Cho biết Bộ Ngoại giao đang xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn Cần Thơ hỗ trợ tích cực công tác này. Bởi, khi cơ sở dữ liệu này hoàn thiện, sẽ giúp ích rất lớn và kịp thời cho các địa phương cũng như kiều bào trong các công việc liên quan đến thủ tục hành chính.
Thứ trưởng cũng mong muốn Cần Thơ làm cầu nối, kết nối những công dân Cần Thơ đang có người thân là những chuyên gia ở nước ngoài, vận động họ về nước công tác hoặc tham gia vào các hoạt động chuyên môn sâu cũng như công tác đại đoàn kết.
Hai bên trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác ngoại giao.
Về phía địa phương, đồng chí Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, trên cơ sở định hướng các hoạt động đối ngoại của Trung ương, thành phố đã triển khai bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể trên mỗi lĩnh vực của hoạt động đối ngoại như: Ngoại giao kinh tế; công tác đối ngoại với các đoàn ra, đoàn vào; ngoại giao văn hóa; công tác người Việt Nam ở nước ngoài; ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; công tác lãnh sự - bảo hộ công dân...
Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, thành phố Cần Thơ đã ký kết 9 bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài; trong đó, nổi bật là việc ký kết hợp tác với thành phố Nasushiobara (Nhật Bản) và Hội đồng tỉnh Jeollanam (Hàn Quốc). Dự kiến, trong năm 2024, thành phố sẽ tái ký kết hợp tác với tỉnh Champasak (Lào), tỉnh Kampong Chhnang (Campuchia) và ký mới với tỉnh Canelones (Uruguay)…
Riêng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, hiện Cần Thơ có khoảng trên 20.000 người định cư ở nước ngoài. Cần Thơ đã và đang thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nhân Việt kiều theo quy định của pháp luật.
Thành phố có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện tư vấn, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du học, đưa người đi làm việc ở nước ngoài và chính sách pháp luật về bảo hộ công dân khi di cư ra nước ngoài. Cùng với đó là nâng cao nhận thức và cảnh báo những vấn đề rủi ro khi công dân di cư ra nước ngoài, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác bảo hộ, bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân khi di cư ra nước ngoài.
Để hoạt động đối ngoại của thành phố Cần Thơ ngày càng khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thực Hiện đề nghị Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành một số quy định cụ thể hơn trong lĩnh vực đối ngoại; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện việc hỗ trợ đối với đề nghị cấp học bổng (ngoài Hiệp định) và một số đề nghị hỗ trợ khác như thực hiện hợp tác với các địa phương của Lào, Campuchia tại các dự án: Nâng cao đường giao thông, xây Công viên hữu nghị, hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện, xây dựng trụ sở làm việc...
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì hoặc đề xuất các bộ, ngành phối hợp với thành phố tổ chức các sự kiện quốc tế tại Cần Thơ nhằm phát huy vị thế thành phố trung tâm, trọng điểm, là đòn bẩy phát triển của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long…