Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 29/11/2009 20:57'(GMT+7)

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Văn Cuông:"Không nên định kiến khi đại biểu Quốc hội chất vấn"

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Văn Cuông.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Văn Cuông.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá Lê Văn Cuông đã có một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở về một phần câu chuyện đó...

Theo đuổi chính sách

Là ĐBQH hai khoá liền (XI và XII), cử tri nhận thấy, ông đã và đang theo đuổi vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non. Ông có cho rằng, từ nguyện vọng của cử tri, việc đề xuất và xây dựng chính sách, ra được chính sách là trách nhiệm quan trọng của ĐBQH?

- Tôi luôn xác định giáo dục mầm non là cái gốc rất quan trọng để hình thành nhân cách, cả về thể lực và trí lực, nếu như có sự đầu tư tốt thì sau này mỗi cá nhân sẽ trở thành công dân tốt cho xã hội. Chính vì thế, chúng tôi đã đề nghị từ khoá trước, khi thông qua Luật Giáo dục phải đưa hệ này vào cấp học nhưng không được Bộ xem xét.

Rất tiếc là những kiến nghị của chúng tôi được trả lời một cách chung chung, thiếu thuyết phục, buộc tôi phải chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại kỳ họp thứ 4. Tôi theo dõi, sau chất vấn, Bộ cũng xây dựng những chiến lược phát triển mầm non, một số văn bản cũng đề cấp đến, không mờ nhạt như trước. Tôi cho rằng, việc đề xuất chính sách, ra được chính sách luôn là trách nhiệm nặng nề của mỗi ĐBQH.

Đề xuất chính sách, giám sát đưa chính sách vào cuộc sống là trách nhiệm của ĐBQH. Nhưng để ra được chính sách, ông có vận động, thuyết phục các ĐBQH khác ủng hộ chính kiến của mình hay không?

- Quy định của QH không rõ, không cấm cũng không khuyến khích vận động; ở đây chủ yếu là cá nhân thể hiện chính kiến thôi. Nếu mình đi vận động thì người ta sẽ suy nghĩ khác... Với trách nhiệm là phải thể hiện trên diễn đàn những suy nghĩ của mình, còn ĐBQH đều có trình độ, có nhận thức, có ủng hộ hay không là quyền của ĐBQH.

Thưa ông, ra chính sách không chỉ vì lợi ích cử tri một tỉnh mà còn vì lợi ích của cử tri cả nước. Với một số chính sách thấy cần thiết, ĐBQH có tiếp tục theo đuổi đến cùng hay không?

- Tôi luôn có quan điểm là nếu như mình thấy cái gì đúng rồi, trúng rồi thì đeo bám đến cùng dù rằng chưa có kết quả trên thực tế. Nhiều ĐBQH đồng tình thì chính sách được thông qua, còn ý kiến của mình có thể đúng, có thể trúng, nhưng là số ít thì phải theo đa số. Nhưng tôi không buồn về chuyện đó, có những ý của mình được cử tri đồng tình thì phấn khởi. Không phải khi nào các ý kiến của mình cũng được QH, các ngành chấp nhận. Vì theo quy định, mọi quyết định phải được đa số tán thành.

Ông có thấy day dứt hay không khi có một số chính sách cần thiết nhưng vẫn chưa xây dựng và thông qua được?

- Rất là day dứt! Có nhiều điều chúng tôi phản ánh rất đúng, trúng, nhưng chưa được tiếp thu. Một số chính sách cần được đưa vào luật nhưng do nhận thức khác nhau giữa chúng tôi với cơ quan soạn thảo và những người có trách nhiệm nên không đưa được vào luật. Nhưng rồi thực tiễn sẽ kiểm nghiệm đúng sai và cuối cùng phải sửa đổi luật cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Cử tri đặt vấn đề nhiều ĐBQH phát biểu rất tâm huyết, rất trí tuệ, rất trúng. Nhưng liệu rằng, những ý kiến đó có bị bỏ qua không, hay các cơ quan liên quan chỉ tiếp thu một cách lấy lệ? Suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, tôi rất phấn khởi khi ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi gắm đã được tôi chắt lọc, phản ánh trên diễn đàn lớn, được hàng triệu cử tri theo dõi. Thế còn các bộ ngành liên quan có tiếp thu đầy đủ hay không mình cũng rất mong, nhưng điều quan trọng hơn là phải giám sát việc thực hiện việc tiếp thu, thực hiện lời hứa. Bởi thẩm quyền của mình đến đâu thì làm đúng như thế, mình cũng không thể vượt quá thẩm quyền.

Vậy đánh giá hiệu quả hoạt động của ĐBQH dựa vào đâu, thưa ông?

- ĐBQH có trách nhiệm theo dõi, giám sát xem những nội dung đó có được tiếp thu, có được đưa vào cuộc sống hay không, hay là bị bỏ qua. Và nếu như thế thì lần sau mình vẫn dứt khoát tiếp tục có ý kiến với một mức độ cao hơn. Tôi cho rằng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH không phải chỉ nói để được dư luận đồng tình mà còn phải tác động tới các cơ quan để được thực thi trong cuộc sống. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu.

Chất vấn thành viên Chính phủ - được và mất

Thưa ông, những ý kiến chất vấn không ngại va chạm của ĐBQH có được ủng hộ không?

- Tôi nghĩ là các bộ trưởng không định kiến khi ĐBQH chất vấn. Chất vấn của ĐBQH theo quy định pháp luật. Không phải là bộ trưởng thì ĐBQH chất vấn làm gì? Chất vấn là chất vấn những vấn đề bức xúc mà cử tri người ta nêu với trách nhiệm của một ĐBQH và mong muốn nhận được sự trả lời thẳng thắn từ người trả lời chất vấn. Chất vấn không mang tính cá nhân mà là trách nhiệm trước cử tri.

Phát biểu hay chất vấn là trách nhiệm của ĐBQH. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có trường hợp ĐBQH chưa phát huy hết trách nhiệm khi đăng đàn?

- ĐBQH đều có quyền và trách nhiệm cả. Quyền của anh là như thế nhưng trách nhiệm của anh là phải nói đúng, nói trúng... Diễn đàn được mọi người lắng nghe. Nếu anh phát biểu không có tính xây dựng anh sẽ bị dư luận phản bác. Ngay như phát biểu của anh không được cử tri đồng tình cũng làm anh giảm uy tín chứ không phải chuyện dễ dàng gì mà lên diễn đàn.

Phải chăng, có trường hợp ĐBQH phát biểu chưa thẳng thắn, chưa nói hết được ý chí nguyện vọng của cử tri?

- Tôi nói là nhiều khi, trên diễn đàn cũng có ý kiến phát biểu không đúng lòng mình. Nhưng cũng có ý kiến là do nhận thức chưa sâu, chưa sát, phát biểu theo cảm tính nên cũng không được cử tri đồng tình. Khi phát biểu, ĐBQH phải thể hiện bản lĩnh, chính kiến của mình. Cái mà cử tri không đồng tình cũng có hai dạng, hoặc là đại biểu còn nắm lơ mơ, do trình độ, hoặc là do cảm tình, xoa dịu làm vui lòng mọi người; khi đó cử tri có thể phát hiện và phản ứng.

Có phải ĐBQH chuyên trách có điều kiện và ít vướng hơn trong phát biểu hay chất vấn không, thưa ông?

- Các ĐBQH kiêm nhiệm có cái khó riêng. Nhưng cũng có nhiều ĐBQH kiêm nhiệm hoạt động rất tốt. Ngược lại, ĐBQH chuyên trách là thuận lợi nhưng cũng có ĐBQH cũng chưa phát huy được. Tôi cho là cần những người có bản lĩnh và trí tuệ, bất kể là ĐBQH chuyên trách hay không chuyên trách. ĐBQH có bản lĩnh, trí tuệ và có tinh thần trách nhiệm cao thì mới làm QH mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Còn nếu chỉ đưa nhiều chuyên trách, mà chuyên trách không có bản lĩnh, trí tuê, thì hoạt động cũng không hiệu quả.

Niềm vui và nỗi buồn

- Rất đáng mừng là đã gần hai nhiệm kỳ, tôi phát biểu rất nhiều trên diễn đàn của QH, nhưng chưa hề nhận được một ý kiến cử tri nào phản đối rằng ông nói không đúng tâm tư nguyện vọng của tôi. Đã có đến hàng trăm lá thư từ mọi miền tổ quốc và những cuộc điện thoại đều nói rằng đại biểu nói rất đúng, rất trúng các vấn đề.

Có bức thư nào cử tri gửi làm ông nhớ nhất?

- Có rất nhiều thư, nhưng có những bức thư không chỉ gửi cho tôi mà còn thay mặt cho các cụ hưu trí gửi cho Chủ tịch Quốc hội. Rồi có lá thư của một cô giáo bị trù dập, kỷ luật oan mà tôi đứng ra bảo vệ, sau này cô được giải oan và cô đã gửi thư cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị là ĐBQH Lê Văn Cuông rất xứng đáng là đại biểu của dân nên đề nghị tái cử. Đó là phần thưởng vô giá của cử tri đối với tôi. Làm đại biểu của dân mà dân đồng tình như thế thì không có gì sướng bằng.

Còn nỗi buồn, trăn trở mà ông ngẫm trong hai nhiệm kỳ qua?

- Nỗi buồn có chứ. Nỗi buồn là hàng trăm cử tri đến gặp mình, người ta gửi đơn khiếu nại cho mình mà mình không giúp gì được. Nỗi buồn là còn có lãnh đạo thiếu trách nhiệm với dân, thậm chí còn vô cảm trước nỗi oan sai của dân. Cái buồn thứ hai là trong khi dân rất đồng tình ủng hộ, thì có một bộ phận liên quan đến các ý kiến của tôi thì lại không thể hiện phản ứng ra ngoài. Họ cho ý kiến của mình không có lợi gì cho cách làm ăn của họ, cho việc làm của họ. Cho nên họ coi mình là đối tượng phải cảnh giác, thậm chí còn phải chịu thiệt thòi...

Nói đến đây, cuộc trao đổi của chúng tôi kết thúc. Nhưng, trên khuôn mặt cương nghị của người ĐBQH ngót nghét ngũ tuần này đầy ưu tư, trăn trở. Tôi hiểu rằng, để xứng đáng là người đại biểu thực sự của nhân dân, những người như ông đã phải hy sinh rất nhiều. "Cử tri rất tin vào Quốc hội, nên ĐBQH phải làm thế nào để tạo được niềm tin cho cử tri bằng chính kiến, bản lĩnh, trí tuệ của mình chứ không thì lại bị cho là nghị gật" - ông nói với tôi như vậy trước khi chia tay!

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông
Sinh ngày 6.3.1951
Quê quán Xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá
Trình độ chuyên môn: Kỹ sư cơ khí luyện kim.
Chức vụ: ĐBQH chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá; Uỷ viên Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XII; ĐBQH khoá XI, XII.

 

(Theo Lao Động online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất