Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 10/7/2013 22:10'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang. Ảnh VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang. Ảnh VGP/Lê Sơn

Chiều 10/7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang về tình hình phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Hà Giang là tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn. Với 11 huyện, thành phố thuộc tỉnh thì có đến 6 huyện đặc biệt khó khăn theo chương trình 30a của Chính phủ, 120 xã đặc biệt khó khăn. Dân số là 76 vạn người nhưng đến cuối năm 2012 vẫn còn đến 30,06% hộ nghèo. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh, đây là những khó khăn rất lớn và thách thức không nhỏ của lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhằm đề ra các chính sách, giải pháp để đưa tỉnh dần thoát nghèo.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang đã tiến hành đánh giá lại nền sản xuất nông lâm nghiệp, chỉ ra các lợi thế so sánh để tìm hướng đi cho nền nông nghiệp địa phương. Ông Triệu Tài Vinh cho biết, đã tìm thấy lợi thế phát triển nông nghiệp từ cây dược liệu với các hoạt chất rất cao so với các tỉnh khác. Bên cạnh đó là phát triển cây cam, cây chè, đậu tương, thâm canh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi đại gia súc…

Về hướng đi lâu dài cho nông dân, Bí thư Triệu Tài Vinh tiếp tục khẳng định, việc trồng cây cao su vẫn là hướng đi đúng cho người dân nơi đây.

Nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của Hà Giang, hiện HĐND tỉnh chuẩn bị phê chuẩn đề án đào tạo con em đồng bào dân tộc và nhận về công tác tại tỉnh... Đối với cán bộ quy hoạch của tỉnh, tỉnh đã liên kết đào tạo thạc sỹ, nghiên cứu sinh cho cán bộ cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ kế cận cho nhiệm kỳ tới đây.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh trật tự cho bà con vùng biên giới, tại Kỳ họp tới đây HĐND tỉnh sẽ xem xét, biểu quyết tăng thêm số lượng công an viên cho các địa bàn trọng điểm, giữ vững an ninh biên giới.

Mặt khác, Hà Giang tiếp tục quan tâm chỉ đạo lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về xoá đói giảm nghèo, chính sách trợ giúp người nghèo. Tiếp tục đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Bảo đảm công tác an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, đối tượng chính sách.

Góp ý với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, cần chú trọng hướng ra cho nông nghiệp và quy hoạch lại khu cao nguyên đá một cách đồng bộ, nhất là đối với 4 huyện vùng cao núi đá là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Hiện khách du lịch tăng mạnh với 240 ngàn lượt, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thắng khuyến nghị lãnh đạo tỉnh cần quan tâm cùng các Bộ, ngành đầu tư cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc cũng như nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng cao. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Hà Giang lập 99 hồ chứa nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao nói trên.

Về an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, Hà Giang cần tập trung đầu tư nguồn lực cho một số chương trình, mục tiêu có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tránh hiện tượng dàn trải, hiệu quả không cao như hỗ trợ người dân vay vốn đi lao động có hợp đồng tại nước ngoài, tạo việc làm cho lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số… Với điều kiện khó khăn tự nhiên hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đồng tình với việc cần có chính sách đặc thù để Hà Giang phát triển, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh phải đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo. Bảo đảm đoàn kết dân tộc, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc.

Đồng thời, nhân rộng các mô hình tốt trồng dược liệu, cây chè, cam để nhân dân sản xuất thoát nghèo. Xây dựng và phát huy các bản sắc dân tộc thiểu số, không để mai một các giá trị văn hoá tinh thần của các dân tộc anh em trên địa bàn. Quan tâm hơn nữa đến hệ thống chính trị cơ sở và cán bộ địa phương với các chính sách thiết thực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Hà Giang, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lê Sơn (Chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất