Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 5/2/2012 20:36'(GMT+7)

Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản thương phẩm ở các tỉnh ĐBSCL

 Nuôi cá lóc đã trở thành "nghề”, là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân sống ở khu vực ven sông Hậu thuộc địa bàn huyện Trà Cú. Giống cá được các hộ chọn nuôi là cá lóc đầu nhím. Đây là loài thuỷ sản mới, rất dễ nuôi, chu kỳ nuôi ngắn khoảng 4- 5 tháng bắt đầu thu hoạch, trọng lượng đạt khoảng 0,5- 1 kg/con…Tuy nhiên, nuôi cá lóc ở đây còn mang tính tự phát, nhiều hộ sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi nên môi trường nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Con giống nhân tạo tại địa phương hiện chưa sản xuất, người nuôi phải đến các tỉnh bạn mua con giống nên không quản lý được chất lượng. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ hiện không ổn định, giá cá lóc nuôi đang có xu hướng giảm. Vụ nuôi này, thương lái mua tại ao chỉ còn khoảng 28.000- 32.000 đồng/kg (tuỳ thời điểm và tuỳ loại), giảm khoảng 3.000- 5.000 đồng/kg so cùng thời điểm năm trước. Tuy vậy, sau khi trừ toàn bộ chi phí người nuôi vẫn thu lãi được khoảng 4.000- 6.000 đồng/kg cá thương phẩm.

* Vài năm trở lại đây, vùng biển Tân Thành, Gò Công Đông từ chỗ khó khăn trăm bề đã khởi sắc, nhộn nhịp hẳn lên, nhiều gia đình ăn nên làm ra, tạo dựng cơ nghiệp nhờ khai thác tiềm năng bãi bồi nuôi nghêu xuất khẩu. Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Chỉ, sinh năm 1949, ở ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông đang khai thác trên 6 ha bãi bồi nuôi nghêu.
Ông Chỉ cho biết: Vào tháng 4 âm lịch hàng năm, gia đình ông sang Bến Tre tìm mua nghêu giống về thả nuôi. Để đảm bảo sức tăng trưởng nhanh, sớm thu hoạch, ông chọn mua giống lớn, có kích cỡ 900 con/kg. 6 ha mặt nước nuôi nghêu cần 10 tấn con giống nhưng nhờ con giống có kích cỡ lớn nên thời gian nuôi tương đối ngắn và hoàn vốn nhanh, 18 tháng sau khi thả giống đã cho thu hoạch. Vụ nuôi vừa qua, gia đình ông đạt sản lượng nghêu thịt trên 60 tấn, sau khi trừ chi phí còn thu lãi trên 560 triệu đồng. Ông chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề nuôi nghêu: Do đặc thù nghêu nuôi trên bãi bồi ven biển, không có bờ bao, con nghêu phát triển tự nhiên nên rất khó phòng chống dịch bệnh. Để đảm bảo tỉ lệ thành công cao, người nuôi nên chọn thời điểm thả, kích cỡ con giống, bảo quản và thời điểm thu hoạch thích hợp. Gần đây, biến đổi khí hậu ngày một phức tạp, thời tiết khắt nghiệt, khô hạn và xâm nhập mặn ở ven biển Nam Bộ càng làm cho nghề nuôi nghêu bấp bênh hơn. Liên tiếp trong các năm qua, cứ vào độ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch nghêu nuôi tại bãi bồi Tân Thành bị chết rải rác, gây thiệt hại cho bà con vùng nuôi.
Con nghêu hiện là nguồn nguyên liệu quí phục vụ chế biến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu cho địa phương. Để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững trong tương lai, ông Trần Văn Chỉ kiến nghị các ngành chức năng và nhà khoa học cần nghiên cứu, xác định nguyên nhân các đợt dịch bệnh thường xảy ra tại các sân nghêu, đưa ra cách xử lý, phòng trị hữu hiệu để bà con áp dụng rộng rãi. Riêng ông, sau nhiều năm gắn bó thành công với nghề, gia đình khấm khá, có của ăn của để đồng thời còn hỗ trợ bà con trong xóm ấp vượt khó thoát nghèo bằng những mô hình làm ăn thích hợp. Năm 2011, ông Trần Văn Chỉ đã trích gần 100 triệu đồng cho hai hộ nghèo trong xã mượn không lấy lãi để chăn nuôi bò được dư luận hết sức hoan nghênh.

* Đến đầu tháng 2/2012, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch dứt điểm vụ nuôi càng xanh với diện tích hơn 878 ha, trong đó nuôi nhiều nhất là huyện Tam Nông hơn 800 ha, đạt sản lượng hơn 1.500 tấn. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha lãi hơn 70 triệu đồng, người nuôi tôm trong tỉnh lại một năm nữa trúng mùa, được giá.
Theo các hộ nuôi, sở dĩ năm nay tôm phát triển nhanh là do có nguồn thức ăn dồi dào từ mùa lũ lớn 2011 và do giá tôm cao hơn năm trước từ 30% - 35% ( cụ thể từ 135.00 đồng đến 270.000 đồng/kg tùy kích cỡ). Đa số người nuôi có lãi với mức bình quân 70 triệu đồng/ha, có nhiều hộ lãi trên 100 triệu đồng/ha. Việc thu tỉa tôm trứng mùa lũ nhằm tạo điều kiện cho tôm đực lớn nhanh, tăng kích cỡ tôm loại 1 nhiều và tiết kiệm được lượng thức ăn cho tôm đáng kể. Kỹ thuật này đã góp phần giúp người nuôi có lãi thêm từ 10-20 triệu /ha.
Một tín hiệu vui đến với người nuôi tôm là ngoài lực lượng thương lái tại địa phương, hiện nay đã có 5 doanh nghiệp ngoài tỉnh tiêu thụ tôm. Nhờ đó, người nuôi tôm có thêm nhiều cơ hội để chọn lựa phương thức cung cấp sản phẩm tôm càng xanh ra thị trường. Năm 2012, huyện Tam Nông cũng thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học cho người nuôi và thí điểm mô hình lúa sạch – nuôi tôm đạt tiêu chuẩn Việt Gap để xuất khẩu trên diện tích 120 ha tại ấp Phú Long xã Phú Thành B; qua đó từng bước nâng cao giá trị thương phẩm của tôm càng xanh ra thị trường nước ngoài .

* Huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đã quy hoạch, phát triển bãi nghêu thành khu vực nuôi nghêu thương phẩm. Theo đó, nghêu sẽ được khai thác theo quy hoạch thông qua mô hình hợp tác xã nuôi nghêu hiện có; qua đó giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và giúp cho nhiều hộ dân vùng ven biển huyện Ngọc Hiển phát triển kinh tế bền vững.
Ven biển huyện Ngọc Hiển có chiều dài hơn 30 km, hình thành bãi nghêu (một loại thủy sản biển ) mà người dân ở đây gọi là “mỏ nghêu” với trữ lượng hàng ngàn tấn. Nghêu hình thành tự nhiên, một năm nghêu hội tụ về 6 tháng. Gía nghêu thị trường hiện nay là 30.000 đ/kg. Vì vậy vào mùa nghêu về, bãi nghêu thường xuyên có từ 3.000 – 5.000 người khai thác nghêu tự do, trong số này có tới 80% không phải người địa phương. Việc khai thác nghêu tự phát như trên là nguyên nhân dẫn tới nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt; đồng thời kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, an ninh và trật tự diễn biến phức tạp.
Từ ngày bãi nghêu được quy hoạch, 20 hợp tác xã nuôi nghêu với trên 3.000 xã viên ra đời, tình hình nuôi và khai thác nghêu từng bước đi vào trật tư, nề nếp. Mỗi tháng, các hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường từ 30 – 40 tấn nghêu thương phẩm. Thu nhập bình quân mỗi xã viên hiện nay từ 10 triệu đồng/tháng trở lên./.

TG (tong hop)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất