KINH TẾ VŨ TRỤ VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Theo Tạp chí Harvard Business Review
(Mỹ), thuật ngữ “nền kinh tế vũ trụ” bao gồm “hàng hóa và dịch vụ được
sản xuất trong không gian để sử dụng trong không gian”. Còn Tổ chức Hợp
tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa, kinh tế vũ trụ là toàn bộ
các hoạt động sử dụng các nguồn lực tạo ra giá trị và lợi ích cho con
người trong quá trình khám phá, nghiên cứu, tìm hiểu, quản lý và sử dụng
không gian(1).
Thực
tế hiện nay cho thấy, nền kinh tế vũ trụ đang ngày càng phát triển. Đây
không chỉ là một lĩnh vực kinh tế mới mà còn là động lực quan trọng
thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực khác. Theo đó, triển khai kết
cấu hạ tầng không gian giúp phát triển các dịch vụ mới, cho phép ứng
dụng vào các lĩnh vực, như khí tượng, năng lượng, viễn thông, bảo hiểm,
vận tải, hàng hải, hàng không, phát triển đô thị..., tạo ra các lợi ích
kinh tế - xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế vũ trụ được xác định
theo ba giai đoạn, mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng sự tham gia khác
nhau của các chủ thể công - tư.
Giai đoạn đầu tiên (1950 - 1969) được đặc trưng chủ yếu bởi những chương trình không gian của các chính phủ nhằm khám phá không gian. Giai đoạn thứ hai (1970
- 2000) được đánh dấu bằng sự tham gia của các chủ thể tư nhân do thay
đổi về quan điểm chính trị và sự tiến bộ của khoa học - công nghệ. Sự
phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp máy tính và số hóa đã tác
động đến lĩnh vực chế tạo vệ tinh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc
thương mại hóa lĩnh vực này. Tháng 1/1970 với chính
sách “Bầu trời mở”, Mỹ cho phép các công ty đủ điều kiện sẽ được phóng
vệ tinh liên lạc, khuyến khích tư nhân phát triển hoạt động phát sóng vệ
tinh và dịch vụ viễn thông. Trên quy mô toàn cầu, ngày càng có nhiều
quốc gia tham gia vào thị trường vũ trụ. Đặc biệt, các nước châu Âu cũng
nhận thấy các dự án quốc gia của họ sẽ không thể cạnh tranh với những
nước khác nếu họ không kịp thời điều chỉnh chính sách. Do đó, vào năm
1975, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã được thành lập nhằm thúc đẩy sự
hợp tác giữa các nước nội khối về nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ
trụ vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, bất chấp tính chất liên chính phủ
của tổ chức này, cho đến nay, ESA vẫn khó có thể làm thay đổi cấu trúc
của ngành vũ trụ châu Âu mà vẫn tập trung chủ yếu vào một số quốc gia,
điển hình là Đức, Pháp, Italia.
Giai đoạn thứ ba (từ năm 2000 đến nay) chứng kiến sự
tham gia ngày càng tăng của các công ty tư nhân vào các hoạt động vũ
trụ. Năm 2019, doanh thu của nền kinh tế vũ trụ đạt 424 tỷ USD. Các ứng
dụng thương mại vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu cao (chiếm 2/3), mặc dù các
đơn đặt hàng trong lĩnh vực quân sự và đơn đặt hàng của các tổ chức
công vẫn chiếm một phần đáng kể trong tổng lợi nhuận (chiếm 1/3)(2). Hai yếu tố chính tác động đến xu hướng này: Một là,
liên quan đến những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điều này
cho phép hoạt động truyền dữ liệu từ vệ tinh trở lại Trái đất ngày càng
cải thiện, góp phần tạo ra những giá trị kinh tế mới. Hơn nữa, nhờ các
công ty tư nhân đầu tư vào chế tạo các vệ tinh cỡ nhỏ, chi phí sử dụng
các dịch vụ vệ tinh được giảm thiểu, kích thích hơn nhu cầu sử dụng các
dịch vụ này. Thực tế cho thấy, trong đời sống hằng ngày, hầu hết mọi cá
nhân, tổ chức hay doanh nghiệp đều đang phụ thuộc vào một hay nhiều vệ
tinh, từ việc sử dụng thẻ tín dụng, đến mạng lưới điện, dịch vụ điều
hướng, quan sát Trái đất cũng như cập nhật tình hình thời tiết... Hai là, chi
phí tiếp cận không gian. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang có
xu hướng chuyển dần cho khu vực tư nhân tiến hành vận chuyển hàng hóa
lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đồng thời, dưới sự kiểm soát của NASA,
các tập đoàn như Tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin và Tập
đoàn hàng không Mỹ Boeing không thể giữ vị trí độc quyền. Kết quả là,
việc vận chuyển hàng hóa lên ISS hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn, qua
đó các công ty vừa và nhỏ, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu ngày càng
có cơ hội tiếp cận không gian nhiều hơn. Ngoài ra, sự phát triển của
internet vệ tinh cho phép con người và các công ty kết nối mọi lúc, mọi
nơi - một giải pháp thay thế hiệu quả khi tuyến cáp quang biển kết nối
internet gặp sự cố, dẫn đến mất tín hiệu hoặc chất lượng đường truyền
kém. Không chỉ vậy, ứng dụng công nghệ vệ tinh còn được
sử dụng trong các lĩnh vực như vận chuyển và hậu cần, trong quản lý và
giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, chất lượng nước, lớp phủ
rừng, mức độ ô nhiễm không khí...
Đối
với các chương trình thám hiểm, việc đưa con người trở lại Mặt trăng
hiện đang nằm trong kế hoạch của các cơ quan vũ trụ lớn, chẳng hạn như
NASA và ESA. NASA đặt mục tiêu thiết lập sự hiện diện thường trực của
con người - robot trên Mặt trăng. Nga và Trung Quốc cũng đang hợp tác để
xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt trăng, dự kiến đưa
con người lên Mặt trăng vào năm 2026 và hoàn thành việc xây dựng trạm
này vào năm 2035. Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia đứng thứ 7
trên thế giới và quốc gia đứng thứ 4 ở châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản
và Ấn Độ) triển khai các hoạt động nghiên cứu Mặt trăng từ vũ trụ. Tàu
con thoi đầu tiên của Hàn Quốc được phóng lên không gian từ đầu tháng
8/2022. Cuối năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục công bố “Lộ trình
kinh tế vũ trụ”, bao gồm các kế hoạch thành lập một cơ quan hàng không
vũ trụ tương tự như NASA của Mỹ, phát triển phương tiện vũ trụ thế hệ
tiếp theo vào năm 2031 và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thăm dò Mặt trăng
vào năm 2024.
Một
hình thức hợp tác công - tư mới cũng đang phát triển, trong đó các
chính phủ sẽ hỗ trợ ban đầu trong việc thăm dò và phát triển các công
nghệ quan trọng (viễn thông và điều hướng Mặt trăng - Trái đất), xây
dựng kết cấu hạ tầng không gian, còn khu vực tư nhân sẽ đi đầu trong
việc tạo ra các thị trường mới và mở rộng sự hiện diện của con người
trong không gian.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ VŨ TRỤ
Kinh
tế vũ trụ hiện nay đang bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thương
mại hóa, hội nhập và đổi mới. Khác với trước đây, lĩnh vực kinh tế vũ
trụ hiện nay có sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân lớn (SpaceX,
Amazon, Facebook…) với hàng loạt dự án lớn, như: Cung cấp dịch vụ
internet bằng chùm Starlink của SpaceX, chùm Kuiper của Amazon, hay chùm
Oneweb của Chính phủ Anh; dịch vụ vận chuyển, du lịch Blue Origin của
Amazon… Với sự tham gia này, các ứng dụng công nghệ không gian mở rộng
sang nhiều lĩnh vực mới, như: du hành vũ trụ, công nghệ truyền thông sử
dụng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT)
trên hệ thống vệ tinh và thiết bị mặt đất. Kích thước các vệ tinh cũng
ngày càng được thu nhỏ, số lượng vệ tinh trong các chùm và siêu chùm
(mega constellation) tăng lên nhanh chóng, các dự án khởi nghiệp
(startup) về vệ tinh hiện nay hướng đến cung cấp ứng dụng và giải pháp
trực tiếp cho người sử dụng chứ không chỉ thuần túy phát triển công nghệ
như trước đây…
Theo tờ Financial Times
(Anh), trong hai thập niên qua, có hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại
đã ra đời. ISS được một nhóm quốc gia thành lập, do Mỹ đứng đầu, phục
vụ các hoạt động của vệ tinh, công nghệ quốc phòng, phân tích dữ liệu và
thậm chí nhiều lĩnh vực khác như du lịch vũ trụ. SpaceX là công ty vũ
trụ được biết đến nhiều nhất, đã phóng hàng nghìn vệ tinh cho cả mục
đích công và tư. Theo Tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation (Mỹ), năm
2021, nền kinh tế vũ trụ đạt doanh thu 469 tỷ USD, tăng 9% so với năm
2020 và dự kiến sẽ đạt mức 634 tỷ USD vào năm 2026(3). Ngân hàng đa quốc gia Bank of America dự báo ngành công nghiệp vũ trụ sẽ phát triển, quy mô ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030(4).
Sự cạnh tranh trong nền kinh tế vũ trụ ngày một lớn, góp phần thúc đẩy
nhu cầu đổi mới để giảm giá thành cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cạnh tranh gia tăng tiếp tục mở ra cơ hội và tiềm năng phát triển mới
cho nền kinh tế vũ trụ.
Nếu
như cuộc chạy đua vào không gian được khởi đầu bởi sự cạnh tranh giữa
hai siêu cường Mỹ và Nga (Liên Xô trước đây), thì hiện nay đã có khoảng
90 quốc gia đang thúc đẩy phát triển chương trình không gian vũ trụ(5).
Đáng chú ý, trong số đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Israel và
Nhật Bản có khả năng phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo một cách ổn định.
Không chỉ các chính phủ, hàng loạt công ty tư nhân cũng tham gia tích
cực trong ngành công nghiệp vũ trụ, bởi họ nhận thấy ngành công nghiệp
vũ trụ có thể vượt qua ranh giới khám phá khoa học và có thể đem lại lợi
nhuận kinh tế. Một trong những dịch vụ mũi nhọn của ngành công nghiệp
vũ trụ chính là phóng vệ tinh cỡ nhỏ vốn phục vụ cho dịch vụ kết nối
băng thông rộng và IoT. Người ta ước tính, hiện có hơn 10.000 công ty và
khoảng 5.000 nhà đầu tư tham gia ngành vũ trụ. Và hơn 1.000 tàu vũ trụ
đã được đưa vào quỹ đạo trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều hơn số lượng
tàu vũ trụ đã được phóng trong 52 năm đầu tiên con người khám phá không
gian (1957 - 2009)(6).
Lĩnh
vực vũ trụ không chỉ tạo ra tăng trưởng mà còn là nhân tố thúc đẩy hiệu
quả ứng dụng trong một số ngành, nghề. Một số ứng dụng quan trọng liên
quan đến vũ trụ đã được triển khai, như: Đối với lĩnh vực nông nghiệp,
các cảm biến từ xa giúp thu thập dữ liệu, bao gồm hình ảnh, thông tin về
thời tiết, hỗ trợ người nông dân dựa vào dữ liệu đó để có kế hoạch cải
thiện năng suất cây trồng. Trong lĩnh vực khai thác mỏ, dữ liệu vệ tinh
có thể hỗ trợ một số chức năng quan trọng tại các công ty khai thác mỏ,
như lập bản đồ phát thải, cải thiện các nỗ lực thăm dò bằng cách xác
định những khu vực giàu khoáng sản… Đối với ngành dược, các công ty dược
phẩm có thể thành lập phòng thí nghiệm trên trạm vũ trụ để nghiên cứu
sự phát triển của tế bào.
ESA
cho biết, việc triển khai kết cấu hạ tầng không gian mới đã mang lại
nhiều lợi ích cho các ngành công nghiệp bao gồm khí tượng, năng lượng,
viễn thông, bảo hiểm, vận tải, hàng hải, hàng không và phát triển đô thị
của châu Âu. Hầu hết những đóng góp này đến từ khu vực tư nhân, ước
tính hơn 224 tỷ USD được tạo ra từ các sản phẩm và dịch vụ do các công
ty vũ trụ tư nhân cung cấp. Theo báo cáo của Space Foundation, các công
ty do chính phủ hậu thuẫn cũng gia tăng đầu tư vào các dự án không gian.
Tổng chi tiêu của các chính phủ cho chương trình vũ trụ dân sự và quân
sự đã tăng 19% vào năm 2021, trong đó Ấn Độ tăng chi tiêu lên 36%, Trung
Quốc đầu tư thêm 23% và Mỹ là 18%(7).
TƯƠNG LAI CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Sự
phát triển của kinh tế vũ trụ vừa tạo ra cơ hội, tiềm năng, song cũng
có nhiều thách thức. Điều dễ nhận thấy, cạnh tranh địa - chính trị đang
len lỏi vào tham vọng chinh phục không gian của các nước lớn. Mặc dù
đang dẫn đầu ISS, nhưng Mỹ không còn được coi là siêu cường duy nhất
trong không gian. Trung Quốc hiện sở hữu một trạm vũ trụ quốc gia với
tên gọi Thiên Cung, đại diện cho một thành tựu quan trọng đối với chương
trình không gian của nước này. Chưa kể, trong
những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào chương trình không
gian nhằm hiện thực hóa ước mơ chinh phục vũ trụ và đuổi kịp Mỹ. Trung
Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc khám phá không
gian như phóng vệ tinh, đưa con người lên trạm vũ trụ, thăm dò sao Hỏa
và đang lên kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng(8).
Do vậy, Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ là nước sở hữu tàu vũ trụ robot đầu
tiên trên thế giới hạ cánh thành công xuống phần tối chưa được khai phá
của Mặt trăng. Trung Quốc cũng có thể thực hiện các sứ mệnh thu thập mẫu
vật phức tạp và có kế hoạch thiết lập một căn cứ vĩnh viễn trên Mặt
Trăng. Để duy trì ưu thế vượt trội của mình, Mỹ thúc đẩy quá trình “tách
rời công nghệ”, theo đó tìm cách ngăn cản Trung Quốc trở thành một đối
thủ công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào. Cuộc cạnh tranh công nghệ đang
diễn ra công khai và bắt đầu lan rộng đến lĩnh vực không gian của cả hai
quốc gia. Nguy cơ xảy ra
một cuộc chạy đua vũ trang quân sự trong không gian vũ trụ là hiện hữu,
đe dọa sự ổn định chiến lược toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra kịch bản
chiến tranh không gian vũ trụ.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16 rời bệ phóng, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc, ngày 30/5/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tính
ưu việt của công nghệ trong không gian cũng đan xen những lo ngại về
các mối đe dọa khác mà các trạm vũ trụ đang phải đối mặt hoặc hệ lụy mà
nó gây ra. Vấn đề đầu tiên là tuổi thọ của bất kỳ kết cấu hạ tầng vật lý
nào trên không gian. Trạm vũ trụ quốc tế ISS được
dự đoán sẽ tồn tại đến năm 2030, trong khi Trạm vũ trụ quốc gia Thiên
Cung của Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì hoạt động trong khoảng 10 năm.
Tuy nhiên, va chạm với các mảnh vỡ và những vật thể khác là một mối đe
dọa phổ biến. Các siêu vệ tinh cũng là một thách thức đối với các trạm
vũ trụ. Các vệ tinh Starlink được xác nhận đã có những cuộc va chạm gần
với trạm vũ trụ của Trung Quốc. Thêm vào đó, gần đây, các nước
đẩy mạnh phát triển Hệ thống vũ khí tiêu diệt vệ tinh (ASAT). Khi các vệ
tinh bị phá hủy sẽ tạo ra những mảnh vỡ, tồn tại lâu và xếp thành nhiều
tầng, làm gia tăng mật độ của các vật thể trên quỹ đạo, gây nguy cơ cao
xảy ra va chạm, trong đó mỗi va chạm sẽ tiếp tục tạo ra các mảnh vỡ
khác, tạo thành một phản ứng dây chuyền có khả năng khiến không gian vũ
trụ mất đi tiềm năng vốn có.
Nguy
cơ tư nhân hóa không gian cũng được tính đến, về lâu dài sẽ dẫn đến một
số ít công ty nắm giữ độc quyền đối với lĩnh vực vũ trụ. Hệ quả là con
người đang biến không gian vũ trụ trở thành một “bãi rác” khổng lồ hơn
là một nơi nghiên cứu hay điểm đến du lịch, phát triển kinh tế. NASA
đang chính thức theo dõi hơn 26.000 mảnh vụn quỹ đạo, hay còn gọi là
“rác thải vũ trụ”, đang gây nguy hiểm cho các phi hành gia và các sứ
mệnh không gian quốc tế, trong đó có 4.000 vệ tinh hết hạn trong quỹ đạo(9). Chưa
kể, nếu con người tiến hành các vụ phóng tên lửa thương mại ngày càng
thường xuyên hơn, số lượng khí thải carbon sẽ tăng lên đáng kể. Trong
tương lai, nếu hoạt động du lịch không gian phát triển, điều đó sẽ đòi
hỏi ngày càng nhiều linh kiện phục vụ cho việc chế tạo tàu vũ trụ, đồng
thời cũng cần nhiều nhiên liệu hơn cho tên lửa đẩy. Và cuối cùng, việc
khai thác, sản xuất nhiên liệu lại phát thải thêm khí nhà kính.
Hệ
thống pháp luật giúp quản lý việc khai thác và phát triển kinh tế vũ
trụ cũng là một thách thức khi chưa được hoàn thiện và thế giới cũng
chưa đưa ra được những chuẩn mực phù hợp với thực tế phát triển trong
không gian vũ trụ. Cơ chế không gian quốc tế vốn được thành lập từ thời
kỳ Chiến tranh lạnh đến nay không theo kịp và chưa thể thích ứng với sự
phát triển của kinh tế vũ trụ. Trước các hoạt động trong không gian,
người ta khó có thể phân loại một cách rõ ràng giữa những hoạt động phục
vụ mục đích dân sự hay quân sự, cũng như chưa thể phân biệt được rạch
ròi giữa hoạt động phòng thủ hay hoạt động tấn công trong không gian
mạng. Việc tạo được sự đồng thuận chung giữa các nước, coi phát triển
kinh tế vũ trụ là nguồn lực mới, là động lực mới cho phát triển bền vững
đang gặp nhiều khó khăn.
Như
vậy, để kinh tế vũ trụ phát triển đúng hướng, hiệu quả, khung pháp lý
hiện tại cần được hoàn thiện, phát triển và thực thi. Các chính phủ cần
một kế hoạch phân vùng toàn cầu để phát triển bền vững, siết chặt quản
lý sử dụng các nguồn lực, hoạt động du lịch vũ trụ và các mục đích sử
dụng khác trong không gian. Đây là vấn đề không chỉ một quốc gia đơn lẻ
có thể tự giải quyết, mà còn cần có sự chung tay của cả thế giới để kịp
thời xử lý, đưa ra các khuôn khổ, “luật chơi” chung để các nước tuân thủ
và vận hành, loại bỏ những nguy cơ, đe dọa đối với hòa bình và an ninh
thế giới, hạn chế tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng
trưởng kinh tế toàn cầu./.
LÊ NGỌC THÙY DƯƠNG
Học viện Ngoại giao
_______________________
(1)
(5) (6) (7) World Economic Forum: The space economy is booming. What
benefits can it bring to Earth? (Tạm dịch: Nền kinh tế vũ trụ đang
bùng nổ. Nó có thể mang lại lợi ích gì cho Trái đất?), ngày 19/10/2022, https://www.weforum.org/agenda/2022/10/space-economy-industry-benefits/.
(2)
ISPI: The Evolution of Space Economy: The Role of the Private Sector
and the Challenges for Europe (Tạm dịch: Sự phát triển của kinh tế vũ
trụ: Vai trò của khu vực tư nhân và những thách thức đối với châu Âu), ngày 7/12/2020, https://www.ispionline.it/ en/publication/evolution-space-economy-role-private-sector-and-challenges-europe-28604.
(3) Global space economy spending reaches $469 Billion (Tạm dịch: Chi tiêu kinh tế vũ trụ toàn cầu đạt 469 tỷ USD), ngày 27/7/2022, https://www.koaa.com/news/covering-colorado/global-space-economy-spending-reaches-469-billion.
(4) The new space race could turn science fiction into reality (Tạm dịch:
Cuộc đua không gian mới có thể biến khoa học viễn tưởng trở thành hiện
thực), ngày 27/12/2022, https://www.ft.com/content/a72ca87e-fe47-458a-a6ee-abb9c54254e9.
(8) Ngành công nghiệp vũ trụ thế giới tăng trưởng mạnh, ngày 30/9/2022, https://vtv.vn/the-gioi/nganh-cong-nghiep-vu-tru-the-gioi-tang-truong-manh-20220930002649197.htm.
(9) Space junk: what it is and why cleaning it up matters (Tạm dịch: Rác
không gian: Nó là gì và tại sao việc dọn dẹp nó lại quan trọng?), ngày 20/5/2021, https://www.weforum.org/agenda/2021/05/space-junk-clean-satellite/.
(Nguồn: TC Cộng sản)