Ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
916/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham
mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030”.
Đề án “Phát triển nguồn nhân
lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
đến năm 2030” (Đề án) được thực hiện trong phạm vi các bộ, cơ quan ngang
bộ và UBND cấp tỉnh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật Đề án đề cập
đến là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác nghiệp vụ tại các đơn vị
chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh.
Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu
xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt,
chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý,
đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công
khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của
đất nước.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể là tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và
trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa
phương đối với công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ
cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong
công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các quy định pháp luật về tuyển
dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; về thu hút, trọng dụng người
có tài năng, tạo cơ sở để thu hút người có tài năng làm công tác tham
mưu xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó là các mục tiêu: Đến năm 2027, bảo đảm ít nhất 70% và đến
hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp
chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của bộ, ngành, địa phương. Đến năm
2027, đạt 70% và đến hết năm 2030, phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức
làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, tập huấn, cập
nhật kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của tình
hình mới.
Trên cơ sở biên chế được giao, đến năm 2027 các bộ, ngành, địa phương
xây dựng đội ngũ khoảng 200 công chức (tương ứng với 3 công chức/bộ,
ngành và 2 công chức/địa phương) và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng
300 công chức (tương ứng với 5 công chức/bộ, ngành và 3 công chức/địa
phương) có đủ kiến thức, năng lực vượt trội và kinh nghiệm để trở thành
lực lượng nòng cốt bồi dưỡng, dẫn dắt, phát triển nguồn nhân lực tham
mưu xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp
trọng tâm, gồm: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong
việc xây dựng, phát triển nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp
luật; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về
tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; quy định về thu hút,
trọng dụng người có tài năng trong các ngành, lĩnh vực góp phần bảo đảm
chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật;
thu hút, tuyển dụng, trọng dụng người có tài năng vào làm công tác tham
mưu xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức
làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật;
Cùng với đó là giải pháp về đẩy mạnh hợp tác
quốc tế, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ
khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc hỗ trợ công
tác xây dựng pháp luật; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển
hình tiên tiến trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, nhằm tạo
động lực cho cán bộ, công chức phát huy trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm tra, giám sát việc
triển khai Đề án; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai
thực hiện Đề án.
Đề án nhấn mạnh việc phải coi chất lượng nhân lực làm công tác tham
mưu xây dựng pháp luật là một trong những đột phá để nâng cao chất lượng
xây dựng pháp luật. Do vậy, Đề án sẽ triển khai xây dựng chương trình,
đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ
cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
Cụ thể là tăng dung lượng kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật trong
chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu
chuẩn ngạch công chức; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc
làm lãnh đạo, quản lý; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi
dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp
luật, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị. Việc bồi dưỡng,
hướng dẫn nghiệp vụ cần căn cứ vào nhu cầu thực tế, xử lý các vấn đề đặt
ra trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật...
Bên cạnh đó, có chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng ở
khu vực ngoài nhà nước vào làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật tại
các bộ, ngành, địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên
kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài để đào
tạo, bồi dưỡng người có tài năng làm công tác tham mưu xây dựng pháp
luật theo yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị.
TTXVN