Đây là chủ
trương khoa học, đúng đắn với thực tiễn vận động của các thành phần kinh
tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), mang lại thành tựu
đột phá cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã
hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực
thù địch vẫn luôn đưa ra những luận điệu chống phá, xuyên tạc, bóp méo
chủ trương phát triển KTTN, trong đó có luận điệu rất thâm độc: Phát
triển KTTN là từ bỏ mục tiêu CNXH. Bằng lý luận và thực tiễn, chúng ta
khẳng định: Luận điệu trên là hoàn toàn sai trái.
MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Trước yêu cầu của thực tiễn phát triển lực lượng sản xuất (LLSX), xây
dựng cơ sở vật chất cho CNXH, Đảng ta chủ trương đột phá phát
triển KTTN, coi đó là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Ngày
3/6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số
10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Nghị quyết đánh giá cao vai trò, sự đóng góp to lớn của KTTN
về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ứng dụng khoa học
công nghệ, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tỷ trọng đóng góp vào
GDP, quy mô doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội... Đồng thời xác định rõ
quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp phát triển KTTN đến năm 2030.
Phát triển kinh tế tư nhân để rút ngắn thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội
Phát triển KTTN là sự phát triển tư duy lý luận về sử dụng các thành
phần kinh tế cho mục đích xây dựng CNXH. Tuy nhiên, các thế lực thù địch
thường cố tình chống phá, xuyên tạc gây hoang mang, hoài nghi về chủ
trương đúng đắn này của Đảng ta.
Một luồng quan điểm chống phá khá phổ biến cho rằng: Đảng Cộng sản
Việt Nam coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế là thừa
nhận bóc lột, thừa nhận quan hệ sản xuất (QHSX) tư bản chủ nghĩa (TBCN),
là từ bỏ mục tiêu CNXH. Cũng vì bị ảnh hưởng của những luận điệu chống
phá đó, do chưa hiểu bản chất của vấn đề mà có một bộ phận cán bộ, đảng
viên và nhân dân hoài nghi tính đúng đắn của chủ trương này, dẫn tới
hoài nghi con đường đi lên CNXH.
Vậy thừa nhận và tạo điều kiện cho KTTN phát triển có phải là Đảng ta
đã từ bỏ mục tiêu CNXH? Đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn
cần được luận giải khoa học, thuyết phục.
Dựa trên lý luận kinh tế của Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn xây
dựng CNXH ở Việt Nam, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để khẳng định rằng
chủ trương phát triển KTTN không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH, mà ngược
lại là sử dụng chính nó để rút ngắn hơn chặng đường ở thời kỳ quá độ
(TKQĐ) đi lên CNXH. Điều đó được luận giải trên các vấn đề sau đây:
Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra trong TKQĐ cần thiết phải sử dụng các
thành phần kinh tế phi XHCN cho mục đích xây dựng CNXH. Về xây
dựng QHSX trong TKQĐ lên CNXH, V.I.Lênin đã khẳng định: “Không thể quá
độ trực tiếp lên CNXH mà phải qua con đường gián tiếp, không thể quá vội
vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị”(1). V.I.Lênin chỉ rõ cần xây
dựng QHSX mới thông qua con đường gián tiếp là CNTB nhà nước: “Việc
chuyển sang chủ nghĩa cộng sản, thì cần thiết phải có những bước quá độ
như CNTB nhà nước”(2).
Bước quá độ thông qua CNTB nhà nước thể hiện trong chính sách kinh tế
mới, trong đó, cần thiết phải có sự nhượng bộ tạm thời và cục bộ đối
với CNTB nhằm phát triển LLSX, từng bước xã hội hóa sản xuất trên thực
tế. V.I.Lênin chỉ ra một số hình thức CNTB nhà nước như: Tô nhượng, đại
lý, cho thuê xí nghiệp, khu mỏ....(3).
Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga Xô viết,
V.I.Lênin cũng đã chỉ dẫn rằng trong TKQĐ cần phải sử dụng cả thành
phần kinh tế phi XHCN như tư bản nhà nước, tư bản tư nhân cho mục tiêu
phát triển LLSX. V.I.Lênin coi đó là biện pháp tối ưu để khơi dậy động
lực, giải phóng sức sản xuất, tăng năng suất lao động, nhờ đó giải quyết
được khó khăn kinh tế sau chiến tranh, đồng thời từng bước xây dựng cơ
sở vật chất cho CNXH.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế thị trường nước ta được xác định là nền
kinh tế có “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Các
thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, được xác định là bộ phận
hợp thành quan trọng của nền kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác
và cạnh tranh lành mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Quá độ lên CNXH là một sự
nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn, phức tạp... Việt Nam đi lên CNXH từ
một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ TBCN, LLSX rất thấp, lại
trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề, các thế lực thù
địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp,
nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi,
nhiều hình thức tổ chức kinh tế-xã hội đan xen nhau”(4).
Thực tiễn cũng cho thấy việc áp đặt QHSX vượt trước rất xa so với
trình độ của LLSX còn lạc hậu đã trở thành lực cản. Động lực của sản
xuất không được phát huy, sức sản xuất không được khơi dậy, điều đó dẫn
tới sự trì trệ không chỉ đối với LLSX mà còn làm méo mó đi mục đích hoàn
thiện QHSX. Khi KTTN còn dư địa phát triển trong TKQĐ mà nôn nóng xóa
bỏ là một sai lầm cả về lý luận và thực tiễn. Điều cần làm là phải tạo
cơ chế cho KTTN phát triển, hay nói cách khác là khơi dậy, phát huy, sử
dụng nó cho mục đích hiện đại hóa LLSX, xây dựng cơ sở vật chất cho
CNXH.
Không xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa
Việt Nam thừa nhận KTTN không đồng nghĩa với xác lập địa vị thống trị
của QHSX TBCN. Thừa nhận KTTN không có nghĩa là chúng ta thừa nhận bóc
lột và tạo điều kiện cho bóc lột được hiện diện trong các quan hệ kinh
tế ở nước ta. Mục tiêu nhất quán của cách mạng nước ta là xóa bỏ áp bức,
bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”(5).
Thực tiễn đã chứng minh bản chất của chế độ TBCN dựa trên chế độ
chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê không
thể là cái đích để chúng ta thực hiện mục tiêu cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Trong TKQĐ chúng ta thừa nhận KTTN vẫn còn cơ sở để tồn tại.
Do vậy, chúng ta không thể không tạo điều kiện cho nó phát triển.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chủ trương xác lập vị trí
thống trị của QHSX TBCN. Ngược lại, cần hướng nó đi theo mục đích CNXH,
điều đó cũng có nghĩa không phải chúng ta để quan hệ bóc lột tự do phát
triển.
KTTN được tự do cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ thể chế kinh tế
thị trường định hướng XHCN. Do vậy, QHSX hình thành trong thành phần
KTTN sẽ chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý, điều
tiết của Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm giữ vững định hướng XHCN.
Coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế không đồng nghĩa
từ bỏ vai trò là công cụ, là lực lượng vật chất để định hướng, điều
tiết, dẫn dắt của kinh tế nhà nước. Đại hội XIII của Đảng định hướng rõ
sự phát triển của từng thành phần kinh tế ở nước ta, trong đó chỉ rõ:
“Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác
không ngừng được củng cố, phát triển; KTTN là một động lực quan trọng;
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”(6).
Vai trò của từng thành phần kinh tế theo đó cũng được xác lập theo
đúng vị trí đã xác định. Thành phần kinh tế nhà nước nắm giữ nguồn lực
vật chất quan trọng, then chốt được khẳng định là công cụ, lực lượng vật
chất để nhà nước ổn định vĩ mô, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển
kinh tế-xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.
KTTN được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà
pháp luật không cấm. Trong đó cũng khuyến khích sự hợp tác liên kết với
doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ, ngoài ra còn khuyến khích
phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của người lao
động.
Như vậy, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế, song động
lực đó được phát huy trong chế độ kinh tế-xã hội khác biệt về chất với
chế độ TBCN. Trong chế độ kinh tế XHCN, thành phần KTTN cũng không còn
thuần túy như trong chế độ TBCN mà có sự đan xen, giao thoa, liên kết,
hợp tác với các thành phần kinh tế XHCN.
KTTN được quan tâm tạo điều kiện phát triển không đồng nghĩa với từ
bỏ mục tiêu CNXH. Là người lãnh đạo xây dựng nền kinh tế XHCN ở Nga sau
Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đề xuất chính sách kinh tế mới (NEP). Về
bản chất, đó chính là nhận thức rõ và đề xuất lý luận về nền kinh tế
nhiều thành phần trong TKQĐ từ một nước tiểu nông.
Trong chính sách này, V.I.Lênin kỳ vọng vào khả năng thu hút đầu tư
từ các nước tư bản phát triển và từ tư bản tư nhân trong nước cho lĩnh
vực công nghiệp non yếu và kiệt quệ sau chiến tranh. Hơn ai hết,
V.I.Lênin nhận thức rất rõ chính sách kinh tế mới về hình thức dường như
có bước lùi về CNTB nhưng lại rất cần thiết để tiến bước lên CNXH.
V.I.Lênin đã luận chứng rằng sự đồng thuận của nhân dân và sự kiểm tra,
kiểm soát chặt chẽ của nhà nước XHCN sẽ khiến tư bản tư nhân không thể
lái nền kinh tế trở về quỹ đạo của CNTB.
KTTN ở Việt Nam thời gian qua đã phát triển cả về quy mô, trình độ,
lĩnh vực ngành nghề trong khuôn khổ định hướng XHCN, vì mục tiêu CNXH mà
không phải là phát triển tự do như trong thể chế kinh tế TBCN. Điều đó
cũng có nghĩa tạo điều kiện cho KTTN phát triển nhưng phải tuân thủ và
vận động theo quỹ đạo của CNXH mà không phải là buông bỏ mục tiêu CNXH.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
KIỂM SOÁT, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT HUY VAI TRÒ KINH TẾ TƯ NHÂN CHO MỤC TIÊU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Tại Việt Nam, từng có ý kiến lo ngại rằng, KTTN lớn mạnh sẽ thao túng nền kinh tế, làm chệch hướng CNXH, trong đó nhiều ông chủ tư nhân có quyền lực vô biên, đứng trên cả pháp luật. Thế nhưng, thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, dù doanh nghiệp tư nhân
có phát triển thế nào vẫn phải hành động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật, phục vụ mục tiêu đi lên CNXH, mọi vi phạm đều bị xử lý
nghiêm.
Đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội
Trong hơn 35 năm của thời kỳ đổi mới, KTTN ở nước ta đã dần phát
triển, thực sự trở thành lực lượng vật chất quan trọng trong nền kinh
tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự
nghiệp đổi mới vì mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội. Sự phát triển của
KTTN chính là góp phần để thực hiện các mục tiêu của thời kỳ quá độ đi
lên CNXH.
Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách khuyến khích KTTN phát
triển không hạn chế quy mô, số lượng. Vai trò của KTTN trong xây dựng cơ
sở vật chất kỹ thuật cho CNXH là rất to lớn. KTTN đã tạo ra sức hút
mạnh mẽ đối với các nguồn lực trong nền kinh tế, tạo ra “sức bật” về
trình độ công nghệ, đào tạo nghề cho người lao động, gia tăng khả năng
hấp thu vốn, công nghệ hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Điều
quan trọng hơn là KTTN phát triển đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh
tế, xã hội hiện đại. Đây chính là những mảng kết cấu cơ sở vật chất mà
CNXH đang cần.
Chúng ta thấy những tập đoàn KTTN lớn như Sun Group, Vingroup, Thaco,
Masan, FPT... KTTN tham gia và làm tốt nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ
có kinh tế nhà nước mới đủ khả năng thực hiện như xây dựng sân bay, cảng
biển trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô; lĩnh vực hàng không...
Điển hình như Tập đoàn Sun Group đầu tư 3 công trình trọng điểm: Cảng
hàng không quốc tế Vân Đồn xây chưa đầy hai năm, được trao hai giải
thưởng là “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019” và “Sân bay mới hàng đầu
thế giới”; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn...
Các doanh nghiệp Thaco, VinFast đang biến khát vọng ô tô “make in
Vietnam” thành hiện thực. Những tập đoàn KTTN như Sun Group, Vingroup...
đã kiến tạo nên các công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo xứng
tầm quốc tế như: Bà Nà Hill, cầu Vàng, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl;
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chuỗi Carnival đường phố khắp các tỉnh,
thành phố như: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng... tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch Việt Nam.
KTTN còn khẳng định được vai trò to lớn trong giải quyết việc làm,
đóng góp quan trọng trong tổng GDP đất nước. Tham gia các hoạt động an
sinh xã hội không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư
nhân cũng đóng góp to lớn. Điển hình là khả năng thu hút, tham gia đào
tạo người lao động, giải quyết việc làm; góp phần thu hẹp khoảng cách
chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền. Theo thống
kê, hiện nay KTTN thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 85% lực
lượng lao động của nền kinh tế, điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp tư
nhân bảo đảm cho phần lớn lực lượng lao động trong nền kinh tế có việc
làm, thu nhập, được bảo đảm các điều kiện tối thiểu về bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Điều đó giúp cho người lao động,
các nhóm yếu thế trong xã hội bảo đảm được sinh kế ổn định, kể cả trong
điều kiện có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh cũng như tác động của đại
dịch Covid-19.
Quản lý, kiểm soát, định hướng hoạt động của KTTN theo khuôn khổ pháp luật
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của KTTN nhưng đồng
thời Nhà nước cũng quản lý, điều tiết, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của
các thành phần kinh tế trong đó có KTTN bằng pháp luật. Bất kể là doanh
nghiệp tư nhân, tập đoàn KTTN trong hay ngoài nước, bất kể quy mô doanh
nghiệp, trình độ công nghệ ra sao, khả năng chi phối, điều tiết thị
trường thế nào đều phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Trong chủ nghĩa tư
bản, nhà nước tư sản tìm mọi cách ban hành các chính sách kinh tế có
lợi cho các tập đoàn tư bản độc quyền chi phối thị trường, tối đa hóa
lợi nhuận, kinh doanh trong cả những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro (như
kinh doanh súng đạn) bất chấp sự tổn hại lợi ích của người lao động, của
xã hội và môi trường. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở
Việt Nam, sự phát triển của KTTN hoàn toàn khác biệt. Doanh nghiệp KTTN
hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích doanh
nghiệp, lợi ích người lao động và lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia.
Doanh nghiệp tư nhân được tự do sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh
vực mà pháp luật không cấm, không gây tổn hại đến xã hội và môi trường,
bảo đảm đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để bảo vệ
quyền lợi của người lao động, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quy định rõ
mức lương tối thiểu vùng, quy định các vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động buộc chủ doanh nghiệp
tư nhân muốn sử dụng lao động phải tuân thủ. Đây chính là định hướng
nhằm bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển kinh
tế ở Việt Nam.
Đồng thời, Nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tập đoàn KTTN trục
lợi, vi phạm pháp luật, thao túng thị trường gây tổn hại cho các nhà
đầu tư, xâm hại lợi ích của xã hội. Thực tế là trong thời gian qua, đã
có không ít lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn bị điều tra, xử lý khi có
những dấu hiệu vi phạm pháp luật...
Sự nghiêm minh của pháp luật vừa tạo điều kiện bình đẳng cho doanh
nghiệp tư nhân phát triển, đồng thời cũng là ranh giới để các doanh
nghiệp hoạt động. Ở Việt Nam, dưới chế độ XHCN, mọi thành phần kinh tế
đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Không phải cứ doanh nghiệp
lớn, có sức ảnh hưởng cao trên thị trường, thậm chí đóng góp nhiều cho
các hoạt động xã hội thiện nguyện là muốn làm gì thì làm, muốn xúc phạm
ai tùy ý. Những hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý, bất kể đó
là lãnh đạo tập đoàn nào, khả năng chi phối thị trường, sức ảnh hưởng
đến nền kinh tế ra sao. Những vụ việc đối với lãnh đạo một số doanh
nghiệp lớn vừa qua là lời cảnh tỉnh cho lãnh đạo các doanh nghiệp tư
nhân, để họ luôn làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội cao, để bảo
đảm rằng sự phát triển lành mạnh doanh nghiệp của họ mang lại lợi ích
cho xã hội, vì mục tiêu XHCN.
Như vậy, sự phát triển và đóng góp của KTTN đã chứng minh rằng phát
triển KTTN không những không từ bỏ mục tiêu CNXH mà ngược lại, chúng ta
sử dụng nó như một phương tiện cần thiết trong thời kỳ quá độ nhằm phát
triển lực lượng sản xuất, gia tăng các nguồn lực vật chất cho mục tiêu
CNXH. KTTN được tự do phát triển nhưng theo sự điều tiết của Nhà nước
XHCN, dựa trên nền tảng vật chất của CNXH. Vì vậy, KTTN không thể hướng
lái nền kinh tế nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Sự phát triển
có định hướng của KTTN luôn phải bảo đảm cả mục tiêu kinh tế và mục tiêu
xã hội, trở thành công cụ quan trọng để thực hiện tăng trưởng, phát
triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên đây, có thể khẳng định đường lối,
quan điểm của Đảng về phát triển KTTN thành một động lực quan trọng của
nền kinh tế là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển lực lượng sản
xuất trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đường lối đó sẽ là mấu chốt để
khơi dậy, phát huy động lực to lớn của khu vực KTTN, thúc đẩy sản xuất
phát triển, tạo ra lực lượng vật chất cần thiết hỗ trợ cho con đường đi
lên CNXH ở nước ta. Thừa nhận KTTN không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu
CNXH, ngược lại sử dụng, phát huy thành phần kinh tế này như một công cụ
cho quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất, từng bước hoàn thiện
quan hệ sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho CNXH
trong thời kỳ quá độ./.
Thượng tá, TS. Phùng Mạnh Cường
Khoa Kinh tế Chính trị học Mác - Lênin
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
____________________________
(1) (3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.43, tr.445, 270-274.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.44, tr.189.
(4) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và
thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam, H, 2021.
(5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.128, 129.
(Nguồn: qdnd.vn)