Thứ Sáu, 13/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 10/8/2023 16:45'(GMT+7)

Phát triển thị trường hàng hóa xanh ở Việt Nam

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang là một trong những doanh nghiệp đạt chứng nhận nhãn xanh Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang là một trong những doanh nghiệp đạt chứng nhận nhãn xanh Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

TỔNG QUẢN VỀ HÀNG HÓA XANH

Thuật ngữ hàng hóa xanh lần đầu tiên được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra năm 1995. Theo đó, “Hàng hóa xanh là hàng hóa ít gây hại cho môi trường hơn ở một số giai đoạn trong vòng đời hàng hóa hơn các hàng hóa truyền thống; hoặc là các hàng hóa có những đóng góp trong việc bảo tồn môi trường(1). Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) quan niệm, “Hàng hóa xanh là hàng hóa mà quá trình sản xuất ra chúng ngăn chặn, hạn chế, tối thiểu hóa hoặc không gây ra sự hủy hoại môi trường đối với các thành phần môi trường như nước, không khí, đất cũng như các khía cạnh khác liên quan như nước thải, tiếng ồn và hệ sinh thái(2).

Một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng “nhãn xanh” hay “nhãn sinh thái” để gắn cho các loại hàng hóa xanh nhằm phân biệt với các hàng hóa thông thường cùng loại, như nhãn sinh thái Blue Angel do Đức triển khai áp dụng từ năm 1978; nhãn EU Eolabel do Liên minh châu Âu (EU) triển khai áp dụng từ năm 1990; nhãn Eco Mark do Nhật Bản triển khai áp dụng từ năm 1989; nhãn KOECO do Hàn Quốc triển khai áp dụng từ năm 1992; nhãn Green Singapore do Xin-ga-po triển khai áp dụng từ năm 1992...; đến năm 2014, có khoảng 44.051 hàng hóa được dán nhãn sinh thái EU Ecolabel, 10.000 hàng hóa được dán nhãn sinh thái Blue Angel, 9.800 hàng hóa được dán nhãn sinh thái KOECO(3),...

Như vậy có thể quan niệm, hàng hóa xanh là hàng hóa mà quá trình sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ không ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường (hoặc nếu có thì cũng nhẹ hơn so với tác động tới môi trường của các hàng hóa tương tự cùng loại) hay còn được gọi là hàng hóa được dán nhãn hàng hóa xanh; hàng hóa tiết kiệm năng lượng; hàng hóa được sản xuất theo cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM).

Nhìn chung, ít có hàng hóa nào được xem là xanh, thân thiện với môi trường một cách tuyệt đối mà trên thực tế, chỉ tồn tại những hàng hóa xanh một cách tương đối. Một hàng hóa chỉ được coi là hoàn toàn xanh hay thân thiện với môi trường khi và chỉ khi đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn về tính thân thiện với môi trường từ giai đoạn sản xuất (bao gồm nguyên, vật liệu, máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất) cho tới giai đoạn đưa vào tiêu dùng, sử dụng và cuối cùng là giai đoạn thải bỏ sau khi sử dụng. Các tiêu chuẩn để đánh giá tính thân thiện khác nhau ở các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực trên thế giới. Cho nên, khái niệm hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường luôn mang tính chất tương đối. Đặc tính của một loại hàng hóa xanh biểu hiện bằng các đặc trưng, như sử dụng nguyên liệu; công nghệ; bao bì xanh/thân thiện với môi trường.

Các tiêu chí hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường được EU quy định: 1) Có nguồn gốc bền vững (các thành phần của hàng hóa được khai thác theo cách bền vững từ nguồn tài nguyên rừng nhiệt đới, có khả năng thích ứng với các điều kiện của môi trường); 2) Áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; 3) Có hệ thống chế biến, xử lý phù hợp (quy mô phù hợp và tiết kiệm được năng lượng); 4) Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe (không có hợp chất gây ung thư và dễ sử dụng, an toàn cho công nhân khi sản xuất); 5) Hàng hóa sau khi sử dụng có thể tái sử dụng hay tự phân hủy.

Một số tiêu chí được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) quy định phải thỏa mãn, đó là: 1) Nguyên liệu hoặc một phần thành phần nguyên liệu sử dụng trong sản xuất hàng hóa có đóng góp vào việc giảm thiểu tác động môi trường; 2) Khí nhà kính phát ra từ kết quả sử dụng hàng hóa không gây ra tác động môi trường trên diện rộng; 3) Toàn bộ hoặc một phần hàng hóa có thể tái chế hoặc tái sử dụng, do đó, hạn chế được chất thải tạo ra.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA XANH Ở VIỆT NAM

Phát triển thị trường hàng hóa xanh là tập hợp các hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp nhằm tạo ra sự chuyển biến cả về số lượng, chất lượng của nguồn cung hàng hóa xanh, khách hàng tiêu dùng và hoàn thiện hệ thống phân phối để gia tăng việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa xanh, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Phát triển thị trường hàng hóa xanh theo chiều rộng là gia tăng nguồn cung, mở rộng phạm vi địa lý thông qua việc gia tăng mạng lưới các cơ sở bán lẻ, gia tăng số lượng người tiêu dùng thông qua việc vận động mua sắm, tiêu dùng hàng hóa xanh. Về thực chất, đây là quá trình phát triển thị trường về số lượng. Phát triển thị trường hàng hóa xanh theo chiều sâu là việc nâng cao chất lượng và giảm giá thành hàng hóa xanh. Để đưa hàng hóa xanh đến tay người tiêu dùng với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, doanh nghiệp cần hoàn thiện các kênh phân phối. Để phát triển thị trường hàng hóa xanh, doanh nghiệp cần phát triển các yếu tố tạo nên thị trường, như phát triển cung (nguồn hàng), phát triển cầu (tiêu dùng), phát triển hệ thống phân phối, và Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường.

Nguồn cung hàng hóa.

Theo thống kê, khối lượng và chủng loại hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường có mặt trên thị trường ngày càng phong phú, chất lượng từng bước được nâng cao. Danh mục hàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm. Người tiêu dùng ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhóm tiêu dùng có thu nhập cao đã quan tâm, chú trọng sử dụng nhiều hơn các loại hàng hóa xanh. Một số chủng loại, mặt hàng đã tìm được đầu ra ở thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, việc phát triển nguồn cung hàng hóa xanh ở nước ta vẫn còn khá hạn chế. Số lượng hàng hóa xanh đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn ít, tập trung vào một số hàng hóa nhất định. Sự “khiếm khuyết” của thị trường thể hiện trên các mặt sau:

Một là, năng lực sản xuất còn hạn chế. Theo khảo sát năm 2018 cho thấy, chỉ có gần 50% doanh nghiệp cho biết lý do đầu tư sản xuất hàng hóa xanh là để bảo vệ môi trường; 23,3% doanh nghiệp cho biết lý do đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa xanh là để tiết kiệm năng lượng; có tới 89% doanh nghiệp trả lời là không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 36% doanh nghiệp cho biết là nhận được sự ủng hộ của các nhà phân phối đối với hàng hóa xanh(4)

Hai là, số lượng mặt hàng được dán nhãn xanh Việt Nam còn rất hạn chế. Một số hàng hóa xuất hiện trên thị trường mới chỉ ở cấp độ thấp. Trong khi đó, để phát triển sản xuất các loại hàng hóa xanh, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới nguyên liệu, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào, quảng cáo, truyền thông,... Đây sẽ là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xanh trong bối cảnh hiện nay.

Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, có một số nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp không đầu tư vào việc đổi mới công nghệ sản xuất hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường.


Ba là, chủng loại hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài vẫn chiếm ưu thế. Hầu hết các loại hàng hóa xanh sử dụng dài ngày trên thị trường chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập khẩu linh kiện và gia công, lắp ráp tại Việt Nam.

Bốn là, hiện nay, việc áp dụng các công cụ kinh tế trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh chưa đủ mạnh. Đây cũng chính là một trong những hạn chế cần được khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh nói chung cũng như thúc đẩy thị trường hàng hóa xanh ở nước ta nói riêng.

Cầu hàng hóa (tiêu dùng)

Chi phí để sản xuất một đơn vị hàng hóa xanh thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự nên giá thành cao (mức giá trung bình của các hàng hóa xanh thường cao hơn 20 - 40% so với các loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại). Do vậy, khả năng hàng hóa xanh cạnh tranh trên thị trường thấp. Sự phàn nàn của khách hàng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng góp phần làm giảm lòng tin với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, hiện nay, phần đông người tiêu dùng vẫn quan tâm nhiều đến vấn đề chất lượng và mẫu mã, giá bán, ít quan tâm đến tính thân thiện với môi trường của hàng hóa. Các doanh nghiệp đã có nhiều chiến dịch quảng bá, vận động tiêu dùng, nhưng tốc độ cầu hàng hóa xanh tăng chậm. Thời gian qua, mua sắm hàng hóa xanh thường mới hướng vào hàng hóa được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, nông sản hữu cơ,... Theo kết quả trưng cầu của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện với 16.715 người tiêu dùng tham gia bình chọn trực tuyến và trực tiếp, tại 1.764 điểm bán ở 4 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) cho thấy: Đối với nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, 55% người tiêu dùng lựa chọn yếu tố sản phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là hàng đầu; tương tự, nhóm ngành hóa, mỹ phẩm, sản phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn sử dụng cũng được 66% người tiêu dùng chọn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 43% số người được khảo sát lo ngại việc doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, hay sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng để sản xuất; có khoảng 1/3 người tiêu dùng lo ngại quy trình sản xuất không bảo đảm an toàn, vệ sinh hoặc sử dụng chất phụ gia quá hàm lượng cho phép. Đáng chú ý, nỗi lo của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái chiếm vị trí số 1(5).

Khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) đối với người tiêu dùng tại 12 tỉnh, thành phố cho thấy, có 63% số người được hỏi hiểu được tác dụng của việc tiêu dùng hàng hóa xanh; 71,8% người được hỏi đã nghe nói tới, nhưng không biết rõ về hàng hóa xanh. Tuy nhiên, mức độ sẵn lòng chi trả không cao, chỉ có 10% sẵn sàng mua, 37% cho rằng giá cả của hàng hóa xanh đắt hơn so với các hàng hóa cùng loại.

Thói quen và thu nhập là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quyết định sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng. Sử dụng hàng hóa xanh được hầu hết các nhóm khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, đối với các hàng hóa được dán nhãn xanh, sinh thái thì người tiêu dùng có thu nhập cao (trên 11 triệu đồng/tháng) chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Hệ thống phân phối.

Các kênh, hình thức phân phối hàng hóa xanh chưa phát triển. Theo đánh giá của các nhà quản trị, so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa xanh tiêu thụ qua hệ thống chợ chiếm bình quân 0,5%; thông qua mạng lưới các cửa hàng truyền thống khoảng 3%. Các siêu thị, trung tâm thương mại chiếm ưu thế, tương ứng 13% và 9%. Các cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh chiếm khoảng 3,5 đến 5,5%. Ngoài các hình thức trên, một số hình thức tiêu thụ khác, như mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất, dưới dạng hàng xách tay, nhưng khối lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 1%(6).

Các chính sách, biện pháp phát triển thị trường.

Thông qua các đạo luật, chiến lược, chương trình và dự án, nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa xanh đã được triển khai hiệu quả, như khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thúc đẩy đổi mới, áp dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, thực hiện chứng nhận, dán nhãn xanh Việt Nam, nhãn năng lượng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải, hạn chế việc sử dụng bao bì khó phân hủy và thay thế bằng bao bì thân thiện môi trường, từng bước hình thành những thói quen tiêu dùng bền vững,...

Song song với đó, Chương trình nhãn xanh Việt Nam cũng đã cấp chứng nhận nhãn xanh Việt Nam cho 53 hàng hóa của 5 doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn Procter & Gramble, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Jotun Việt Nam, Văn phòng đại diện Fuji Xerox Asia Pacific Pte Ltd, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sơn Jotun Việt Nam). Qua đó, Chương trình góp phần tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, với 13 chủng loại sản phẩm và 6.215 mã sản phẩm được dán nhãn.

Ngoài ra, Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp góp phần hình thành và phát triển mạng lưới các đơn vị đầu mối. Thời gian qua, 36 tỉnh, thành phố có đơn vị đầu mối về sản xuất sạch hơn. Chương trình hỗ trợ xây dựng 60 mô hình sản xuất sạch hơn. Hay, việc sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần đã được triển khai thực hiện tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, còn trong phạm vi hẹp.

Mặc dù thị trường hàng hóa xanh ở nước ta có những bước phát triển đáng ghi nhận, song, sự phát triển này vẫn còn gặp phải những trở ngại nhất định: Hàng hóa xanh có giá cao trong khi mức thu nhập của người dân Việt Nam còn ở mức trung bình và thấp, khó cạnh tranh với các hàng hóa cùng loại. Các chính sách phát triển hàng hóa xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất hàng hóa xanh còn ít, mức độ hỗ trợ thấp. Chính sách hỗ trợ chưa tạo ra được sự chuyển biến đáng kể để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, một mặt, chưa khơi dậy được nguồn vốn đầu tư từ xã hội, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các dự án đổi mới công nghệ; mặt khác, chỉ có hàng hóa được chứng nhận nhãn xanh Việt Nam mới được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi, vì thế, chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. 

Các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, chính sách “Mua sắm công bền vững” đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, mặc dù có quy định, nhưng chậm thực thi do thiếu danh mục, tiêu chuẩn chất lượng của các hàng hóa thuộc danh mục mua sắm. Hơn nữa, ít có chính sách hướng tới phát triển mua sắm công xanh trong ngắn hạn và dài hạn.

Việc lồng ghép nội dung phát triển tiêu dùng xanh trong các chính sách chưa tạo ra động lực khuyến khích, phát triển nhu cầu tiêu dùng xanh. Các chính sách hiện có chủ yếu vẫn hướng vào phát triển nguồn cung, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, chưa có chính sách kích cầu đủ mạnh đối với người tiêu dùng cũng như thuận lợi hóa quá trình lưu thông. Việc thay đổi thói quen, nâng cao nhu cầu tiêu dùng (phát triển kênh phân phối bán buôn, bán lẻ, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm,...) chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động khởi nghiệp đã xuất hiện trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các sáng kiến khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường còn manh mún, thâm nhập thị trường của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa xanh còn hạn chế. Người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về hàng hóa xanh và vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng hàng hóa. Chủng loại hàng hóa chưa đa dạng, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn, chưa được đầu tư dài hạn ở quy mô và phạm vi lớn.

Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các quy định tiêu chuẩn của các quốc gia và tổ chức quốc tế về phương pháp sản xuất, chế biến, bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường, kiểm dịch động, thực vật, yêu cầu về bao bì đóng gói, sử dụng vật tư, năng lượng không gây hại môi trường... Ngoài ra, chuyển đổi sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực và đáp ứng được.

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA XANH Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

Hiện nay, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đề ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Một số quốc gia dự kiến áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu, như thu phí các-bon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu,... Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2022, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ, việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xây dựng, phát triển thương hiệu xanh không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp, mà đã trở thành “luật chơi” mới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong thời gian tới, để phát triển thị trường hàng hóa xanh ở Việt Nam, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, về cơ chế, chính sách vĩ mô.

Nhà nước cần xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, trước hết, cần tập trung vào các hàng hóa mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh, như nhóm hàng hóa có khả năng thay đổi đầu vào là tài nguyên thiên nhiên bằng các nguồn đầu vào tái tạo hay thân thiện khí hậu (ngành tái chế); nhóm các hàng hóa có khả năng áp dụng sản xuất sinh thái (rau, quả an toàn, hữu cơ...); nhóm hàng hóa năng lượng thay thế (năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học).

Các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của doanh nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn nền kinh tế xanh; định ra một thời hạn buộc các doanh nghiệp thực hiện.

Bên cạnh đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung, tương tự như mô hình Cổng dịch vụ công quốc gia. Hành lang pháp lý cần cụ thể và chi tiết hơn để hoạt động xây dựng, ứng dụng được bài bản, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Các chính sách tài chính cần góp phần hướng tới tăng trưởng xanh như mục tiêu đã đề ra; cần sử dụng công cụ thuế, phí để điều tiết và định hướng sản xuất cũng như tiêu dùng (ưu đãi thuế, phí, nguồn lực cho những công nghệ, quy trình sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và ngược lại, áp thuế cao với những công nghệ, quy trình sản xuất lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm).

Nhà nước cần tài trợ cho các nghiên cứu đánh giá tác động chính sách; bổ sung phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; có chính sách trợ cấp cho hoạt động công nghệ xanh, lấy nguồn thu từ nguồn phát thải; công bố danh sách doanh nghiệp gây ô nhiễm quốc gia, vùng, địa phương,...

Để hướng FDI vào kinh tế xanh, cần kiên quyết dừng tiếp nhận các dự án FDI mới vào những ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, gây hiệu ứng nhà kính, không thân thiện với môi trường.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TTXVN)

Về phía các bộ, ngành: Cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động của chương trình nhãn xanh Việt Nam, nhất là về nguồn nhân lực và tài chính. Bộ Công Thương cần rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng hệ thống tiêu chí theo dõi, đánh giá, báo cáo thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bộ Khoa học và Công nghệ cần đẩy mạnh triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-12-2018, nhằm thúc đẩy việc chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; làm đầu mối kết nối cung - cầu, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rút ngắn quá trình tìm hiểu thị trường; tổ chức xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về cung, cầu công nghệ cả ở thị trường trong và ngoài nước. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lồng ghép các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương. Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường.

Bộ Tài chính, một mặt, cần xây dựng danh mục hàng hóa xanh được ưu tiên lựa chọn khi thực hiện dự án đầu tư, mua sắm công. Bổ sung các quy định về ưu tiên cho hàng hóa xanh trong các quy định pháp luật về đấu thầu mua sắm hàng hóa; mặt khác, phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống thuế tiêu dùng xanh, khuyến khích sản xuất, xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa xanh. Khi sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cần bổ sung quy định nguồn thu thuế bảo vệ môi trường được quản lý trong chương mục riêng của ngân sách nhà nước và chỉ dành để đầu tư ngược lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần quy định chi tiết các khoản chi cho bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm cả những khoản chi nhằm khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường và ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ những hàng hóa thân thiện với môi trường. Việc ấn định các mức thuế suất cụ thể trong Luật Thuế bảo vệ môi trường cần dựa trên các căn cứ khoa học nhằm chứng minh các mức thuế suất này được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa. Nghiên cứu kết hợp thuế bảo vệ môi trường vào hệ thống thuế nhập khẩu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và ban hành tiêu chí nhãn xanh Việt Nam cho các loại hàng tiêu dùng phổ biến, thị trường có nhu cầu cao.

Hai là, về tạo lập nguồn cung cho thị trường.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ với lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh: 1) Tổ chức tốt các kênh thông tin về hàng hóa xanh; 2) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm phương pháp quản lý, thực hành các kỹ thuật cụ thể, công nghệ giảm thiểu khí nhà kính...; 3) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ không chỉ dành cho hàng hóa được chứng nhận nhãn xanh Việt Nam, mà cần mở rộng cho các dự án sản xuất hàng hóa xanh, thân thiện môi trường ở nhiều cấp độ khác nhau.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có quy định chi tiết về mức ưu đãi, hỗ trợ mà các đối tượng được hưởng và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết cho các dự án được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chỉ số môi trường tốt được vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch. Triển khai thực thi hiệu quả Nghị quyết số 136/NQ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ về "Phát triển bền vững”; Quyết định số 681/QĐ-TTg, ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030”; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Với những doanh nghiệp đã được thông qua phương án đổi mới công nghệ, sản xuất xanh, nếu vay vốn ngân hàng cần được hỗ trợ từ 50 đến 100% chi phí chi trả lãi suất ngân hàng. Nguồn chi lấy từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, tùy theo quy mô và tính chất của dự án.

Dành một phần thích hợp từ Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Ủy thác tín dụng xanh,... để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ hoặc các dự án đầu tư mới, các dự án áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Xây dựng Quy định cơ chế hỗ trợ về giá, quảng cáo, xúc tiến thương mại đối với các hàng hóa được sản xuất từ các công nghệ xanh.

Các doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực xử lý và tác nghiệp các tình huống kinh doanh... Phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, hiệp hội, với đối tác ngay tại nước nhập khẩu.

Ba là, phát triển hệ thống phân phối.

Tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước, kể cả mua bán, sát nhập để tạo sức mạnh tài chính đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu; liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để ổn định nguồn hàng và thị trường tiêu thụ. Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật (dưới dạng thông tư) quy định các cơ sở bán lẻ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam phải dành một diện tích (khu vực) nhất định cho việc quảng bá, giới thiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Về nguồn cung ứng, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước không dưới 55% trong tổng số danh mục hàng hóa được tiêu thụ qua mạng lưới của mình.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ hàng hóa, qua đó, từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán hàng hóa.

Bốn là, khuyến khích tiêu dùng

Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Hiệp hội bán lẻ và siêu thị, Hội Bảo vệ người tiêu dùng làm đầu mối vận động các đơn vị hội viên nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam tại các trung tâm thương mại và siêu thị, kết hợp với các biện pháp quảng cáo, khuyến mại chân thực. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có mức phát thải cao. Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa có mức phát thải thấp.

Các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của hành vi tiêu dùng xanh đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới để thực hiện trước một số chính sách cần thiết và khả thi, như chính sách mua sắm xanh trong lĩnh vực công; quy hoạch hoạt động tái chế; hình thức xử lý với các nhà phân phối có hành vi vi phạm,... Xây dựng hệ thống thông tin công khai liên quan đến pháp luật, tiêu chuẩn, thủ tục tố tụng hành chính, công nghệ và hàng hóa; ứng dụng thẻ tín dụng xanh./.

PGS. TS. VŨ TRỌNG LÂM
Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

TS. NGUYỄN THANH BÌNH
Học viện Ngân hàng

_________________________  

(1) UNCTAD: Báo cáo về phát triển hàng hóa thân thiện môi trường, 1995.

(2) OECD: Phát triển hàng hóa xanh, thân thiện môi trường trong tiến trình công nghiệp, 1995.

(3) UNCTAD: Báo cáo về triển khai nhãn sinh thái ở một số quốc gia, 2016.

(4) (6) Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương: Thực trạng phát triển thị trường hàng hóa thân thiện môi trường, 2018 .

(5) Xem: Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao: Khảo nghiệm với người tiêu dùng vè hàng hóa lưu thông trên thị trường, 2019 .

(Nguồn: TC Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất