Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; Dự thảo quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025; rà soát các quy định của luật, pháp lệnh đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 để có điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình và một số nội dung quan trọng khác.
Báo cáo tại phiên họp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đã chủ động nắm chắc tình hình, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.
Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%); lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%... Tuy nhiên, dự báo kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, khó lường.
Về tình hình dịch COVID-19, đến nay đã ghi nhận 16.507 ca mắc, trong đó 14.717 ca trong nước, 7.715 người khỏi bệnh, ra viện và 80 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ 27/4 đến nay ghi nhận 13.655 ca, trong đó 13.147 ca trong nước, 4.791 người đã khỏi bệnh, 45 ca tử vong. Trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát; 14/50 tỉnh, thành phố có dịch đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát. Dịch COVID-19 dã được kiểm soát tốt tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp liên tục gia tăng số mắc tại cộng đồng. Một số nơi người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các tỉnh như Phú Yên, Quảng Ngãi đã có nhiều nguồn lây từ các khu vực đang có dịch do mật độ giao thương cao.
Chính phủ nhận định, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài; sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng, trong các khu công nghiệp, tập trung đông người và có thể lây lan thành ổ dịch lớn hơn. Khi dịch bệnh kéo dài sẽ tác động lớn đến sự phát triền của kinh tế - xã hội, có thể gây gián đoạn các chuỗi cung ứng; giao thông, du lịch tiếp tục bị đình trệ; các vấn đề an sinh xã hội bị ảnh hưởng. Do đó, để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích những kết quả, thành tựu và cả những hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thời gian vừa qua; rút ra những bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, với những khó khăn, thuận lợi, thách thức; xây dựng các kịch bản, bàn các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, 6 tháng đầu năm 2021, tình hình trong nước có nhiều đặc thù như tình hình dịch COVID-19 bùng phát với mức độ nhanh, mạnh, nguy hiểm, trong khi đất nước có nhiều sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, Chính phủ đã bám sát nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu Quốc hội giao; tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng suốt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng khẳng định, dịch COVID-19 đang được kiểm soát; một số ổ dịch được ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi; cuộc sống người dân, hoạt động các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp dần trở lại bình thường. Mặc dù phải ứng phó và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng cao, giải ngân vốn đạt cao, các số liệu thống kê kinh tế-xã hội cho thấy kết quả tốt, được các định chế tài chính quốc tế đánh giá tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, CPI thấp nhất nhiều năm qua; thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định; thu ngân sách tăng khá; tăng trưởng GDP đạt cao; xuất khẩu tăng; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; một số cơ sở dữ liệu lớn như cơ sở dữ liệu dân cư đã hoàn thành; thương mại điện tử phát triển mạnh; môi trường sống được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh và tăng cường, đặc biệt là ngoại giao vaccine được thực hiện tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự đồng hành vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ và đạt được kết quả như trên, đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như y tế, công an, quân đội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong thời gian qua cần khắc phục, giải quyết như: Dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều, tăng trưởng thấp; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics cao do hệ thống giao thông bất cập; một bộ phận người lao động đang bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế, yếu kém; phân tích bài học kinh nghiệm và cả những thành công và hạn chế. Trong đó, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Bài học kinh nghiệm là phải biết chọn lọc, kế thừa, phát huy thành tựu, thành quả của thời kỳ trước; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và đại hội đảng các cấp, nhiệm vụ Quốc hội giao, đặc biệt là các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để căn cứ tình hình thực tế chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, vừa thực hiện chỉ đạo của cấp trên, phát huy sự chủ động sáng tạo thích ứng của cấp dưới; tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là liên quan cơ chế, chính sách; tích cực chủ động tìm ra nguồn lực mới…
Về tình hình trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự báo tình hình có cả thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn; phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đúng chỉ đạo của Đảng, phát huy tự lập tự cường vươn lên. Trên tinh thần biến không thành có, biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ, không trông chờ ỷ lại, phấn đấu cao nhất hoàn thành mục tiêu đề ta.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giữ nguyên hai kịch bản là tăng trưởng 6% hoặc 6,5%. Nhưng dù kịch bản nào thì cũng phải cố gắng rất nhiều, với quan điểm là kiên trì thực hiện mục tiêu kép, không máy móc, không cứng nhắc, phải căn cứ tình hình thực tế của mỗi ngành, đơn vị, địa phương, thời điểm cụ thể và lựa chọn ưu tiên phù hợp, cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng định hướng thực hiện hài hoà, hợp lý giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá với các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện thành công chiến lược vaccine; đẩy mạnh hơn nữa ba đột phá chiến lược, nhất là về thể chế, đầu tư cho hạ tầng chiến lược, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy các thị trường xuất khẩu đa dạng, phong phú hơn; xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam; phát huy lợi thế các FTA, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, hạn chế nhập siêu; kích cầu nội địa, phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm an ninh năng lượng; đổi mới mạnh mẽ, giảm chi phí vận tải, phải phát triển hạ tầng đồng bộ; có cơ chế huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về vốn; giải quyết dứt điểm các việc tồn đọng, chương trình, dự án còn tồn đọng; có kế hoạch, chương trình chuyển đổi số theo ưu tiên...
Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục các biện pháp giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng; tăng cường ngoại giao vaccine; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí, sách nhiễu; thúc đẩy cải cách hành chính, có các cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ, thực hiện; khôi phục lại việc làm ở những nơi có việc, không để đứt gãy thị trường lao động, nhất là có phương án bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh ở khu công nghiệp như vừa qua; bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, đúng luật, hiệu quả để kết thúc năm học 2020-2021 thắng lợi…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Quốc hội giao, trước mắt là thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Phạm Tiếp (TTXVN)