Ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu có chuyến thăm 4 ngày tới một số nước châu Âu. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đông- Tây căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một phép thử mới của mối quan hệ đồng minh Mỹ và châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.
Mặc dù đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng diễn ra trong bối cảnh bất đồng gia tăng giữa Nga với Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, chuyến thăm này sẽ là một cơ hội để Tổng thống Mỹ Obama thuyết phục châu Âu thể hiện sự thống nhất trong biện pháp gây sức ép với Nga. Đều có những tuyên bố mạnh mẽ nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng rõ ràng ông Obama phải đối mặt với một Liên minh châu Âu vẫn còn “ rụt rè” trong các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga- một trong những đối tác thương mại lớn nhất của khối.
Liên minh châu Âu tuần này đã mở rộng danh sách trừng phạt thêm 12 quan chức Nga, nâng tổng số 33 quan chức Nga phải đối mặt với trừng phạt. Tuy nhiên, không giống Mỹ, Liên minh châu Âu không mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời khẳng định sẽ chỉ xem xét trừng phạt kinh tế với Nga khi căng thẳng tại Ukraine tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, Mỹ đã tuyên bố vòng trừng phạt thứ 2 nhằm vào các quan chức Nga và Ngân hàng Rossiya, cảnh báo các biện pháp trừng phạt xa hơn nhằm vào nền kinh tế Nga, bao gồm ngành năng lượng. Theo chuyên gia phân tích chính trị Xavier Follebouckt thuộc trường đại học Leuven tại Bỉ, biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu rất giới hạn và tác động của nó chỉ mang tính tượng trưng. Một quan chức châu Âu khẳng định, châu Âu không tham gia cuộc đua với Mỹ gây sức ép với Nga. Thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận “Châu Âu và Mỹ có cách tiếp cận khác nhau trong các biện pháp trừng phạt. Liên minh châu Âu tập trung nhiều hơn vào mục tiêu, liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Crimea”. Trong khi Tổng thống Pháp France Hollande nhấn mạnh, các nước châu Âu đang thận trọng với từng bước đi của mình.
“Tất cả chúng tôi đang rất thận trọng. Cả 28 nước thành viên thống nhất một quyết định- điều đó không dễ dàng gì. Chúng tôi phải đưa ra các quyết định sáng suốt nhưng điều đó cần phải có thời gian. Tổng thống Nga cần phải hiểu rằng, cánh cửa đối thoại vẫn để mở nhưng chúng tôi muốn chấm dứt sự leo thang căng thẳng này. Tôi đang nghĩ về cuộc chiến tranh lạnh - cuộc chiến mà không thể kết thúc mà không kèm theo những hậu quả, đặc biệt là những hậu quả kinh tế”, ông Hollande nói.
Thực tế thách thức của Mỹ trong việc tìm kiếm một mặt trận thống nhất với Liên minh châu Âu không chỉ là vấn đề lợi ích kinh tế, mà chính cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đang làm “chìm đi” những cơn sóng ngầm trong mối quan hệ đồng minh Mỹ và Liên minh châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merken vẫn “chưa nguôi cơn giận” sau vụ tiết lộ về các hoạt động giám sát của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đối với châu Âu. Đặc biệt, những đánh giá về khả năng của Liên minh châu Âu trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nulan gần đây càng làm chia cách thêm mối quan hệ với châu Âu mà Mỹ đang cố cải thiện sau bê bối nghe lén của mình.
Một chuyên gia phân tích vấn đề châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế Heather Conley cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm chìm đi “sự tức giận” của châu Âu với Mỹ sau bê bối nghe lén, nhưng nó không thể gạt bỏ hoàn toàn sự nghi kị lẫn nhau giữa các đồng minh.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, vấn đề Ukraine đã quá nghiêm trọng và các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cố gắng không để những bất đồng này tác động đến các cuộc thảo luận với Tổng thống Obama trong chuyến thăm. Mỹ và Liên minh châu Âu có thể đưa ra những cách tiếp cận khác nhau trong cách đối phó với Nga nhưng hai bên sẽ đạt được sự đồng thuận chung trong việc hỗ trợ Ukraine vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng hơn khi không có sự trợ giúp từ Nga./.
Theo VOVnews