Thứ Ba, 26/11/2024
Thể thao
Thứ Năm, 22/11/2012 15:52'(GMT+7)

Phát triển thể thao Việt Nam - tầm nhìn đến Olympic

Giờ tập luyện tại một trung tâm thể thao (ảnh: internet)

Giờ tập luyện tại một trung tâm thể thao (ảnh: internet)

Thảo luận những biện pháp mang tính chiến lược và sách lược nhằm hướng tới việc nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic, trước mắt là Olympic năm 2016 tại Brazil – đây là nội dung chính của Hội nghị khoa học quốc tế "Phát triển thể thao - tầm nhìn đến Olympic", diễn ra sáng nay (21/11) tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học thể thao, với hơn 30 chuyên gia quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Tại Hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuẩn bị cho VĐV chuẩn bị dự Olympic 2012 tại London (Anh) vừa qua, chuyên gia khoa học thể thao Thái Lan tiết lộ, công tác này được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, thuê HLV, chuyên gia huấn luyện VĐV cách thời điểm diễn ra Olympic 4 năm; giai đoạn 2, nâng cao trình độ huấn luyện và chỉ số thành tích thi đấu cách Olympic 2 năm; giai đoạn cuối là sử dụng các phương pháp tâm lý, chốt chỉ số thành tích thi đấu của VĐV cách thời điểm thi đấu 2 tháng.

Các chuyên gia đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ cũng giới thiệu nhiều phương pháp ứng dụng khoa học vào việc nâng cao thể chất, hồi phục tốc độ trạng thái tập luyện, rèn luyện ý chí thi đấu… cho VĐV, khi tham gia các giải đấu thể thao quốc tế.

Ông Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT nêu rõ công tác ứng dụng thành tựu khoa học vào thi đấu thể thao, cũng như kết quả thực tế của VĐV Việt Nam tại các giải đấu. Ông Trần Đức Phấn thừa nhận, việc ứng dụng phương pháp khoa học, hệ thống máy móc hỗ trợ HLV, chuyên gia huấn luyện VĐV ở Việt Nam vẫn còn lạc hậu, hạn chế.

“Trong điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế, chúng ta cũng khó có thể mong muốn có được một hệ thống máy móc hoàn chỉnh để hỗ trợ các VĐV khi thi đấu. Nhưng tôi khẳng định, nếu không có các điều kiện đó để nâng cao thể chất, ý chí và chỉ số thi đấu cho VĐV thì việc giành thành tích tại các kỳ Asiad, Olympic là khó có thể đạt được. Nếu chúng ta không sớm ứng dụng các thành tựu khoa học của các ngành khác cho thể thao, chúng ta không thể vươn tới đỉnh cao” – ông Trần Đức Phấn nêu ý kiến.

Thẳng thắn thừa nhận mặt hạn chế này của ngành TDTT nước nhà, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng phân tích rõ hơn: “Đội ngũ nghiên cứu khoa học thể thao của chúng ta còn mỏng, điều kiện tiếp cận với các phương pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện thể thao đỉnh cao, thể thao chuyên nghiệp còn hạn chế, chính xác hơn là chúng ta chưa được tiếp cận vấn đề này một cách thường xuyên, dù đó không phải là chủ đề mới đối với ngành. Trong thời kỳ vừa rồi, bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng của đội ngũ cán bộ Viện Khoa học TDTT, các trường Đại học TDTT và các nhà khoa học trong nước, chúng ta chủ yếu thông qua các dự án của tổ chức quốc tế, các nước có quan hệ hợp tác về thể thao với Việt Nam, và chủ yếu là dựa vào việc thuê các HLV, chuyên gia đến từ các nước có trình độ thể thao và khoa học thể thao phát triển”.

Tiếp cận vấn đề ứng dụng khoa học vào thể thao, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, cho rằng cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu khoa học thể thao của Việt Nam không thua kém với nhiều nước trong khu vực, vấn đề là đội ngũ điều khiển máy móc và ứng dụng khoa học vào công tác huấn luyện VĐV của chúng ta chưa cao.

“Nếu so sánh với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thì chúng ta cực kỳ khập khiễng, nhưng nếu so sánh với đại đa số các nước còn lại thì chúng ta không phải là kém. Ở Đông Nam Á ít có nước nào có tới 3 trường chuyên Đại học TDTT, có các viện Khoa học TDTT, rồi các trung tâm HLTT quốc gia – tức là chúng ta có đầu tư, nhưng chưa phải đến nơi đến chốn. Chúng ta có chủ trương ứng dụng khoa học vào thể thao, nhập máy móc về, nhưng mà đội ngũ có thể điều khiển, ứng dụng thông thao để hỗ trợ cho quá trình tập luyện không phải là cao. Cho nên là, chúng ta không phải là không được hưởng tác động của khoa học TDTT trong huấn luyện, mà chính xác là chúng ta được hưởng trong cái thế không được chủ động lắm” – ông Hoàng Vĩnh Giang chỉ rõ.

Hội nghị khoa học quốc tế “Phát triển thể thao - tầm nhìn đến Olympic” sẽ diễn ra hết ngày mai (22/11), tiếp tục nghe báo cáo tập trung vào các vấn đề phát triển thể thao hướng đến giành thành tích cao ở các kỳ Olympic sắp tới, cũng như kinh nghiệm của các nước trong việc chuẩn bị cho các kỳ Olympic./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất