Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Bảy, 1/6/2019 9:54'(GMT+7)

Phát triển đô thị thông minh tại TP Hồ Chí Minh: Lực đẩy từ nền tảng công nghệ



Đầu tư 6.000 tỷ đồng cho hệ thống ITS 

Giải pháp Hệ thống giao thông thông minh (ITS) được nhiều nước trên thế giới sử dụng và TP Hồ Chí Minh đã chọn lựa triển khai trong thời gian gần đây. ITS được tích hợp định vị toàn cầu, thiết bị ngoại vi, thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu, hệ thống kết nối truyền thông… Từ trung tâm điều khiển, hoạt động giao thông đô thị được giám sát, điều tiết vận hành bảo đảm an toàn, định hướng giao thông cho người sử dụng phương tiện và đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn hợp lý. Hai năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư phát triển Dự án “Xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh” giai đoạn 2017-2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều hạng mục thành phần thuộc giai đoạn 1 “Nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu, phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị thành phố” đã đưa vào vận hành, khai thác. Tại Trung tâm quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn, đơn vị quản lý, vận hành hệ thống camera ở 78 tuyến đường và kết nối 300 nút giao thông, các nhân viên đều có thể tiếp nhận được hình ảnh trực tiếp, đưa ra những dữ liệu cảnh báo, hướng dẫn lên bảng thông tin điện tử, website, kênh phát thanh…

Được biết, thành phố đang gấp rút trong hai năm 2018 và 2019 sẽ hoàn thành mục tiêu tổ chức vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông gần 900 đèn ở các giao lộ, 55 bảng điện tử giao thông đô thị, hệ thống camera ở khu vực trung tâm và các trục tuyến giao thông chính, công trình giao thông trọng điểm, như: Đường hầm vượt sông, sân bay… Với quy hoạch phát triển đô thị trung tâm, gắn với các đô thị vệ tinh, TP Hồ Chí Minh có sự phát triển rất nhanh về hạ tầng giao thông, gắn với phương tiện ngày càng tăng về số lượng và lưu lượng di chuyển. Điều này, đặt ra yêu cầu hoàn thiện, nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông đô thị phải bắt kịp, đồng hành để khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, tăng năng lực khai thác của hệ thống hạ tầng giao thông và tạo sự thuận lợi cho người dân. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh: ITS sẽ ứng dụng trong 6 lĩnh vực gồm: Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông; quản lý hệ thống giao thông công cộng; quản lý công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông; cung cấp thông tin giao thông; quản lý phương tiện giao thông và dịch vụ thanh toán điện tử. Khoảng 1.500 giao lộ của thành phố sẽ được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông và có tích hợp truyền hình ảnh, dữ liệu về trung tâm điều khiển giao thông. 

Cần đầu tư đồng bộ, gắn với quy hoạch

Đánh giá về định hướng phát triển ITS, TS Trần Hồng Minh, Giám đốc FIS giải pháp công nghệ FPT cho rằng: "Phát triển ITS mang tính mở rộng, phát triển theo quy mô đô thị, mang tính gắn kết giữa thiết bị ngoại vi, phần mềm xử lý, nhân viên vận hành, điều khiển hệ thống do đó cần phải thực hiện song song với quy hoạch đô thị. Bên cạnh tích hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đô thị cũ, thì đô thị mới cần phải được quy hoạch bài bản, tối ưu hóa chi phí đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông... ".

Theo chuyên gia giao thông, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường-Cảng TP Hồ Chí Minh, địa phương có lượng phương tiện lớn, hạ tầng giao thông chưa phát triển, đặc biệt là các quận trung tâm vẫn giữ nguyên luồng tuyến như cách đây vài chục năm, chưa được mở rộng khiến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, điều tiết giao thông khó khăn. Ứng dụng giải pháp công nghệ ITS trong giao thông đô thị là rất cần thiết nhưng đòi hỏi sự đồng bộ. Trước hết phải gắn với quy hoạch, có tính kết nối và phân vùng giao thông đô thị để quản lý hiệu quả, kịp thời.

Khó khăn trong triển khai ITS là kết nối hạ tầng thiết bị giao thông với hệ thống quản lý điều khiển giao thông công nghệ cao. Ở TP Hồ Chí Minh, hệ thống chốt đèn tín hiệu giao thông cũ được kết nối điều khiển liên thông chưa nhiều, thiết bị ngoại vi và kết nối đầu cuối chưa đồng bộ. Nhiều đèn tín hiệu giao thông vẫn điều khiển bằng thủ công. Do đó cần sớm huy động nguồn vốn để đầu tư mới giúp hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông, kết hợp lắp đặt camera mới và hệ thống bảng điện tử. Một yêu cầu khác được nhiều chuyên gia đề cập là bên cạnh phát triển hoàn thiện ITS, phải đồng thời làm tốt công tác quy hoạch giao thông, nâng cao kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng thì các vấn đề điều tiết, giảm ùn tắc giao thông, quản lý đô thị mới thực sự hiệu quả, yếu tố công nghệ số trong quản lý giao thông mới phát huy được ưu điểm và thành công như ở nhiều đô thị lớn trên thế giới./.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất