Ngoài thúc đẩy thương mại, vấn đề an ninh trong khu vực sẽ là chủ đề chính trong chuyến công du châu Á của ông Biden.
Ngày 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden
đã có mặt ở Nhật Bản - khởi đầu cho chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á bao
gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng
thẳng leo thang trong khu vực trước việc Trung Quốc đơn phương thiết
lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Chính vì lẽ
đó, chuyến thăm Đông Bắc Á lần này của ông Biden được kì vọng sẽ giúp
giảm căng thẳng, đồng thời khẳng định trọng tâm chiến lược của Mỹ tại
khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trước thềm chuyến thăm, Cố vấn an ninh
quốc gia Mỹ Susan Rice khẳng định:“ Tái cân bằng hướng đến khu vực châu Á
Thái Bình Dương vẫn là một nền tảng trong chính sách ngoại giao của
chính quyền Tổng thống Obama”.
Mục tiêu kinh tế hàng đầu của Mỹ trong
khu vực đó là hoàn thành các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác Xuyên
Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, trong chuyến thăm tới Nhật Bản lần này,
ông Biden sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về TPP đang bị đình trệ.
Gần đây, các cuộc đàm phán này đang lâm
vào bế tắc khi Mỹ và Nhật Bản chưa nhất trí về nhiều vấn đề, đặc biệt là
trong cách đánh thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp. Chuyến thăm cũng
diễn ra ngay trước thềm cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước tham gia đàm
phán TPP diễn ra từ 7-10/12 tại Singapore.
Chuyến thăm tới 3 nước Đông Bắc Á của
ông Biden còn nhằm mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế thương
mại với Trung Quốc cũng như tiếp tục nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán 6
bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc thông báo
thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) bao gồm cả không phận nhóm
đảo tranh chấp Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku ở
vùng biển Hoa Đông đang phủ bóng lên các chương trình nghị sự đặt ra
trước đó.
Giới chức Nhà Trắng cho biết, trong
chuyến thăm lần này ông Biden sẽ trực tiếp nêu ra các quan ngại của Mỹ
liên quan tới Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa thiết lập,
qua đó tìm cách giảm những căng thẳng, kêu gọi các bên kiềm chế để tránh
xảy ra những tính toán sai lầm.
Ngày 2/12, Nhật Bản lên tiếng khẳng định
rằng, cả Mỹ và Nhật Bản đều phản đối động thái của Trung Quốc, bất chấp
thực tế rằng 3 hãng hàng không của Mỹ, theo lời khuyên của Nhà Trắng,
đã tiến hành thông báo cho giới hữu trách Trung Quốc về kế hoạch và lộ
trình các chuyến bay khi bay qua "vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ).
Chánh văn phòng Nội các Nhật
Bản Yoshihide Suga nhắc lại lập trường của Nhật Bản, đồng thời cũng bày
tỏ hi vọng Mỹ sẽ thực hiện điều này, ông Suga nói: “Chúng tôi chắc chắn
rằng, Chính phủ Mỹ không đề nghị các máy bay dân sự báo cáo các kế hoạch
bay tới Trung Quốc, theo vùng nhận diện phòng không mới mà Trung Quốc
vừa thiết lập. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Phó Tổng
thống Mỹ Joe Biden đang ở thăm Nhật Bản về vấn đề này”.
Nhà Trắng trước đó cũng nhấn mạnh, việc
đề nghị các hãng hàng không của Mỹ thông báo cho nhà chức trách Trung
Quốc về kế hoạch và lộ trình các chuyến bay không có nghĩa là chính phủ
Mỹ chấp nhận “vùng nhận dạng phòng không" của Trung Quốc.
Báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết, Mỹ và
Nhật Bản dự kiến ra một tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật
Bản Shinzo Abe và ông Biden về vấn đề này.
Chuyến thăm tới Đông Bắc Á của Phó Tổng
thống đã được lên kế hoạch từ trước, mục đích trước hết là nằm trong chủ
trương của chính quyền Tổng thống Barack Obama coi khu vực châu Á là
trọng tâm trong chương trình nghị sự đối ngoại.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra
trong khu vực, nhiệm vụ của ông Biden đang trở nên khó khăn hơn trong
việc tìm kiếm một sự cân bằng hài hòa giữa việc giảm căng thẳng quân sự
với Trung Quốc, đồng thời vẫn khẳng định được sự hợp tác chặt chẽ với
đồng minh Nhật Bản./.
Theo VOVnews