Cùng dự phiên giải trình có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực,
Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường
trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Về phía cơ quan giải trình có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh
Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường Lê Minh Ngân cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan và
các địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Cư trú năm
2020 đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực
thi hành từ ngày 1/7/2021.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 38 của Luật Cư trú,
Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan có trách
nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành
có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu
cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về
nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhằm phục vụ hoạt động giải trình, Ủy ban Pháp luật đã ban hành Kế
hoạch tổ chức Phiên giải trình chi tiết, xây dựng đề cương yêu cầu Bộ
Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo.
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Đoàn công tác để khảo sát, làm
việc trực tiếp tại Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường
và 4 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái
Nguyên.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, thông qua hoạt động giải trình, Ủy ban
Pháp luật sẽ có cơ sở xem xét, đánh giá tình hình thực hiện quy định của
pháp luật về cư trú trong việc hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài
liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện
để thực hiện thủ tục hành chính trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông
tin, vận hành các Cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành kết nối với Cơ sở
dữ liệu quốc gia dân cư; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Từ đó, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan và kiến nghị biện pháp
để khắc phục các bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực
hiện pháp luật về cư trú, góp phần đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục
hành chính, giấy tờ của công dân, tổ chức khi giải quyết công việc, nhất
là trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm
quyền tự do cư trú và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân ngày
càng tốt hơn.
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo các Bộ Công an,
Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo. Theo đó, để triển khai
có hiệu quả các quy định của Luật Cư trú năm 2020, nhất là nội dung
liên quan đến việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất
trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi
cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Công an đã triển
khai đồng bộ các nội dung.
Bộ Công an đã tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (trong đó, dữ liệu đã được “làm sạch” hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chíp.
Cùng với đó, chính thức đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 và đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông
tin với các Cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành để phục vụ giải quyết các
thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân.
Theo Bộ Công an, để thực hiện hiệu quả, thống nhất yêu cầu của Luật
Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử
dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành
chính, giao dịch dân sự thì điều kiện “tiên quyết” phải hoàn thành 2
nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung
quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình
giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành
mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020, hạn chế việc sử
dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành
chính.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành,
hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin để phối hợp
với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai
thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải
quyết các thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn
Khánh Ngọc, đơn vị này đã chủ động xây dựng và hướng dẫn Ủy ban nhân dân
các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tái cấu trúc quy trình thực
hiện trực tuyến 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch:
Đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử theo hướng cho phép sử dụng dữ liệu
công dân bao gồm dữ liệu về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về quốc gia về
dân cư thay thế việc nộp/xuất trình thành phần hồ sơ là giấy tờ chứng
minh nơi cư trú.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai
thực hiện đăng ký khai sinh trực tuyến, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương đã triển khai thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến, 55/63
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện đăng ký
khai tử trực tuyến.
Đối với các thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc nộp Sổ hộ khẩu,
Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đã
được rà soát, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu
rõ, Bộ đã có phương án xử lý nhằm hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu
xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú khi người sử dụng
đất thực hiện thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Luật Cư
trú, bảo đảm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên giải trình, các đại biểu nêu một số băn khoăn về việc rà
soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về
giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú;
về chất lượng dữ liệu, công tác số hóa dữ liệu.
Một số đại biểu cho rằng, tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông
tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu điện tử
chuyên ngành còn chậm; việc kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc cấp căn cước công dân chưa được hoàn thành, tỷ lệ
người dân sử dụng ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử
còn rất thấp…
Trước thời điểm Sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực vào 1/1/2023 đang rất
gần, các đại biểu đề nghị trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả
đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các cơ quan trong phạm
vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương, tích
cực cùng phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc./.
TTXVN