Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, dân chủ được khẳng định là giá trị mang tính bản chất của chế độ xã hội ta, ngày càng được nâng cao, mở rộng trong cuộc sống. Theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), một trong những biểu hiện của dân chủ là việc phát huy vai trò giám sát của báo chí trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Ở nước ta, hơn 50 năm qua, một trong những biểu hiện đầy đủ, mang tính bản chất của việc phát huy các giá trị của dân chủ trong sự phát triển của xã hội là quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được tăng cường, nâng cao. Nhìn từ phương diện tổ chức, quản lý xã hội, giá trị và vai trò, tinh thần dân chủ đã đặt nhân dân vào vị thế của người có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước, từ đó kiểm soát, hạn chế việc lạm dụng quyền lực.
Trên thực tế, điều này hết sức cần thiết, bởi lịch sử vấn đề tổ chức, quản lý xã hội của loài người cho thấy ở bất kỳ quốc gia nào mà quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước không được kiểm soát chặt chẽ có thể xuất hiện xu hướng lạm dụng quyền lực; và khi quyền lực bị lạm dụng sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm là tha hóa quyền lực, tác động tiêu cực, thậm chí cản trở, phá hoại sự phát triển quốc gia.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này trong bối cảnh mới của sự nghiệp cách mạng, qua đó tiếp tục tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đối với quá trình tổ chức, quản lý xã hội, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) nhấn mạnh vấn đề phát huy trách nhiệm giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Về nguyên tắc, hoạt động giám sát của báo chí là theo dõi việc đảng viên, cán bộ thực hiện các quy định mà Ðảng đã yêu cầu đảng viên phải thực hiện, và việc hoàn thành nhiệm vụ từ chức trách mà chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể,... đã giao cho mỗi cán bộ. Trên phạm vi rộng hơn, hoạt động giám sát của báo chí được thể hiện qua việc tham gia theo dõi quá trình thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát hiện vấn đề, hiện tượng tích cực cần được khuyến khích, biểu dương, nhân rộng,... đồng thời phát hiện vấn đề, hiện tượng có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm hiệu quả xã hội của chủ trương, chính sách đó; thông qua những hoạt động này, báo chí góp phần giúp chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân để ngày càng phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh.
Các nội dung trên đây cho thấy, nếu báo chí phát huy một cách lành mạnh và nghiêm túc vai trò giám sát của mình, sẽ có ý nghĩa to lớn trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đảng viên, cán bộ. Thực tế các năm qua cho thấy từ vai trò giám sát, báo chí đã góp phần đưa ra trước ánh sáng công lý nhiều vụ việc tiêu cực, thu hút sự chú ý và nhận được sự đồng tình của dư luận, như các vụ án liên quan Lương Quốc Dũng, Mai Văn Dâu, Bùi Quốc Huy, vụ án liên quan trùm xã hội đen Năm Cam,... trước đây, và các vụ án liên quan Bùi Tiến Dũng, Dương Chí Dũng, Giang Kim Ðạt,... gần đây.
Trong các vụ án này phải kể đến việc sau khi báo chí phát hiện chiếc xe Lexus cá nhân của ông Trịnh Xuân Thanh gắn biển số xanh, tiếp đó là phản ánh về tình trạng thua lỗ nặng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam,... cơ quan chức năng đã vào cuộc, từ đó một vụ án tham nhũng lớn được khởi tố, xét xử với nhiều bản án nghiêm khắc. Tương tự, từ phản ánh của báo chí và sự vào cuộc của cơ quan chức năng mà sai phạm của một số cán bộ thuộc Bộ Công thương, trong đó có cả những người đứng đầu... Không chỉ giám sát vấn đề lớn, báo chí còn đặc biệt quan tâm giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ ở cơ sở - những người có nhiệm vụ thay mặt Ðảng, chính quyền trực tiếp tổ chức, lãnh đạo hoạt động ở cấp cơ sở, trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, trực tiếp giải quyết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân… Từ đó, nhiều sự việc tham nhũng, lạm thu, bớt xén tiền hỗ trợ người nghèo, xà xẻo tiền đền bù, lập "danh sách ma" để nhận hỗ trợ của Nhà nước, cấp đất không đúng thẩm quyền, đồng lõa với lâm tặc phá hoại rừng,... đã bị phanh phui, không ít đảng viên, cán bộ cấp cơ sở phải nhận kỷ luật của Ðảng, phải ra trước tòa, chịu án tù. Vì thế, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ từng nhiều lần chỉ đạo cơ quan chức năng xác minh thông tin được công bố trên báo chí, đồng thời phản ánh của báo chí cũng nhiều lần kịp thời giúp các ban, ngành, cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương phát hiện, giải quyết một số vấn đề, hiện tượng phức tạp.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động báo chí thời gian qua còn cho thấy, trong khi thực hiện vai trò giám sát, lại có tình trạng một số tờ báo, nhà báo tập trung phát hiện, giám sát biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên hơn là phát hiện, giám sát hiện tượng mang ý nghĩa tích cực xuất hiện trong đội ngũ đảng viên, cán bộ để cổ vũ, biểu dương, khuyến khích. Lối tiếp cận thiên lệch này đẩy tới khả năng làm cho bạn đọc nảy sinh lối nhìn nhận bi quan, không phản ánh vấn đề có tính nguyên tắc là dù thế nào thì sự phát triển của đất nước với nhiều thành tựu không thể phủ nhận trong các năm qua là từ nỗ lực, đóng góp của cả dân tộc, trong đó có sự gương mẫu, đóng góp tích cực của rất nhiều đảng viên, cán bộ. Ðồng thời, lối tiếp cận thiên lệch còn làm xuất hiện hành vi tiêu cực khi có một số nhà báo nhân danh, lợi dụng vai trò giám sát nhằm hù dọa tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,... để trục lợi, cá biệt có cả trường hợp nhà báo dựng chuyện để vu khống, vu cáo gây sức ép…
Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên đang đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ xã hội - nghề nghiệp của mình với hiệu quả cao. Muốn vậy, mỗi nhà báo cần trở thành người có "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" như sinh thời nhà báo Hữu Thọ tổng kết để tự răn mình. Với vai trò giám sát cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đảng viên, cán bộ cũng vậy, chỉ khi nhà báo thật sự "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" thì hoạt động giám sát mới bảo đảm ý nghĩa xã hội, mới xây dựng được nhãn quan báo chí "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách" như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của Ðảng khẳng định.
Vì thế, muốn thực hiện tốt vai trò giám sát, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo không những cần am hiểu sâu sắc, có khả năng nắm bắt vấn đề, lĩnh vực, sự kiện, hiện tượng mà tác phẩm báo chí đề cập để có ý kiến tỉnh táo, xác đáng, thuyết phục,... mà còn cần giám sát cả hoạt động nghề nghiệp của mình. Nói cách khác, muốn phát huy vai trò giám sát để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên thì người làm báo cũng cần phải trực tiếp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ của mình để làm trong sạch nền báo chí, và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hà Nam/Nhân dân