1. Nằm bên bờ Tây của Biển Đông, một biển lớn và thuộc loại quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như của thế giới, Việt Nam có một vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền (1). Đặc điểm địa hình của Việt Nam hẹp về chiều ngang, nhưng lại trải dài dọc theo Biển Đông, được Biển Đông bao bọc toàn bộ sườn phía Đông và phía Nam, không chỉ cho phép chúng ta phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mà biển Đông còn trở thành “lá chắn sườn” trong hệ thống phòng thủ quan trọng, bảo vệ đất nước. Do đó, từ rất sớm, nhất là trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn được quan tâm sâu sắc.
Trước yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 6-5-1993, Bộ Chính trị (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt” khẳng định tầm quan trọng và vị trí chiến lược biển và kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân. Đến Đại hội lần thứ VIII của Đảng (6-1996), lần đầu tiên Đảng ta tập trung bàn về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nghị quyết Đại hội VIII nhấn mạnh: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội (KT-XH) bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”(2).
Từ đó, sự quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong đường lối phát triển KT-XH, QP-AN của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước ngày càng phát triển. Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 20-CT/TW về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (CNH-HĐH). Đặc biệt, đến Đại hội lần thứ X của Đảng đã xác định: Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm QP-AN và hợp tác quốc tế. Chủ trương của Đảng đã tạo nên những chuyển biến mới tích cực trong nhận thức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo trong phát triển nền kinh tế quốc dân và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Chiến lược biển ra đời đáp ứng được sự mong đợi của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta. Một lần nữa cho thấy, tiếp nối liên tục qua nhiều thế hê,å từ bao đời nay, vùng biển, ven biển và hải đảo đã gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất và đời sống của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã đổ biết bao công sức và cả xương máu giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng để có được đến ngày hôm nay. Đồng thời, giải đáp được nhu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách đối với tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế để “đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn” (3).
Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được điều chỉnh cụ thể, chi tiết hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN; QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH và trên từng địa bàn”. Trong đó, một số nội dung được nhấn mạnh như những giải pháp tích cực để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo như tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược đều phải gắn kết chặt chẽ với quá trình tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận QP-AN; nhiệm vụ, phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội...
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa, các lĩnh vực kinh tế biển gắn với bảo vệ QP-AN thường xuyên được tăng cường và có nhiều bước chuyển biến đáng kể. Kinh tế biển đã có sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề theo hướng CNH, HĐH. Xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Việc khai thác nguồn lợi từ biển đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu (dầu khí, hải sản...). Theo ước tính hiện nay, tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm 48% GDP cả nước. Kinh tế biển đã được các cấp, các ngành, nhất là những tỉnh ven biển chú ý hơn. Qua đó, các công việc về biển đã được triển khai và làm được nhiều hơn (hoạch định biên giới trên biển, ban hành khung luật pháp, phát triển các hải đảo kết hợp bảo vệ QP-AN trên biển).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược biển, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về phát triển kinh tế biển như khai thác tài nguyên và môi trường biển; sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; về ô nhiễm môi trường… và một số thách thức về QP-AN nếu chúng ta không có những quyết tâm mới.
Về kinh tế biển, nhìn chung, quy mô còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của nước ta. Nếu so với các nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam còn yếu kém về nhiều mặt. Giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển so với một số nước đều ở mức thấp hoặc rất thấp. Mặc dù có rất nhiều cố gắng trong quá trình “đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH” nhưng nghề biển nước ta vẫn chủ yếu là nghề truyền thống, chiếm trên 60% GDP do kinh tế biển tạo ra. Các nghề mới như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, nuôi trồng hải sản đặc sản, du lịch biển chỉ mới được phát triển bước đầu. Các nghề biển công nghệ cao như năng lượng sóng thuỷ triều, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hoá chất và dược liệu biển... hầu như chưa được tập trung nghiên cứu. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rõ, chúng ta còn nhiều khó khăn trong quá trình CNH, HĐH nền kinh tế biển, bởi công nghệ, kỹ thuật khai thác kinh tế biển nhìn tổng thể vẫn còn ở trình độ rất thấp. Các công trình kỹ thuật và dịch vụ xây dựng hạ tầng biển còn nhiều bất cập, yếu kém. Tình trạng đó đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải có một chiến lược phát triển kinh tế biển được bổ sung với những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn vững chắc, mới có thể đáp ứng những nhiệm vụ tăng tốc kinh tế biển để “đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.
Điều đáng quan tâm nữa là quá trình phát triển kinh tế biển ở một số lĩnh vực chưa thực sự được gắn kết chặt chẽ với QP-AN, hoặc ngược lại, có một số lĩnh vực của QP-AN chưa được gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho kinh tế biển vốn còn nhiều hạn chế về khoa học công nghệ, kỹ thuật và năng lực lại bất cập trong công tác bảo vệ QP-AN, làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế biển gắn với QP-AN. Một số địa phương xây dựng quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo, chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận QP-AN, thế trận lòng dân, chủ yếu chạy theo lợi ích là chính; một số quy hoạch, kế hoạch, nhất là việc xây dựng bến cảng; cơ sở công nghiệp biển; các khu dịch vụ trên đảo mở mang tràn lan, không tuân thủ các nguyên tắc chung, làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ QP-AN trên biển, đảo.
2. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng đất nước. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, chiến lược QP-AN, đối ngoại, khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển. Qua đó, xây dựng vững chắc thế trận QP-AN, thế trận lòng dân, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, bảo vệ chế độ chính trị - xã hội, lợi ích dân tộc...; đồng thời, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong công tác tuyên truyền, “không chỉ nói là được” mà phải có đủ luận chứng khoa học, thực tiễn, cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin chủ trương của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực liên quan đến biển, đảo. Trong đó, chú trọng các tài liệu khoa học đã kết luận về tiềm năng biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển; các tài liệu lịch sử - pháp lý thuyết phục, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo nước ta trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; các tuyên bố nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở Biển Đông (COC) khi được thông qua. Đồng thời, cần chuyển tải kịp thời quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hai là, xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm khai thác tiềm năng và các lợi thế về biển, đồng thời tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế biển với QP-AN để trở thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương nhất là những địa phương ven biển phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng trời, vùng biển của đất nước. Các chủ trương về thực hiện Chiến lược biển phải xứng tầm và được nghiên cứu, xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, hiện đại, các cơ sở dữ liệu, được đánh giá một cách toàn diện về thực trạng phát triển biển, những thuận lợi, thế mạnh và cả những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt…
Đồng thời, mở rộng chính sách, liên kết làm ăn kinh tế ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhằm tạo ra những đối tác đan xen lợi ích trong phát triển kinh tế biển. Thông qua đó khẳng định chủ quyền của ta, hạn chế âm mưu lấn chiếm biển, đảo của các thế lực thù địch đối với nước ta, tạo ra thế và lực mới để giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp trên biển, đảo với các nước có liên quan.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển KT-XH trên các vùng ven biển, hải đảo, “phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển...” (4).
Biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế, nhưng để biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, việc đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh như: Khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản, du lịch... ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo là hết sức cần thiết. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, các trung tâm dịch vụ có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội và QP-AN trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển.
Bốn là, tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức điều chỉnh, bố trí và triển khai thế trận QP-AN, kết hợp phát triển KT-XH trên vùng biển, đảo một cách hợp lý. Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận QP-AN, thế trận lòng dân trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược QP-AN trên biển, như Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã ghi: “Thực hiện quá trình dân sự hóa trên biển, đảo gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển; thí điểm xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo của Tổ quốc”(5). Đây là chủ trương chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Năm là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.
Biển, đảo của nước ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, từng ngành, địa phương, phải biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển KT-XH của địa phương, ngành mình; đồng thời, tích cực tham gia phát triển kinh tế biển cho phù hợp, phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển./.
ThS. Nguyễn Thị Thơm
------------------
(1) Theo Tuyên bố ngày 12-7-1977 của Chính phủ Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb.CTQG, H, 1996, tr.211.
(3) (4) (5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, H, 2007, tr.76, 76, 85.