Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 29/9/2008 16:14'(GMT+7)

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta có đủ thực lực để ổn định kinh tế vĩ mô

 “Việt Nam đã bước đầu hội nhập. Vì thế, khi kinh tế thế giới có “hắt hơi” thì mình cũng không tránh khỏi “sổ mũi”. Hơn nữa, việc giá cả leo thang cũng dễ dẫn đến lạm phát. Vấn đề là chúng ta có giải pháp nâng cao “sức đề kháng” để vượt qua “căn bệnh” này. Sau phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), một phiên họp đã đề cập việc xây dựng những dự án Luật, Pháp lệnh nhằm “nối dài” cánh tay chống lạm phát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí về chủ đề nóng bỏng này…

* Xin Phó Chủ tịch cho biết những bài học kinh nghiệm bước đầu được rút ra từ những nỗ lực chống lạm phát vừa qua?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Nhìn cả một quá trình, trong phạm vi toàn cầu, nếu chỉ số giá tiêu dùng lạm phát trên dưới 3% là bình thường, 5% là phải lưu ý, trên 5% là phải có dự báo, chủ động đưa ra các giải pháp để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với tình hình bất thường ở nước ta từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008, trên cơ sở chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phương hướng của Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát. Đến nay, thời gian thực hiện tuy ngắn nhưng các nhóm giải pháp này đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Chúng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn là: Thứ nhất, thường xuyên cập nhật tình hình, nắm sát tín hiệu thị trường để có sự điều chỉnh kịp thời.

Thứ hai, dù có vận hành và thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý nền kinh tế thì trong những điều kiện không bình thường vẫn phải có sự can thiệp của Nhà nước, kết hợp cả những biện pháp hành chính, kinh tế. Nếu cứng nhắc trong việc thực hiện nguyên tắc thị trường thì sẽ khó đạt được kết quả bước đầu như thời gian vừa qua.

Thứ ba, phải làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi tầng lớp, tổ chức hiểu và đồng lòng, quyết tâm, chia sẻ với Nhà nước trong nỗ lực chống lạm phát.

Thứ tư, đặt lợi ích của Nhà nước và nhân dân lên cao nhất. Mọi hành vi tạo nên sự bất thường của thị trường như tung tin đồn nhảm, đầu cơ tích trữ, thổi phồng một cách quá mức các khó khăn thì phải xử lý nghiêm.

Thứ năm, coi trọng công tác dự báo. Dự báo cả tình hình khu vực và thế giới, phải có tầm nhìn xa để vừa có giải pháp trước mắt giải quyết tình thế, vừa có giải pháp căn cơ cho lâu dài.

Thứ sáu, kết thúc một năm hoặc một giai đoạn, cần có đánh giá thấu đáo thực chất, khách quan cả mặt tốt và chưa tốt về tình hình, để chủ động rút ra bài học, kịp thời ngăn ngừa những hậu quả bất lợi sau này. Cuối năm 2007, chúng ta chưa thấy hết được những gì diễn ra tích tụ trước đó. Vì thế mà cuối năm 2007 và đầu năm 2008 xuất hiện một số tình huống khi xử lý có phần lúng túng.

Thông qua hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát, nghiên cứu, khảo sát để kịp thời phát hiện tình hình không bình thường, trao đổi sớm với các cơ quan liên quan của Chính phủ thì sẽ rất hiệu quả.

* Vậy trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ có những giải pháp cũng như điều chỉnh về chỉ tiêu kinh tế như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, với khối lượng công việc lớn, bao gồm đánh giá hoạt động cả năm của các cơ quan, cá nhân do Quốc hội bầu ra và giao trọng trách. Khi đó, qua đánh giá trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, chúng ta sẽ đúc kết được những bài học kinh nghiệm và phương hướng, mục tiêu sắp tới.

Quốc hội sẽ có những điều chỉnh trong xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp năm 2009 cho phù hợp với tình hình thực tế đã được cải thiện. Phấn đấu đưa tình hình cơ bản trở lại ổn định trước năm 2010. Xét về trung hạn và dài hạn, chúng ta vẫn có điều kiện, tiềm năng, thực lực và môi trường để phát triển đi lên theo đường lối đổi mới của Đảng.

Năm 2009 vẫn tiếp tục mục tiêu tổng quát đã được điều chỉnh của năm 2008 nhưng có hướng xử lý hài hoà hơn giữa các mục tiêu cụ thể. Ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng giữa kiềm chế lạm phát và đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế ở mức hợp lý sẽ phải hài hoà với nhau. Tuỳ từng khâu, từng lĩnh vực sẽ từng bước cởi mở hơn với liều lượng khác nhau, không đánh đồng.

Bởi nếu đạt được mục tiêu giảm lạm phát, nhưng tốc độ phát triển kinh tế giảm xuống quá thấp, đồng nghĩa với việc thu hẹp sản xuất, dẫn đến giảm việc làm, giảm thu nhập, đời sống đông đảo người lao động sẽ khó khăn.

Cũng phải thấy rằng, những chỉ tiêu kinh tế trong kinh tế thị trường định hướng XHCN mang tính định hướng nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng phải chọn một giới hạn cụ thể để tính toán, xác định các chỉ tiêu giá trị, ví dụ thu ngân sách Nhà nước chẳng hạn. Ví dụ khi xác định nguồn thu từ dầu thô để cân đối ngân sách Nhà nước, chúng ta tính 80 USD/thùng, thực tế bán được 85 USD/thùng thì phần thu đó sẽ được bổ sung một phần cho dự phòng ngân sách, bổ sung một phần cho đầu tư phát triển.

* Thưa Phó Chủ tịch, có những ý kiến cho rằng cần ban hành sớm các đạo luật liên quan đến chống lạm phát?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Có lẽ chưa thấy nước nào có đạo luật riêng điều chỉnh về chống lạm phát. Bởi vì lạm phát chỉ là nhất thời, trong một giai đoạn nhất định và ở mỗi nước, mỗi thời kỳ lạm phát khác nhau. Lạm phát chỉ xuất hiện trong một điều kiện không bình thường, vào một thời gian ngắn, mà luật thì điều chỉnh trong một thời gian dài. Để chống lạm phát chỉ áp dụng hệ thống các biện pháp về kinh tế, hành chính.

Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đã có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh hoặc xây dựng mới một số đạo luật như: Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật giám sát an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các ý kiến còn rất khác nhau nên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và trong toàn khóa Quốc hội khoá XII, Chính phủ muốn giãn tiến độ một số luật này, nhưng một số cơ quan của Quốc hội lại muốn đẩy nhanh lên, hoặc có luật muốn giãn tiến độ, có luật muốn đẩy nhanh. Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới.

Riêng ý kiến cá nhân tôi cho rằng, trong điều kiện không thể đẩy nhanh tiến độ cả 4 dự án Luật nói trên thì cũng nên xem xét sớm hai dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hệ thống ngân hàng.

Đại bộ phận nhân dân có chút tiền tích luỹ thường chọn cách gửi vào ngân hàng. Nếu không có luật về bảo hiểm tiền gửi thì người dân dễ bị thiệt. Bên cạnh đó, rủi ro trong hệ thống ngân hàng khác với rủi ro trong những lĩnh vực khác. Nếu có được các quy định pháp lý về giám sát để quản lý chặt chẽ các hoạt động ngân hàng thì sẽ có lợi hơn cho ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội.

- Xin cảm ơn ông!./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất