Đảng và
Nhà nước ta luôn xác định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo
vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là sự nghiệp của
toàn dân. Trong suốt quá trình cách mạng bảo vệ và xây dựng đất nước,
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố các lực lượng để huy
động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ an
ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Do đó cùng với
việc xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại, việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của lực
lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở được hết sức chú trọng.
Nhận
thấy tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ
sở, thời gian qua, các đối tượng cơ hội chính trị, các tổ chức phản
động lưu vong thường xuyên đăng tải các bài viết xuyên tạc lực lượng này
bằng nhiều luận điệu sai trái, bịa đặt. Các đối tượng xuyên tạc rằng:
“Hợp nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở là cách để chính quyền
gia tăng kiểm soát người dân”; “Nhà nước muốn tạo ra một mạng lưới chân
rết quần chúng sát với từng người dân để nắm được chân tơ kẽ tóc mọi
hoạt động của người dân”; “Thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh,
trật tự ở cơ sở sẽ làm “phình to” bộ máy”; “Việc thành lập lực lượng bảo
vệ an ninh trật tự cơ sở chỉ tăng thêm gánh nặng chi ngân sách của nhà
nước mà người dân phải gánh chịu thông qua việc đóng thuế”...
Mục
đích mà các đối tượng hướng đến là hòng bôi nhọ hình ảnh và phủ nhận
vai trò của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, bôi nhọ
chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc; kích động người dân chống đối, làm suy giảm niềm tin với
Đảng, Nhà nước và hạ thấp vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc
tế.
Thực tế cho thấy, những quan điểm xuyên tạc, sai trái về lực
lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là sự suy diễn vô căn cứ,
mang tính áp đặt và cực đoan. Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm
pháp luật trên cả nước diễn ra hết sức phức tạp.
Báo cáo quý
I/2024 về tình hình tội phạm và kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm
cho thấy, toàn quốc xảy ra 13.640 vụ phạm tội về trật tự xã hội, nhiều
loại tội phạm tăng, trong đó nhóm tội phạm chống người thi hành công vụ
và tội phạm liên quan tệ nạn xã hội tăng cao. Từ đây cho thấy sự cần
thiết của việc ban hành các quy định nhằm phát huy tốt hơn nữa chức
năng, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực
lượng này có chức năng, nhiệm vụ chính là tham gia bảo vệ an ninh, trật
tự, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền, vận
động, giáo dục những người vi phạm pháp luật sống hoàn lương, cống hiến
cho sự phát triển cộng đồng...
Với lợi thế sinh ra và lớn lên
tại địa phương, được nhân dân tín nhiệm bầu ra, lực lượng bảo vệ an
ninh, trật tự tại cơ sở có điều kiện gần gũi người dân, thông thuộc địa
bàn, hiểu rõ thói quen, nếp sống, phong tục tập quán, tâm tư, nguyện
vọng của người dân, nắm bắt nhanh chóng và giải quyết triệt để tình hình
an ninh, trật tự tại cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế sự phát sinh
các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để xảy ra điểm “nóng”, phức
tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trải qua sự kiểm nghiệm
của thời gian, lực lượng công an xã bán chuyên trách (thành lập từ ngay
sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945), lực lượng bảo vệ dân phố (thành lập
từ năm 1955), lực lượng dân phòng (thành lập từ năm 1960) đã phát huy
tốt vai trò và chức năng của mình.
Tuy nhiên, nếu không có quy
định rõ ràng, thống nhất và hướng dẫn cụ thể trong xây dựng lực lượng sẽ
dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, thậm chí lạm
quyền, không làm hết trách nhiệm, không rõ ràng về chế độ, chính sách,
điều kiện bảo đảm về nguồn lực, về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo
đảm hoạt động giúp lực lượng trên có sự hiệu quả trong tổ chức hoạt
động, trong chỉ đạo thực hiện. Từ thực tiễn này cho thấy, cần phải luật
hóa các quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ
sở.
Ngày 28/11/2023, Luật Lực
lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thông qua tại kỳ họp
thứ 6 Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo
quy định của Luật, lực lượng này được hình thành nhờ kiện toàn ba lực
lượng đã có sẵn, bao gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và
dân phòng, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Lực lượng
tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí theo mô hình tổ bảo
vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương (dự
kiến có 3-5 thành viên/tổ).
Nhờ vậy, lực lượng tham gia bảo vệ
an ninh, trật tự ở cơ sở chuyên trách, chuyên nghiệp, tinh nhuệ, hoạt
động hiệu quả hơn, phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự từ sớm,
từ xa, từ cơ sở. Lực lượng này phối hợp với lực lượng công an trực tiếp
quản lý địa bàn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để phòng ngừa,
phát hiện, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm về an
ninh, trật tự khác.
Khi có những vụ việc phức tạp về an ninh,
trật tự có nguy cơ hoặc đã diễn ra trên địa bàn được phân công phụ
trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải có mặt
nhanh chóng, kịp thời vận động người dân trên địa bàn hỗ trợ giải quyết,
đồng thời báo cáo tình hình cho cơ quan công an trực tiếp quản lý địa
bàn, phối hợp với lực lượng công an và lực lượng chức năng truy bắt tội
phạm, người trốn thi hành án phạt tù, người bị truy nã đang ở trong địa
bàn. Lực lượng này được bố trí phương tiện, cơ sở vật chất phù hợp, được
bố trí chỗ làm việc, cấp phát trang phục, phù hiệu, huy hiệu, biển
hiệu, thực hiện chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm
xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quyết định, nhờ đó tạo động lực và điều kiện để tham gia hoạt động đạt
hiệu quả cao nhất.
Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ
an ninh trật tự ở cơ sở chính là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách của Nhà nước về mục tiêu “lấy dân làm gốc”, bảo vệ an
ninh trật tự từ sớm, từ xa, từ cấp cơ sở. Luật điều chỉnh chức năng,
nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh,
trật tự ở cơ sở gắn với tinh gọn bộ máy, kiện toàn lực lượng, không làm
gia tăng biên chế, giúp giảm bớt chi tiêu ngân sách nhà nước, tăng cường
công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đây là cánh tay nối
dài của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây
dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước xây dựng nền
an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giải quyết
kịp thời, nhanh chóng, từ cơ sở các vụ việc liên quan đến an ninh trật
tự, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền trong bảo đảm an ninh trật tự, vì cuộc
sống bình yên, ấm no của nhân dân.
Luật Lực lượng tham gia bảo
vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã tạo nên cơ sở pháp lý hết sức quan trọng
phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, củng cố lực
lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự đáp ứng yêu cầu của công tác
phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay. Cần khẳng định
rằng, việc kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
không làm phình to bộ máy mà giúp lực lượng tập trung theo đầu mối, cải
thiện điều kiện, cơ sở vật chất góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng
quá trình công tác.
Tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc
phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ở
một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa thật sự cao, chưa
phát huy được ý thức trách nhiệm và nguồn lực từ trong nhân dân. Xác
định chức năng, nhiệm vụ một số tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa
thật sự cụ thể, chưa tính sát thực tiễn địa bàn và tâm tư, nguyện vọng
của nhân dân. Mặc dù không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của
lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng để phát huy tối
đa hiệu quả hoạt động cần cụ thể hóa nhiệm vụ của lực lượng này.
Trong
bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, hiện đại hóa, các đối tượng cơ
hội chính trị, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng
mạng xã hội như Facebook, YouTube.... để tung nhiều thông tin xuyên tạc,
thổi phồng, bóp méo sự thật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật
tự ở cơ sở.
Chính vì thế, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác,
có nhận thức đúng đắn, tích cực, không tin, nghe theo và cung cấp, chia
sẻ các thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên không gian mạng; tích cực
tham gia cùng các cơ quan chức năng trong đấu tranh, ngăn chặn kịp thời
những luận điệu xuyên tạc, sai trái. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục
phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh
trật tự, nhất là ở địa bàn cơ sở, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển
kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và giữ gìn sự bình yên cho nhân dân./.
TS. MAI DIỆU ANH (nhandan.vn)