Việc vận dụng một số chủ trương, chính sách, áp dụng quy định pháp luật
về phòng, chống tham nhũng chưa sát với thực tiễn, thiếu hiệu quả.
Ngày 9/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng – Thực trạng và giải pháp".
Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu. Thể chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng được xây dựng, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác này. Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm sát tòa án có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn. Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử với số lượng lớn, bình quân mỗi năm khởi tố 282 vụ/600 bị can... Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều vụ tồn đọng đã được xử lý dứt điểm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thông qua việc xử lý các vụ việc tham nhũng đã giúp các cấp, các ngành phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, từ đó bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa ra những giải pháp phòng ngừa phù hợp hơn, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong phòng, chống tham nhũng...
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc vận dụng một số chủ trương, chính sách, áp dụng quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa sát với thực tiễn, thiếu hiệu quả. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, chưa phối hợp đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thông tin chưa đầy đủ, kịp thời, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền suy thoái đạo đức, lối sống với hình thức, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, gây bức xúc xã hội...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề đang đặt ra trong phát hiện hành vi tham nhũng trong quản lý nhà nước; việc phát hiện tham nhũng trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; công tác xử lý các hành vi tham nhũng; thực trạng việc thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng; hoạt động giám sát việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng...
Các đại biểu nhấn mạnh: Việc phòng, chống có hiệu quả nạn tham nhũng là đòi hỏi cấp thiết. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, các đại biểu cho rằng cần phát huy tối đa vai trò của các cơ quan nhà nước cũng như xã hội, thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng là một biện pháp then chốt, cơ bản... Nhiều đại biểu kiến nghị cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có biện pháp bảo vệ an toàn, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng.../.
Phúc Hằng (TTXVN)