Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 13/3/2018 14:40'(GMT+7)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghề công tác xã hội

Ghi nhận những thành tích của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch nước đánh giá: Hiệp hội là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp các lực lượng xã hội, góp sức thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực thi pháp luật và chính sách trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Trong thời gian qua, hoạt động của Hiệp hội đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nghề công tác xã hội, hợp tác quốc tế, phát triển tổ chức, hội viên… 

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Giáo dục nghề nghiệp giữ vị trí quan trọng trong đào tạo, cung ứng nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Hiệp hội cần tập hợp trí tuệ, nghiên cứu, tham gia xây dựng, phản biện chính sách, vận động hội viên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình… 

Lĩnh vực công tác xã hội có vai trò lớn trong thực hiện bình đẳng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xã hội, đặt ngang tầm với phát triển kinh tế. Hiện nay, môi trường kinh tế - xã hội thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng đa dạng, phức tạp, sâu rộng; trong khi đó khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội chưa hoàn chỉnh, đồng bộ. Phó Chủ tịch nước cho rằng, đứng trước những thách thức, khó khăn hiện nay, Hiệp hội cần có nhận thức và cách tiếp cận mới. Luật pháp, cơ chế, chính sách về nghề công tác xã hội cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. 

Khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ tác động thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của Hiệp hội như: Pháp luật về Hội, Luật về nghề công tác xã hội…, Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới Hiệp hội cần tiếp tục tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện về chủ trương, pháp luật, chính xác trong lĩnh vực lao động, việc làm, người có công, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội, xuất khẩu lao động… nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy tốt trí tuệ, tư duy sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn và sự tham gia của đông đảo hội viên. Phó Chủ tịch nước mong muốn Hiệp hội tích cực cập nhật nhu cầu xã hội để đối tượng đào tạo có việc làm ổn định, thu nhập cao, khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng cơ hội học hỏi kinh nghiệm về đào tạo nghề. 

Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, đặc biệt là huy động hội viên tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành. Những ý kiến đóng góp của Hiệp hội, hội viên được các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan tiếp thu và đánh giá cao./. 

Hiền Hạnh/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất