Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực cao nhất nhằm tạo việc làm cho người lao động ở trong nước, Đảng và Nhà nước ta đưa ra chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài làm việc một cách hợp pháp. Tuy nhiên, với tâm địa xấu xa, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã xuyên tạc chính sách của Nhà nước ta về công tác đưa công dân Việt Nam đi lao động tại nước ngoài.
ÂM MƯU XUYÊN TẠC ĐEN TỐI
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập được
nhiều mối quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những mối quan hệ kinh tế
này là việc hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài. Đây là vấn đề không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn là xu thế chung
của các quốc gia đang phát triển.
Thế nhưng, thời gian gần đây, một số thế lực thù địch, cơ hội chính
trị cố tình rêu rao, xuyên tạc, đơm đặt những chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tổ chức phối hợp đào tạo, đưa
người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những luận điệu xuyên tạc của
các thế lực thù địch hướng đến mục đích gây ra sự phân tâm, lo lắng,
hoài nghi về nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam đối
với người lao động; làm giảm sự nhiệt huyết của người lao động có dự
định ra nước ngoài làm việc và công dân Việt Nam đang lao động ở nước
ngoài; phủ nhận mọi nỗ lực, kết quả của cơ quan chức năng Việt Nam trong
công tác quản lý di cư, bảo hộ công dân và mưu đồ đen tối hơn là nhằm
hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
CHÍNH SÁCH QUAN TÂM, BẢO HỘ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Cách đây 11 năm, Ban Bí thư Trung
ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2012 về “Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên
gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” xác định: Việc đưa người lao
động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết
việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội
nhập quốc tế.
Chủ trương của Nhà nước Việt Nam là không đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài bằng mọi giá, mà phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện để
người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi về nước có vị
trí làm việc phù hợp. Người lao động được tự do lựa chọn hình thức làm
việc phù hợp, không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn. Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện
ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thi hành mọi biện pháp
để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp
luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết hoặc
tham gia, hoặc theo tập quán quốc tế. Khi các quyền và lợi ích chính
đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi
hành mọi biện pháp để khôi phục những quyền và lợi ích chính đáng đó.
Trách nhiệm Nhà nước trong việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù
hợp với pháp luật sở tại, luật pháp và thông lệ quốc tế và pháp luật
Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài được
quy định tại hầu hết văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa
XHCN Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3, Điều 17), Luật Quốc
tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa
XHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (Điều 8 và Điều 9), Luật Người lao
động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020...
Đối với tình huống cần phải bảo hộ công dân thì nhiều biện pháp
nghiệp vụ đã được các cơ quan đại diện chủ động tích cực triển khai,
tiến hành hiệu quả. Trong đó có các hoạt động như: Trao đổi với cơ quan
chức năng nước sở tại tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, học
tập, làm ăn hợp pháp; hỗ trợ, giúp đỡ đối với trường hợp gặp khó khăn;
vận động hội đoàn người Việt Nam hỗ trợ tích cực cho công tác bảo hộ
công dân; cử cán bộ tham dự các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho người
lao động và yêu cầu phía người sử dụng lao động, công ty bảo hiểm bồi
thường cho công dân khi gặp tai nạn lao động; đưa tin khuyến cáo công
dân và cử cán bộ trực điện thoại đường dây nóng 24/7 kịp thời hỗ trợ
trong những tình huống khủng hoảng.
Những năm qua, Việt Nam từng tổ chức nhiều phương án, biện pháp thiết
thực trợ giúp đồng bào ở nước ngoài trước những tình thế khó khăn, trở
ngại, như: Vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông
các năm 2005, 2007; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng
hoảng chính trị năm 2008; đưa hành khách ra khỏi châu Âu do
núi lửa phun trào năm 2010; lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở
Libya năm 2011 và 2014... Gần đây, để bảo đảm cho người lao động không
bị sập bẫy chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, các cơ quan thực thi
pháp luật Việt Nam đã tích cực đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa
đảo lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng công an, Bộ đội Biên
phòng Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn
250 trường hợp người lao động bị lừa sang Campuchia lao động trái phép.
GÓP PHẦN MANG LẠI LỢI ÍCH QUỐC GIA VÀ GIÁ TRỊ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu được
thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chính sách này góp phần mang
lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và mang lại nhiều giá trị thiết thực
cho chính người lao động. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động ở
vùng khó khăn như nông thôn, miền núi và ven biển. Bên cạnh đó, chính
sách thiết thực này còn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước,
góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời cũng là điều
kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 10 năm qua (2012-2022),
mỗi năm Việt Nam đã giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6
triệu lao động trong và ngoài nước, số lao động ngoài nước giải quyết
được khoảng 10% số này. Riêng năm 2022 đã giải quyết khoảng 80.000 người
lao động ra nước ngoài. Mỗi năm bình quân người lao động và chuyên gia
gửi về nước với số tiền ước tính khoảng 10 tỷ USD.
Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được nâng cao trình
độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp thu những công nghệ tiên tiến,
tác phong làm việc công nghiệp, hình thành nên đội ngũ lao động có trình
độ tay nghề, chuyên môn cao. Sau khi kết thúc hợp đồng lao động có thể
đạt được tối thiểu bậc thợ trung bình, phần lớn trong số họ có tay nghề
vững vàng, đây là điều kiện để đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ những kết quả, lợi ích thiết thực nêu trên, càng thêm khẳng định
những nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và những
tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động đưa công dân Việt Nam đi lao
động ở nước ngoài. Đây cũng là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai
trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch phủ nhận chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc, lao động ở nước ngoài./.
Đại úy CHU XUÂN ĐẠI THẮNG
Khoa Lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường Sĩ quan Lục quân 2
(Nguồn: qdnd.vn)