thời gian trước mắt, để thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, cần phải có các giải pháp cụ thể cho từng địa phương. Trong đó, cần tăng cường và tập trung hơn nữa cho công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã nghèo miền núi (các xã: Quỳnh Lưu, Quảng Lạc, Thượng Hòa của huyện Nho Quan; xã Yên Thái của huyện Yên Mô,...), các xã có đông đồng bào theo đạo (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh; các xã: Lưu Phương, Văn Hải của huyện Kim Sơn),...

Hai là: đổi mới phương thức hoạt động và mối quan hệ giữa các thành viên trong hệ thống chính trị cấp cơ sở

Phương thức lãnh đạo của Đảng cần tăng cường về định hướng, chủ trương lớn, tăng cường tính chủ động của chính quyền, tránh bao biện, làm thay những việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ; các tổ chức đảng cơ sở lãnh đạo phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách; chú trọng hơn nữa đến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên bằng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức…nhằm phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở ở các xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải hướng đến mục đích nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, cần có sự phân công rành mạch các chức năng giữa chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên thường trực của Ủy ban nhân dân; ổn định và tiến tới công chức hóa cán bộ chuyên môn, chuyên môn hóa các chức danh chuyên môn của Ủy ban nhân dân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết có hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các xã phải xây dựng được quy chế làm việc cụ thể dựa trên quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương; nâng cao trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân...

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các xã: cần xác định rõ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận cùng các đoàn thể trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về xã, tập trung cho xã, bảo vệ thiết thực quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, đoàn viên, nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng; khắc phục tình trạng “hành chính hoá” công tác đoàn thể; dần thực hiện chế độ tự quản trong cộng đồng; tăng cường chức năng phản biện xã hội, tham gia quản lý của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng đối với bộ máy chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội tại xã.

Bên cạnh việc đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, đổi mới mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò của hệ thống này trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ giữa cấp uỷ đảng và chính quyền cấp xã. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng cơ sở, phải đảm bảo tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể cấp xã; chính quyền xã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả.

Ba là: đổi mới và hoàn thiện chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có con người mới, bởi vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần đảm bảo chất lượng và thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở ở tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới cần phải tập trung vào những giải pháp cụ thể như: giáo dục phẩm chất, đạo đức, chống thoái hóa, biến chất cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt (Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã…); quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ ở cơ sở theo phương châm gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí sử dụng nhằm phát huy kiến thức đã học và tạo điều kiện động viên khuyến khích cán bộ tích cực, chịu khó học tập, rèn luyện nâng cao trình độ; đổi mới và thực hiện đồng bộ các quy định, quy chế về bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ cấp xã đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng lúc, đúng quy trình và phải phù hợp với khả năng, thế mạnh của từng người với yêu cầu công việc; tăng cường kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; đồng thời, phải đổi mới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị ở xã trên cơ sở nguyên tắc “chế độ đãi ngộ tương xứng với trách nhiệm, khối lượng và chất lượng công tác của từng chức danh”...

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở, góp phần sớm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang là vấn đề cấp thiết và bức xúc không chỉ ở Ninh Bình mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước. Có thể nói đây là nền tảng để đảm bảo sự ổn định, phát triển lâu bền của nông thôn hoà nhập chung với tiến trình phát triển của đất nước. Để đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của hệ thống này trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, cũng như trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn nói chung, một mặt phải do cơ sở chủ động, tự chịu trách nhiệm; nhưng đồng thời phải có phần trách nhiệm rất lớn của Trung ương, của tỉnh và huyện. Chỉ có trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, các cấp trong hệ thống chính trị, thì chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước mới được hiện thực hóa trong thực tiễn, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Bình./.


 

Phạm Thị Bích Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất