Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 4/4/2019 8:51'(GMT+7)

Phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại Liên minh Nghị viện thế giới

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-140 và các hội nghị liên quan nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng được đề ra tại Đại hội XII, Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Việc tham dự Đại hội đồng IPU-140 tiếp tục góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua việc thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong giải quyết các thách thức khu vực, toàn cầu; tranh thủ sự ủng hộ và quan tâm của các nước đến vấn đề an ninh ở khu vực có liên quan đến các lợi ích thiết thực của Việt Nam. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-140 và các hội nghị liên quan cũng làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác thông qua hoạt động tiếp xúc song phương bên lề; phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam tại Liên minh Nghị viện thế giới, nhất là đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới nhiệm kỳ 2018-2019.

* IPU thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu

Được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), Liên minh Nghị viện thế giới là tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 178 thành viên, 10 thành viên liên kết và đang tiếp tục mở rộng, IPU là trung tâm hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc. 

Mục tiêu chính của IPU gồm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và nghị sĩ các nước; tham vấn, thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện và nghị sĩ. IPU tích cực đóng góp vào việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới, yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.

IPU hợp tác chặt chẽ với các cơ chế của Liên hợp quốc, liên minh nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, điển hình là hoạt động điều trần thường niên về các vấn đề của Liên hợp quốc, thu hút sự tham dự của hầu hết các nghị viện thành viên. IPU tập trung vào 6 lĩnh vực hoạt động chính gồm: Tăng cường nền dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; đẩy mạnh phát triển bền vững; thúc đẩy pháp luật về nhân đạo và bảo vệ nhân quyền; nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị; tăng cường đối thoại, giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa.

* Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động tại IPU

Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên IPU vào tháng 4/1979. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế, khu vực đánh giá cao. Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước được thiết lập, tăng cường. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương và nhóm ASEAN+3. Tại Kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10/2007 (tại Geneva, Thụy Sỹ), lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU. 

Năm 2009, đại diện của Quốc hội Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch IPU, trên cương vị này, Quốc hội Việt Nam đã có điều kiện đóng góp trực tiếp, thiết thực hơn vào hoạt động của IPU, qua đó giới thiệu về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước. 

Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 tháng 4/2015 với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tháng 10/2016, tại Đại hội đồng IPU-135 tại Thụy Sỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã được Hội đồng Điều hành bầu làm thành viên Ban Chấp hành IPU, đại diện cho Nhóm châu Á – Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2019. Quốc hội Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2017.

Tại Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-138) ở Geneva, Thụy Sỹ , Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu quan trọng, nêu những khuyến nghị và nhiều sáng kiến cụ thể. Việt Nam khẳng định cần tăng cường, tiếp tục củng cố, duy trì môi trường hòa bình để phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề xuất các nước tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (chương trình này có 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu). Nghị viện các nước thành viên phải có trách nhiệm rà soát lại chính sách, pháp luật để quy định các điều khoản phù hợp và giúp đỡ những người di cư; phải có chính sách xử lý hài hòa, đặc biệt quan tâm vấn đề giáo dục, y tế và việc làm, phải đối xử bình đẳng như người bản địa chứ không thể xem họ là đối tượng di cư bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất các nghị viện phải xây dựng các chính sách nhằm tạo ra những nguồn lực hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề di cư. Thực tế cho thấy, những quốc gia này khó chủ động nguồn lực đủ lớn để giải quyết các vấn đề về di cư, vì vậy cần có sự tham gia của cộng đồng các nước, nhất là những quốc gia phát triển có chính sách, nguồn lực hỗ trợ…

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 139 (IPU-139) đã diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ). Tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-139, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các quốc gia, IPU, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác để triển khai các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Là một quốc gia đang phát triển nhưng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước phát triển, chia sẻ kinh nghiệm trong thúc đẩy vai trò của cơ quan lập pháp, giám sát chính sách khoa học-công nghệ gắn với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140) lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và chịu nhiều tác động bởi cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng trở nên gay gắt. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, là mong muốn của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nạn khủng bố, xung đột, bạo lực, cực đoan, đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng nhiều vấn đề khác, tiếp tục đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới. Kinh tế thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc và đứng trước nhiều khó khăn. Trong bối ảnh đó, Liên minh Nghị viện thế giới đóng vai trò quan trọng, cùng Liên hợp quốc thảo luận các giải pháp nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động hợp tác, chương trình nghị sự để củng cố đoàn kết, đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhân dịp Đại hội đồng kỳ này, Liên minh Nghị viện thế giới sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày thành lập Liên minh Nghị viện thế giới (1889-2019)./.

Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất