Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã để lại những dấu ấn phát triển đậm nét, tạo nên một nông thôn mới với nhiều đổi thay, không chỉ đẹp về diện, mà còn mới về chất.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 14/4/1946, trong bức thư gửi các điền chủ và nông gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh… Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính.”
Lời chỉ dẫn của Bác đã và đang được hiện thực hóa ở nông thôn, trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) được đánh giá là một trong số những nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh chóng và tạo ra những kết quả nổi bật, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã để lại những dấu ấn phát triển đậm nét, tạo nên một nông thôn mới với nhiều đổi thay, không chỉ đẹp về diện, mà còn mới về chất.
Những miền quê đáng sống
Cái nắng gắt giữa tháng 6 không làm ông Phạm Văn Thuyên, Bí thư Chi bộ xóm 1, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu (Nam Định) ngại ngần.
Sáng nay, theo phân công của Chi bộ thôn xóm, ông lên xã nhận sách báo, tài liệu theo chương trình luân chuyển sách Tủ sách pháp luật giữa các thôn xóm để tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với sách báo, tài liệu mới.
“Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao nên đời sống tinh thần cũng được dân quan tâm hơn. Đến nay, tất cả các thôn, xóm trong xã đều có Tủ sách pháp luật. Nhiều Tủ sách pháp luật xóm có hàng trăm đầu sách.
Dân đã được tiếp cận các thông tin về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng để tra cứu và vận dụng vào giải quyết công việc cụ thể tại địa phương cần khai thác trực tiếp các văn bản làm căn cứ để thuyết phục nhân dân thực hiện. Do đó, Tủ sách pháp luật xóm có ý nghĩa rất thiết thực với cán bộ cơ sở và nhân dân.
Nhiều ý kiến băn khoăn về chính sách đất đai, tài nguyên môi trường, hôn nhân gia đình... được giải đáp cụ thể, thuyết phục bằng các điều luật cụ thể trong các sách pháp luật nên được nhân dân tin tưởng, tạo điều kiện để công việc được giải quyết nhanh chóng.
Bên cạnh đó, những tài liệu hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những mô hình kinh tế mới được giới thiệu qua sách, báo đã được nhân dân tìm đọc và áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, bộ mặt thôn xóm có nhiều đổi mới,” ông Thuyên cho biết.
Tủ sách pháp luật chỉ là một trong nhiều chương trình, hoạt động cho thấy sự thay đổi hàng ngày trong đời sống tinh thần của nông thôn hôm nay. Xuất phát điểm từ huyện thuần nông, giàu truyền thống cách mạng, được Đảng và Nhà nước 4 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng và có 40 năm liên tục là điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước nên chỉ sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2015 Hải Hậu đã là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới.
Khi làng xã, thôn xóm nào của huyện cũng trở thành điển hình của “những miền quê đáng sống” với cơ sở vật chất, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao thì việc quan tâm, chăm lo hơn đến đời sống tinh thần là điều tất yếu. Mô hình nhà văn hóa, sân vận động, khu vui chơi giải trí, thư viện, tủ sách… đã và đang triển khai tới từng thôn xóm. Các phong trào văn hóa, văn nghệ; các câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn…; các quy định về nếp sống văn hóa văn minh, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, nhất là trong việc cưới, việc tang… đang trở thành phong trào thi đua của nhiều thôn xóm ở Hải Hậu hôm nay.
Ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết: Mục tiêu phấn đấu năm 2021, Hải Hậu đạt huyện nông thôn mới nâng cao; năm 2025 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng-xanh-sạch-đẹp để phát triển bền vững." Đó là yêu cầu của tỉnh, cũng là nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ, nhân dân Hải Hậu và cũng là nhiệm vụ lớn, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ.
Cũng là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nhưng khác với Hải Hậu trù phú của đồng bằng Bắc bộ, thị xã Kiến Tường (Long An) - thủ phủ của vùng đất Đồng Tháp Mười từng được mệnh danh là “vùng đất chết” có quá trình xây dựng nông thôn mới gian nan hơn nhiều, song kết quả cũng ngoạn mục không kém.
Là vùng đất bưng biền đậm dấu ấn cách mạng với Chiến công đánh đồn Mộc Hóa năm 1948 đã là chất liệu cho bài hát nổi tiếng “Tiểu đoàn 307," đồng thời cũng là căn cứ của Khu ủy Khu 8 từng được biết đến qua bối cảnh của bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh Việt Nam “Cánh đồng hoang," tuy nhiên sau ngày giải phóng hàng chục năm, Kiến Tường vẫn như một “ốc đảo” trên đồng nước với một con đường bộ duy nhất nối ra Quốc lộ 1A chỉ sử dụng được vào mùa khô, còn khi lũ về chỉ có thể đi đường thủy…
Nhờ đầu tư của tỉnh, Trung ương cho Chương trình khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười, những cây cầu như Cá Rô, Mộc Hóa lần lượt mọc lên. Tỉnh lộ được nâng cấp thành Quốc lộ.
Những con đường bêtông thông suốt đã nối thị xã Kiến Tường về các xã nông thôn hẻo lánh như Thạnh Hưng, Thạnh Trị… Từng đoàn dân phía Nam đổ lên khai hoang lập nghiệp, tạo nên kỳ tích hồi sinh “vùng đất chết."
Xong khâu chỉ đạo đóng hàng, bốc xếp từng sọt chanh, quất (tắc) lên những chiếc xe tải kịp chở lên Sài Gòn trong đêm, anh Nguyễn Công Bằng, chủ vựa thu mua trái cây ở xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) mới quay sang chia sẻ: “Mỗi ngày cả thu hái trên đất của nhà, cả thu mua của các vườn trong và ngoài xã, tôi tiêu thụ hàng tấn chanh, tắc, thanh long, nhãn… Có đất đai, có nhà, có vựa, thực sự tôi chẳng nghĩ mình có được như ngày hôm nay."
Theo cha mẹ “vô bưng” lập nghiệp theo chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười từ những năm 1980, những tháng ngày cơ cực nơi bưng biền heo hút của gia đình vẫn được ba mẹ anh Bằng thường xuyên nhắc lại. Nào là đất đai xám xịt vì nhiễm phèn, cỏ cao lút đầu người, nào là đụng chỗ nào cũng thấy rắn hổ to bằng cổ tay con nít, nào là quơ cái phảng qua một cái nhìn lại thấy rắn đứt hai ba khúc lẫn với cỏ...
Hơn 5 ha đất trồng lúa của gia đình anh Bằng nay đang được dần chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thị xã Kiến Tường. Từ ngày chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây ăn quả theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống người dân nơi đây khấm khá lên từng ngày.
“Làm nông bây giờ cũng đỡ lắm. Vốn liếng có ngân hàng cho vay, kỹ thuật thì xã thường xuyên phối hợp với khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, chưa kể nông dân thời 4.0 chúng tôi cũng không xa lạ gì với internet. Riêng chỉ có thị trường thì vẫn còn lúc trồi lúc sụt, nhưng từ ngày sản xuất lớn, lại vô tổ hợp tác thì ổn hơn nhiều," anh Bằng chia sẻ.
Đồng Tháp Mười hôm nay không ít những tỷ phú nông dân sở hữu hàng chục héc ta đất với tổng giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng. Công cuộc trường chinh khai phá, cải tạo vùng đất từng được mệnh danh là “túi phèn," là “rốn lũ” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm nên kì tích khiến cả các nhà khoa học thế giới phải kinh ngạc đã biến nơi đây thành vựa lúa lớn của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và biến Việt Nam thành một cường quốc về xuất khẩu lúa gạo.
Hiện ngoài những vùng trồng lúa truyền thống, Đồng Tháp Mười đã đưa vào thêm nhiều loại cây trồng phù hợp với từng khu vực. Những vùng đất nhiễm phèn, đất xấu của Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) ngoài hai vụ lúa còn ngọt ngào vụ dưa hấu; khoai mỡ ươm mầm trên đất nhiễm phèn nặng ở Tân Phước (Tiền Giang); khóm (dứa), chanh, thanh long sai trái ở Thạnh Hóa (Long An). Một số vùng ngập nước, nhiễm phèn nặng được phủ đầy bởi rừng tràm, súng, sen, làm nên một Đồng Tháp Mười ăm ắp hoa trái…
Như có phép màu, chỉ một thời gian ngắn, từ một vùng đất thị tứ nhỏ nhoi gò nổi trên cánh đồng nước mênh mông, thị xã Kiến Tường đã vươn mình trở thành đô thị trẻ đầy sức sống. Từ câu chuyện chinh phục cánh đồng hoang của thế hệ ba mẹ, đến câu chuyện làm giàu trên đất Đồng Tháp Mười của anh Bằng hôm nay cho thấy những miền quê đáng sống đang từng ngày, từng ngày được dựng xây từ không chỉ riêng bàn tay người nông dân…
Thước đo niềm tin với Đảng
“Trên thực tế, xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện."
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam."
Soi vào chương trình xây dựng nông thôn mới, nhớ lại thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Song Hồ - 1 trong 3 xã của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 này, chia sẻ: “Thực sự là khi đó mấy ai hình dung được nông thôn mới sau này sẽ ra sao, hình dáng thế nào, chỉ biết đây là chủ trương lớn nên cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng quyết tâm thực hiện. Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, Đảng bộ và chính quyền địa phương vận động và khuyến khích người dân tham gia đóng góp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Kể cả khi động chạm đến những tiêu chí khó khăn nhất như đất đai, dồn điền đổi thửa hay tiêu chí môi trường, nhưng một khi dân đã tin tưởng và đồng thuận thì… nhanh đến không ngờ!."
Thực tế chỉ sau 4 năm phát động, Song Hồ đã về đích nông thôn mới và sau nhiều năm củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, năm 2021 này Song Hồ đăng ký hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
“Khi nội lực lớn dần, niềm tin với Đảng, với đường lối, với chủ trương được nâng cao thì việc hoàn thành mục tiêu là tất yếu," ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.
Chương trình xây dựng nông thôn mới lan tỏa không chỉ bởi cách làm hay, có nhiều sáng tạo của chính quyền cơ sở, mà còn bởi vì nội hàm ý nghĩa lớn lao từ mục tiêu của chương trình đã khơi dậy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân.
Xét trên nhiều phương diện, chương trình không chỉ mang lại “điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết chung súc, đồng lòng của nhân dân - những yếu tố quyết định làm nên thành công của cách mạng Việt Nam trước đây và công cuộc Đổi mới ngày nay.
Có những câu chuyện về tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới thật đẹp, như người dân tự nguyện tháo dỡ công trình, chặt cây, hiến đất hay những người con xa xứ, kiều bào xa quê hương ủng hộ kinh phí cho địa phương xây dựng hạ tầng…
“Tâm đắc nhất chính là sự thay đổi về nhận thức. Sự thay đổi ấy có thể đo bằng lượng, được đánh giá ở góc độ đa chiều. Đó là đổi mới trong tư duy lãnh đạo và phương pháp tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở. Đặc biệt là người dân được phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, từ đó củng cố niềm tin tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước," ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bày tỏ.
Là chuyên gia về xây dựng nông thôn mới từ những ngày đầu xây dựng Nghị quyết Tam nông với vai trò Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hồ Xuân Hùng khẳng định: “Trúng ý dân, hợp lòng dân nên Nghị quyết Tam nông nói chung, Chương trình nông thôn mới nói riêng đã thực sự trở thành cao trào sâu rộng, là chương trình của toàn dân, vì nhân dân và được cả hệ thống chính trị quan tâm chăm lo. Đó cũng là minh chứng cho thấy, những quyết sách làm thay đổi đất nước luôn bắt đầu từ tư duy chiến lược của đội ngũ cán bộ có tầm nhìn, tâm huyết, gần dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng."
Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm. "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam; vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét; sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn." Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2020 khi đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Khẳng định, Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một nghị quyết đầy đủ nhất, toàn diện nhất, tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực “Tam nông” ở nước ta có bước phát triển hiệu quả và bền vững, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một lần trả lời báo chí đã có nhận định: “Tam nông là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của ba vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và sống ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 70% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là 'hậu phương,' là nền tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn đề khác mới có cơ may giải quyết. Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy hiệu quả."
Nghị quyết số 26 đã làm thay đổi đáng kể cả trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với vấn đề “Tam nông." Người nông dân đã nhận được sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực của nhà nước và toàn xã hội trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo những điều kiện tốt nhất để lĩnh vực này có cơ hội phát triển thuận lợi. Vị thế của người nông dân đã được xã hội tôn vinh. Công sức đóng góp vào tiến trình phát triển đất nước của người nông dân được ghi nhận xứng đáng. Tiềm năng, lợi thế, nội lực trong lĩnh vực “Tam nông” từng bước được khơi dậy.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt nghị quyết về “Tam nông” cũng được xem là sự đền ơn, đáp nghĩa của toàn xã hội đối với lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đất nước là nông nghiệp, chủ thể của quá trình phát triển là nông dân và địa bàn nông thôn - “hậu phương lớn” của cách mạng Việt Nam hôm qua và của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.
Mặt khác, chú trọng đầu tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng chính là để đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai gần.
Đánh giá về thành tựu công cuộc đổi mới trong 35 năm qua ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bài viết của Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới…
Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).
Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ôtô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại…”
Một nền nông nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, một nông thôn đẹp về diện, mới về chất mà ở đó nông dân thực sự là chủ thể cùng Đảng và Nhà nước kiến tạo những giá trị công bằng và bền vững.
Đó chính là bản chất của nông thôn xã hội xã hội chủ nghĩa và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi./.
Theo TTXVN