Thứ Sáu, 6/12/2024
Khoa giáo
Thứ Năm, 4/4/2024 10:8'(GMT+7)

Phát triển kinh tế biển xanh và nhu cầu khoa học, công nghệ trong tình hình mới

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TÌNH HÌNH MỚI: XU THẾ CHUYỂN TỪ KINH TẾ "NÂU" SANG "XANH"

"Kinh tế nâu" là quan điểm phát triển rất phổ biến trước đây, được áp dụng chủ yếu tại các nước đang phát triển: Ưu tiên phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau.

“Nâu” ở đây để chỉ ô nhiễm môi trường và không hiệu quả về mặt sử dụng tài nguyên. Đặc điểm của “kinh tế nâu” là chỉ ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, chú trọng vào tăng GDP và thu nhập bình quân đầu người, không hoặc chưa quan tâm đến an toàn sinh thái và môi trường, cũng như vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng của “kinh tế nâu” dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, phát triển kinh tế đồng nghĩa với khai thác và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, dẫn đến những hệ lụy như: Môi trường bị tàn phá nặng nề, gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2, SO2, CH4,...) và biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu; làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó có các hệ thống cảnh quan và hệ sinh thái quan trọng đối với sinh kế bền vững của con người; gia tăng nghèo đói và thất nghiệp,... Hệ lụy phát triển như vậy quay trở lại đe dọa chính cuộc sống của con người và gây tổn thất về kinh tế. Vì thế, nhìn từ góc độ môi trường, Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) định nghĩa "kinh tế nâu" là nền kinh tế “dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên”.

"Kinh tế xanh" (KTX) hiện có nhiều quan niệm, khái niệm và định nghĩa khác nhau về câu chữ cụ thể, nhưng về cơ bản đều thừa nhận đây là con đường hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Một cách khái quát, KTX tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường. KTX cũng bao gồm năng lượng xanh - dựa vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng có hiệu quả; giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP, 2010) cho rằng, KTX là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. KTX kết hợp cả ba thành tố: Kinh tế + Xã hội + Môi trường, có tính bền vững. Nghĩa là những hoạt động của nền KTX tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng, xã hội, con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa), đồng thời thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng ) và khi ba yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

Do đó, KTX là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái. KTX là mô hình đánh giá trực tiếp vốn tự nhiên và việc sử dụng tự nhiên như một giá trị của kinh tế học, điều này không giống và đáng quý hơn so với những mô hình kinh tế nâu trước đây. Trong một nền KTX, các chi phí xã hội phải gánh chịu thông qua hệ sinh thái đều có nguồn gốc và phải được hoàn trả bởi các thực thể có khả năng gây hại hoặc thờ ơ với một giá trị tự nhiên. KTX lấy môi trường làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế nâu” và tăng cường phúc lợi xã hội.

Lịch sử phát triển thế giới gắn với đại dương và biển, nhưng kinh tế biển và đại dương cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới với các đặc trưng cơ bản: Khan hiếm nguyên nhiên liệu, tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu (BĐKH) và biến đổi đại dương, an sinh xã hội bị đe dọa, cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia trên biển và đại dương thường xuyên và gay gắt hơn bao giờ hết. Đặc biệt, các cường quốc đại dương và các nước phát triển đang “đóng” dần cửa biển quốc gia để ra khai thác đại dương, lấy đại dương “nuôi đất liền”.

Thế giới cũng đang chuyển từ tư duy khai thác sang tư duy phát triển hiệu quả và bền vững; chuyển từ ưu tiên khai thác tài nguyên “tươi sống, dạng thô” sang chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển; chuyển từ ưu tiên khai thác tài nguyên vật chất sang khai thác các giá trị chức năng, giá trị không gian của các hệ thống tài nguyên biển, trong đó có các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển và đại dương. Ngoài ra, do tác động của BĐKH và biến đổi đại dương đã làm cho: Nước đại dương ấm lên, bị axit hóa, bị thiếu hụt ôxy, nước biển dâng, ô nhiễm biển, mất đa dạng sinh học biển.

Trong một thế giới chuyển đổi xanh với vai trò to lớn của biển và đại đương như vậy đòi hỏi các quốc gia biển, đảo, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để hướng đến một nền kinh tế biển xanh và phát triển bền vững biển, đảo. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau trong toàn cầu hóa thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng và hiệu quả của một quốc gia sẽ đóng góp không nhỏ đến các vấn đề toàn cầu. Vì thế, liên kết quốc tế và đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ biển là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn để giải quyết các thách thức không của riêng ai, để giải bài toán phát triển và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Ở Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong việc định hình và triển khai khá bài bản mục tiêu chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Nhờ vậy, kinh tế Quảng Ninh giờ đây không còn phụ thuộc quá nhiều vào khai thác khoáng sản, chủ yếu là than như trước đây, mà hướng vào phát triển bền vững với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ và du lịch chất lượng cao, góp phần “xanh” hóa kinh tế của tỉnh.

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BIỂN - MỘT TRONG 3 KHÂU ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC

Biển nước ta đóng vai trò trọng yếu trong lịch sử phát triển dân tộc và ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, đặt biển vào vị trí ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước là một hướng đi đúng, một tầm nhìn dài hạn, phù hợp với ước nguyện của nhân dân và xu thế chung của thời đại. Biển nước ta không chỉ giàu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) của dân tộc. Vì lẽ đó, Việt Nam xác định mục tiêu chiến lược và bao trùm là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển và dựa vào biển; phát triển kinh tế biển bền vững,... Để đạt được mục tiêu như vậy, phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) biển được xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và là một trong 03 khâu đột phá chiến lược đến năm 2030 và xa hơn.

KHCN biển giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất; phân bố lại lực lượng lao động ở vùng ven biển, trên các đảo và ở các vùng biển; nâng cao trình độ quản lý biển, đảo; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá từ biển; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường - sinh thái biển; bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của kinh tế biển. Đặc biệt, trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn còn lạc hậu so với khu vực và thế giới thì đầu tư phát triển KHCN biển trở thành vấn đề ưu tiên cao nhất của Chính phủ để bứt phá nhanh chóng ra khỏi tình trạng tụt hậu phát triển trong lĩnh vực biển.

Để đạt được mục tiêu như vậy, KHCN được xem là một nhiệm vụ quan trọng và mang tính đột phá trong việc thực hiện các Chiến lược biển 2020 và 2030. Theo đó, KHCN biển giữ vai trò then chốt trong: 1) Định hình chính sách quản lý và quản trị biển và đại dương; 2) Cung cấp các cứ liệu khoa học giúp nhận dạng các hệ thống tự nhiên và tài nguyên biển vốn khác nhau về bản chất để có chiến lược và biện pháp sử dụng và quản lý phù hợp; 3) Góp phần hoạch định chính sách và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước; 4) Góp phần khẳng định “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên các vùng biển của Tổ quốc.

Tuy nhiên, phát triển KHCN biển tại nước ta còn nhiều hạn chế, như: 1) KHCN biển nước ta chưa thực sự trở thành động lực phát triển, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác quản lý và quản trị biển; (2) Thiếu cán bộ KHCN biển trong các hướng nghiên cứu chuyên sâu phục vụ quản lý, quản trị biển; khả năng cập nhật các hướng quản lý mới của thế giới còn hạn chế; 3) Trang thiết bị nghiên cứu còn lạc hậu và thiếu một số phương pháp trong nghiên cứu quản lý, chính sách, chiến lược biển; 4) Tập trung nhiều ở vùng biển nông ven bờ, chưa vươn nhiều ra vùng biển sâu xa bờ; 5) Khả năng đầu tư của Nhà nước cho hoạt động điều tra, khảo sát biển chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ KHCN biển lớn đang đặt ra, đặc biệt là yêu cầu khảo sát chi tiết, liên tục để có thể giải quyết dứt điểm những vấn đề cơ bản của biển và ở từng khu vực biển; 6) Chưa chú trọng lồng ghép nghiên cứu khoa học xã hội và văn hóa biển, khảo cổ biển trong nghiên cứu quản lý biển,...; 7) Khả năng điều hòa phối hợp lực lượng các ngành, các cơ quan, để tránh trùng lặp, phân tán còn gặp nhiều khó khăn; chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, tập trung giải quyết có hiệu quả từng nhiệm vụ KHCN biển phục vụ quản lý biển; 8) Việc khai thác, sử dụng và chia sẻ tư liệu/kết quả nghiên cứu còn rất khó khăn, nhiều khi bị ngăn trở bởi những quan hệ phức tạp giữa các đơn vị có dữ liệu và cần dữ liệu; 9) Ít công bố và xuất bản quốc tế, ít tham gia hoặc chiếm lĩnh các vị trí trong các tổ chức và diễn đàn KHCN biển/đại dương khu vực và thế giới; 10) Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có chiều hướng phức tạp và kéo dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN biển, mà còn ảnh hưởng đến khả năng mở rộng không gian hoạt động của KHCN biển nước ta trong thời gian tới.

Trung ương Đảng đánh giá khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa thực sự trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Cho nên, ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 36-NQ/TW). Theo đó, phát triển KHCN và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Các nghị quyết nêu trên đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, đặc biệt là phát triển KHCN biển với các yêu cầu cụ thể: 1) Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu KHCN biển gắn với điều tra cơ bản biển; 2) Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có; 3) Đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển đảo của nước nhà; 4) Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; 5) Thúc đẩy và tham gia tích cực các hoạt động quốc tế hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững của IOC-UNESCO và trong khuôn khổ ASEAN./.

PGS. TS. NGUYỄN CHU HỒI
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: tainguyenvamoitruong.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất