Chủ Nhật, 6/10/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 7/9/2008 8:44'(GMT+7)

Phát thanh có hình- loại hình mới nhưng không xa lạ!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trở lại với bộ đồng phục sĩ quan quen thuộc của những ngày ở trong quân ngũ, tất bật ngược xuôi công việc chuẩn bị cho sự ra mắt của Kênh Phát thanh có hình, nhà thơ Trần Đăng Khoa những ngày này là người thực sự bận rộn ở Đài TNVN. Ngày 7/9/2008, Kênh phát thanh có hình, do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm giám đốc, sẽ chính thức lên sóng.

Trước ngày phát sóng chính thức, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ với phóng viên báo TNVN về loại hình báo chí mới mẻ này:

-Kênh phát thanh có hình là một sáng kiến mới của TGĐ Vũ Văn Hiền và lãnh đạo Đài TNVN. Nó không phải phát thanh, cũng không phải truyền hình, mà đúng như tên gọi, nó là hệ phát thanh có hình. Xin quý vị hãy cứ hình dung như thế này thôi: Nếu chúng ta nghe một chương trình phát sóng, nhắm hết mắt lại, nghe thôi chứ không nhìn, chúng ta cũng hiểu được một cách cặn kẽ toàn bộ nội dung, thậm chí có thể “nhìn” bằng con mắt thứ 3, nghĩa là nhìn bằng sự tưởng tượng thì đấy là phát thanh.


Còn nếu tắt âm thanh đi, chỉ nhìn hình ảnh thôi mà chúng ta cũng biết tới 80%, 90% nội dung mà những người làm chương trình muốn truyền tải thì đấy là truyền hình. Còn hệ phát thanh có hình là chúng ta vừa nghe, vừa nhìn; nhìn bổ sung cho nghe, nghe hỗ trợ cho nhìn. Tất nhiên, truyền hình cũng có phẩm chất như vậy, nhưng truyền hình thì “ngôn ngữ” chính là hình, tiếng nói là phụ, còn hệ phát thanh có hình thì tiếng nói, âm thanh là ngôn ngữ chính, hình chỉ là phụ thôi, trong đó có cả hình động, hình tĩnh.


Nhiệm vụ chính của phát thanh có hình là đưa các tin tức thời sự mới nhất, nóng hổi nhất ở trong nước và thế giới, chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đến với nhân dân một cách nhanh nhất và là nhịp cầu nối để chuyển những nguyện vọng, những khao khát của người dân. Âm hưởng chính là tin tức thời sự nhưng bên cạnh đó, có những chương trình đan xen như: âm nhạc, văn học nghệ thuật, những vấn đề văn hóa xã hội, kinh tế… Các chương trình này có thể cũng giống như truyền hình, có thể lẫn với truyền hình…


** Nói như nhà thơ thì hệ phát thanh có hình là tập hợp những điểm mạnh của cả phát thanh và truyền hình, vậy nếu để tạo dấu ấn của một loại hình báo chí hoàn toàn mới thì hệ này cần khai thác những điểm mạnh nào của phát thanh và truyền hình để tạo nên sự đặc biệt của Phát thanh có hình?

Trần Đăng Khoa: Tôi cho rằng, điểm mạnh của phát thanh là tin tức thông tin nhanh, chứ truyền hình thì cồng kềnh, phải qua rất nhiều công đoạn nghiệp vụ nên có muốn nhanh cũng khó mà nhanh được. Ở phát thanh có hình, chúng ta tận dụng được cái nhanh nhạy của phát thanh, nhưng khác là còn có hình. Có thể là hình động, có khi là hình tĩnh, thậm chí không cần hình mà chỉ đưa thông tin.


Các hệ thống truyền hình hiện nay, tính chuyên nghiệp rất cao, và đang phát triển một cách rực rỡ. Hệ phát thanh có hình lại phát trên hệ thống chung của truyền hình và người dân thì chỉ biết đấy là truyền hình thôi, người ta có thể lấy truyền hình làm thước để đo lại phát thanh có hình. Vậy thì chúng tôi phải làm thế nào để những chương trình này có những yếu tố mới nhưng lại không xa lạ với người xem. Đấy là một bài toán rất khó mà Tổng Giám đốc giao cho chúng tôi phải tìm ra lời giải.


** Qua những thông tin mà nhà thơ vừa cung cấp thì tôi có thể hình dung hệ phát thanh có hình vừa có sự giao cảm trực tiếp bằng hình ảnh, và lại có cả sự tức thời của phát thanh. Vậy áp lực lớn ở đây chính là tính tức thời của thông tin, vì thế để chuẩn bị lực lượng đáp ứng việc này, nhà thơ có thể cho biết những dự kiến, những sự chuẩn bị cho công việc ra sao?


Trần Đăng Khoa:
Trong biển thông tin hiện nay, chọn thông tin nào hay và thiết thực là cả một vấn đề. Nhưng chúng tôi có đội ngũ anh em trẻ trung, khá tinh nhạy và có thể nắm bắt thông tin, làm chủ khoa học kỹ thuật. Đấy là một thuận lợi nhưng cũng còn vô vàn khó khăn, vì dẫu sao phát thanh có hình vẫn là một loại truyền hình, nhưng lại là loại hình truyền hình rất mới mẻ, không chỉ với dân phát thanh mà ngay cả với chính những người từng thành thạo trong lĩnh vực truyền hình cũng thấy bỡ ngỡ.


** Nhiều thính giả từng biết Nhà thơ Trần Đăng Khoa với cương vị là Trưởng Ban Văn học Nghệ Thuật của Đài TNVN. Nay anh chuyển sang làm Giám đốc Hệ Phát thanh có hình thì mảng văn học nghệ thuật trên Hệ này được cơ cấu như thế nào?


Trần Đăng Khoa:
Đây là một mảng nội dung đan xen giữa các chương trình thời sự mà chúng tôi cũng rất coi trọng. Thêm nữa, văn học nghệ thuật là mảng đánh giá rất khó hiện nay và thường khó có thể đi đến thống nhất, nhưng chúng tôi chọn 1 phương án tốt nhất để có thể tôn vinh những tác phẩm có giá trị thực sự. Đặc biệt đáng chú ý là mảng văn học trong nhà trường, vì mảng này hiện nay có số lượng rất đông khán thính giả, làm sao để cho các em học sinh, sinh viên (HS, SV) có thể tiếp cận được các tác phẩm mình yêu thích. Có thể gặp được chính tác giả để nghe tác giả nói về tác phẩm của mình. Tôi nghĩ, đây có thể là “kênh” rất thiết thực, có ích với các HS, SV.

** Có một câu hỏi riêng tư một chút, liên quan đến áp lực anh đang phải gánh vác. Gần đây, nhiều đồng nghiệp nhận thấy là anh sau 5 năm rời quân ngũ, anh lại bắt đầu mặc quân phục trở lại. Đây có phải là cách để anh tìm lại tự tin để giải quyết những áp lực công việc hiện nay?


Trần Đăng Khoa:
Thực ra tôi là người lính mặc thường phục thì đúng hơn. Với người lính chúng tôi thì chỉ có hoàn thành nhiệm vụ được giao.Với tôi, làm phát thanh hay truyền hình thì cũng không phải là mới mẻ. Tôi cũng đã từng tham gia, thậm chí làm cộng tác viên cho đài phát thanh hơn 40 năm, cho đài truyền hình nhiều năm, đã từng quay phim, dựng phim, tham gia làm phim với anh em VTV khá nhiều chương trình và cũng đã nắm được cái công việc bếp núc của những người làm truyền hình, nhưng với phát thanh có hình thì tôi vừa làm vừa học.


** Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã được biết đến với vai trò MC trong rất nhiều cuộc giao lưu, toạ đàm về văn học nghệ thuật, liệu khán thính giả có thể gặp gỡ anh trong vai trò này trên hệ phát thanh có hình?


Trần Đăng Khoa:
Hiện nay chúng tôi có đội ngũ anh chị em rất trẻ, vừa đẹp, vừa năng động, tôi tin các em sẽ nhập cuộc hay hơn và tươi hơn những anh già khú đế như chúng tôi. Tuy nhiên, nếu cần phải vào cuộc một cách cụ thể thì tôi sẵn sàng. Tôi tin rằng không chỉ tôi mà ngay cả người cộng sự của tôi là Phó giám đốc Đỗ Thái Hùng, thậm chí cả TGĐ Vũ Văn Hiền nữa, cùng các lãnh đạo Đài cũng sẽ sẵn sàng. Tôi cho rằng, tất cả anh em làm quản lý ở Đài, họ đều là bậc thầy của tôi, đều từ cơ sở mà lên, từ PV mà lên, đều rất quen thuộc đối với các loại hình báo chí rồi. Tôi nghĩ, con người ta phải như con dao pha, hay như người lính phải biết sử dụng tất cả các loại vũ khí, sử dụng thông thạo các vũ khí. Cũng như khi ta ngồi vào bàn ăn, vừa thạo cầm dĩa, lại thạo cả dùng đũa, tùy theo hoàn cảnh mà thích ứng và đó là một đòi hỏi phổ biến đối với những người đang làm công tác báo chí, và cả những người làm công tác quản lý hiện nay.

Theo Tuệ Phong (Báo TNVN)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất