(TG) - Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, công tác phát triển nền Đông y trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 24-CT/TW
Xác định việc phát triển nền Đông y là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh. 15 năm qua, Tỉnh uỷ Lào Cai đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư (khóa X) về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” (Chỉ thị 24-CT/TW); Thông báo Kết luận số 154-TB/TW, ngày 20/2/2014 Ban Bí thư, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nền Đông y, chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng Y học cổ truyền (YHCT).
Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình phát triển nền Đông y; xây dựng, củng cố Hội Đông y các cấp. Tập trung mũi nhọn chỉ đạo phát triển cây dược liệu; phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan các vùng nuôi trồng dược liệu; du lịch kết hợp mua các sản phẩm dược liệu và thuốc cổ truyền mang đặc trưng của tỉnh. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm sát thực, có tính khả thi cao. Trong mỗi giai đoạn, Tỉnh uỷ đều đưa nội dung phát triển y học cổ truyền vào các đề án về lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp để chỉ đạo thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai (khóa XV) ban hành Đề án 01-ĐA/TU về “Tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020”; Đề án 07-ĐA/TU về “Phát triển Y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2016-2020”. Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt 07 đề án, dự án, quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, nổi bật là: Dự án phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà giai đoạn 2015-2020; Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu”; Dự án: “Xây dựng mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng khu vực đèo Ô Quý Hồ”, vườn quốc gia Hoàng Liên. Nhiều dự án phát triển nguồn dược liệu đã và đang đem lại giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
QUAN TÂM XÂY DỰNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH, ĐẦU TƯ CÁC NGUỒN LỰC, KIỆN TOÀN HỆ THỐNG KHÁM, CHỮA BỆNH BẰNG ĐÔNG Y
Quán triệt phương châm “Kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền, với y học hiện đại”, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển Đông y. Năm 2019, tỉnh đầu tư xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền với quy mô bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có 140 giường bệnh với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh công lập bằng YDCT phát triển mạnh. Năm 2023, toàn tỉnh đã có 398 giường bệnh YHCT (gấp 4,68 lần so với năm 2008), 8 phòng chẩn trị YHCT, 35 cơ sở kinh doanh dược liệu; 01 BVĐK tư nhân có khoa YHCT với quy mô 13 giường bệnh. Khoa YHCT của BVĐK các huyện được bố trí tăng giường bệnh YHCT từ 5 giường bệnh/1 bệnh viện năm 2008 lên 20-30 giường bệnh năm 2023. Kinh phí cấp cho công tác khám chữa bệnh bằng YHCT, mua dược liệu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nền Đông y trong từng giai đoạn. Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực YHCT được quan tâm thực hiện. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh công lập bằng YHCT phát triển mạnh. Bệnh viện YHCT tuyến tỉnh, khoa YHCT, bộ phận khám chữa bệnh bằng YHCT của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) cấp huyện, Trạm y tế xã, phường, thị trấn ngày càng được kiện toàn, nâng cấp. Tỉnh Lào Cai ban hành một số chính sách hỗ trợ đã thu hút được nhiều cán bộ có chất lượng cao về công tác, hoạt động trong lĩnh vực YHCT. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, thầy thuốc Đông y được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.100 người thực hiện công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, trong đó có trên 970 bác sỹ, thầy thuốc là hội viên Hội Đông y. Đội ngũ cán bộ, thầy thuốc Đông y ngày càng tăng về số lượng, giỏi chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Nhờ đó, đã thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT và YHCT kết hợp với Y học hiện đại (YHHĐ); trong 15 năm, toàn tỉnh có gần 4.590.000 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Nhiều phương pháp chữa bệnh bằng YHCT ngày càng được các cơ sở y tế áp dụng như: dùng đèn chiếu; chữa bệnh bằng châm cứu, điện châm, thuỷ châm, xoa bóp, day ấn huyệt; chữa bệnh bằng ống hút giác hơi, sắc uống thuốc nam,... Việc sử dụng các phương pháp YHCT trong khám, chữa bệnh ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ Nhân dân.
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN DƯỢC LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO ĐÔNG Y
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây dược liệu với nhiều loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển nền Đông y và nguồn dược liệu. Lào Cai đang nuôi trồng, phát triển một số cây dược liệu quý di thực; có nhiều loài cây quý hiếm có giá trị y dược cao, có một số cây thuốc đặc hữu như Hoàng liên gai, Thất diệp nhất chi hoa, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang,… Tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên trồng cây dược liệu với diện tích trên 3.000ha; tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa. Trong đó có 2.000ha trồng một số cây dược liệu phát triển lâu năm như: Chè dây, Giảo cổ lam, Tam thất, Thất diệp nhất chi hoa, Hà thủ ô, Đỗ trọng,... Hằng năm, các huyện, thị xã: Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa trồng khoảng 500ha cây dược liệu ngắn ngày với 6 loại cây chủ lực: Actiso; Đương quy, Cát cánh, Xuyên khung, Đẳng sâm, Chùa dù. Bệnh viện YHCT và các phòng khám Đa khoa khu vực (ĐKKV), trạm y tế xã phường đều có vườn thuốc nam trồng các loại cây dược liệu. Các đơn vị không chỉ phát triển về số lượng cây thuốc theo quy định của Bộ Y tế mà còn khuyến khích sưu tầm, bảo tồn, nhân rộng các cây thuốc quý tại địa phương và tuyên truyền cho người bệnh, người dân sử dụng.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào Đông y được đẩy mạnh. Trại nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa của Viện Dược liệu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, di thực, bảo tồn một số loại dược liệu có giá trị kinh tế, giá trị chữa bệnh. Nhiều cây dược liệu quý được sản xuất với quy mô lớn như: Bình vôi, Đẳng sâm, Hà thủ ô đỏ, Actisô, Đỗ trọng, Đương quy,... Trong đó có một số cây dược liệu được bào chế thành sản phẩm có giá trị cao như Boganic từ Atiso; Ampelop từ Chè dây; Didicela và Bổ thậm hoàn từ Đương quy, chè Giảo cổ lam từ cây Giảo cổ lam,... Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số mô hình hay, cách làm hiệu quả phát triển cây dược liệu, khám, chữa bệnh bằng YHCT như: Hội viên Hội Đông y có vườn thuốc trồng hơn 100 cây dược liệu quý; Lương Y Phạm Trọng Hùng có nhiều bài thuốc gia truyền được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận; nhiều bài thuốc y học cổ truyền được sử dụng rộng rãi, nhiều tri thức bản địa được thương mại như Bài thuốc tắm của người Dao đỏ,...
Công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế về y học cổ truyền được chú trọng.
Tỉnh quan tâm khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc Đông y, phát triển các vùng dược liệu trên địa bàn. Tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo thầy thuốc YHCT và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư, nuôi trồng và chế biến dược liệu; trao đổi kinh nghiệm về YHCT, nhất là với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... có thế mạnh về lĩnh vực này.
Trong những năm qua, nhờ quyết liệt, sáng tạo triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền Đông y trên địa bàn tỉnh nên việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân tại địa phương ngày càng tốt hơn. Đồng thời qua đó giúp một bộ phận người dân tham gia nuôi trồng, sản xuất cây dược liệu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, việc phát triển nền Đông y trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cần quan tâm, như: Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh YHCT hoạt động chưa đồng đều, chưa thu hút được người bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh bằng Đông y tại một số bệnh viện còn hạn chế; nhân lực khám, chữa bệnh bằng YHCT tuyến cơ sở còn thiếu. Kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, phát triển, chữa bệnh bằng YHCT chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh YHCT kết hợp với YHHĐ. Công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh bằng Đông y đối với cơ sở chữa bệnh ngoài công lập chưa chặt chẽ. Một số lương y, lương dược tuổi cao nhưng chưa có lớp kế cận nên có nguy cơ thất truyền một số bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong Nhân dân. Công tác phát triển vùng dược liệu chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; việc tổ chức sản xuất, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Liên kết trong sản xuất cây dược liệu chưa chặt chẽ; chưa có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện phát triển vùng sản xuất dược liệu,...
Để tiếp tục phát triển nền Đông y, xây dựng, củng cố Hội Đông y các cấp vững mạnh, thời gian tới tỉnh Lào Cai xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 24-CT/TW, Thông báo Kết luận số 154-TB/TW Ban Bí thư và chủ trương, chính sách phát triển nền Đông y, Hội Đông y trong các Kế hoạch, Chương trình hành động, Đề án của Tỉnh ủy Lào Cai nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về vai trò của nền Đông y, Hội Đông y trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng chính phủ về chương trình phát triển YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ đến năm 2030.
Hai là, rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách mới nhằm thu hút đội ngũ cán bộ YDCT có trình độ, năng lực về công tác tại tỉnh. Chủ động, kịp thời củng cố tổ chức, phát triển hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Đông y, các tổ chức nghề nghiệp thuộc lĩnh vực YDCT hoạt động và phát triển. Chú trọng phát huy phát triển cây dược liệu đặc hữu tại địa phương, phổ biến các bài thuốc hay để các tầng lớp Nhân dân ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ con người.
Ba là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Hội Đông y các cấp. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế cho Bệnh viện YHCT tỉnh và khoa Đông y của bệnh viện tuyến huyện nhằm phát huy tốt công tác khám, chữa bệnh bằng Đông y. Tăng cường kết hợp YHCT và YHHĐ trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bốn là, quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu chủ đạo, bảo tồn và phát triển các nguồn gen, dược liệu quý phù hợp với đặc điểm, điều kiện sinh thái của các địa phương; phổ biến, định hướng, khuyến khích trồng, chăm sóc cây dược liệu quý tại hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Chú trọng phát triển dược liệu đặc hữu tại địa phương. Sưu tầm, kế thừa, phát triển các bài thuốc đông y gia truyền của các Lương y trên địa bàn tỉnh.
Năm là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở bào chế thuốc, bán thuốc, khám, chữa bệnh bằng YHCT; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về y dược học cổ truyền bảo đảm thực hiện đúng quy định về sản xuất, lưu hành thuốc Đông y, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu. Huy động nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện chữa bệnh bằng YDCT, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở.
Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Đông y các cấp; xây dựng mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Hội Đông y các cấp. Khuyến khích hội viên tham gia sản xuất cây dược liệu, trồng vườn thuốc nam, truyền bá những bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong khám, chữa bệnh bằng YHCT./.
Nguyễn Thành Nam
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai