Thứ Bảy, 21/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 30/6/2016 12:33'(GMT+7)

Phổ biến sâu rộng Luật Trưng cầu ý dân

Ông Phạm Văn A, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận cho biết, Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 Điều, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2016. Xét góc độ pháp lý, trưng cầu ý dân là một trong những cách thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể, đây chính là hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. 

Trưng cầu ý dân phản ánh đúng thực chất ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời để phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân và công dân cần đề cao vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân của mình; cần tìm hiểu kỹ về vấn đề được trưng cầu ý dân để đưa ra những ý kiến có giá trị; tham gia đóng góp ý kiến với một tinh thần, thái độ hết sức khách quan, công tâm; biết đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Đặc biệt không dựa vào việc trưng cầu ý dân để tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, cản trở cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn. Bên cạnh đó không lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân… 

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Luật Trưng cầu ý dân là một trong những bộ Luật rất quan trọng, cần được triển khai một cách sâu rộng trong toàn thể các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Qua đó để mọi công dân hiểu, biết được vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình trong thực thi Luật Trưng cầu dân ý, đúng với Hiến pháp quy định, tránh trường hợp sai phạm, vi phạm xảy ra./. 

Công Thử/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất