Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 2/4/2024 7:2'(GMT+7)

Phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026 nhằm đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ phù hợp với điều kiện thị trường và nhu cầu triển khai.

Đồng thời, đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp, tập trung ưu tiên huy động vốn nước ngoài cho các dự án lớn, quan trọng có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức trần, ngưỡng cảnh báo được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Quyết định nêu rõ, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 676.057 tỷ đồng. Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ: phát hành trái phiếu Chính phủ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Theo Quyết định, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 1.160 tỷ đồng. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, không phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh trong năm 2024.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2024 do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ.

Quyết định cũng nêu rõ, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 30.619 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ Tài chính nghiên cứu các phương thức huy động vốn vay mới, đảm bảo huy động đủ vốn vay cho đầu tư phát triển, đáp ứng các dự án lớn về hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, cam kết phát thải ròng về 0, chuyển đổi số đồng thời kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ động điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ theo nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách Trung ương với lãi suất phù hợp điều kiện thị trường. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, đảm bảo kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân theo mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cụ thể cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2024 căn cứ quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, Quyết định này và đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn vay và trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt; chủ trì quản lý nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp diễn biến tiêu cực./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất