Thứ Bảy, 21/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Ba, 26/3/2013 21:55'(GMT+7)

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Quản lý tổng hợp thống nhất về biển, hải đảo

Theo đó, ngày 4/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước thống nhất về biển và hải đảo. Tiếp đó, ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 116/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Riêng ở địa phương, các Chi cục Biển và Hải đảo cũng đã được thành lập, tạo nên hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo, là bước đột phá trong lịch sử quản lý biển, hải đảo của nước ta. 

Sau 5 năm thành lập, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam bước đầu đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Song nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo tiếp cận theo phương thức tổng hợp và thống nhất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Đó là kinh nghiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ còn hạn chế; chất lượng triển khai các chương trình, đề án còn nhiều bất cập; trình độ, kiến thức quản lý nhà nước của cán bộ, công chức chưa đều; nhận thức về quản lý nhà nước về tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo ở các cấp, các ngành còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nên hiệu lực quản lý chưa cao, hiệu quả quản lý còn thấp. 

Chính vì vậy, để quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo hoạt động có hiệu quả, bảo đảm sự chỉ đạo điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương, đòi hỏi phải hoàn thiện và kiện toàn tổ chức hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về biển và hải đảo, tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc; phối hợp với các địa phương ven biển rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. 

Có thể nói, quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là lĩnh vực mới, nhạy cảm, tích hợp nhiều chuyên môn khác nhau mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, đòi hỏi đội ngũ công chức phải hội tụ đủ năng lực quản lý tổng hợp về biển và hải đảo. Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cần xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh, xác định tổng số biên chế công chức, bảo đảm đủ biên chế thực hiện nhiệm vụ; tuyển chọn đội ngũ công chức có phẩm chất và năng lực thực thi nhiệm vụ. Vì thế, cần phải thực hiện quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho công chức; ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo.

Để tiếp tục đẩy mạnh quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo có hiệu lực, hiệu quả, cũng như tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, trong thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ như hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đi đôi với kiện toàn thiết chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đầu tư thích đáng nguồn lực phục vụ quản lý nhà nước, tích cực phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương ven biển trong quản lý; sớm hoàn thành công tác xây dựng và thực thi quy hoạch sử dụng biển và hải đảo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường đa phương hóa, đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong quản lý nhà nước về biển và hải đảo. 

Trong đó, các cơ quan chức năng phải hiểu thấu đáo quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo, nhằm mục đích bảo đảm phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu và đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Do đó, cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính chất phối hợp liên ngành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương ven biển, có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý tổng hợp dải ven bờ, trên cơ sở phân vùng các khu vực biển, dải ven biển và hải đảo. Xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp về quản lý biển, hải đảo giữa các bộ, ngành, giải quyết được những chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phải xác định có chồng chéo hay không về các vấn đề quản lý tổng hợp và thống nhất đối với các vùng duyên hải; quản lý ô nhiễm môi trường biển từ nguồn lục địa; quản lý tài nguyên và môi trường hải đảo; phòng ngừa và ứng cứu sự cố tràn dầu; thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; quản lý các khu bảo tồn biển; công tác tuyên truyền biển, đảo; công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo, cũng như xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật quản lý về biển và hải đảo của nước ta./.   

Thái Thành (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất