Kiên Giang và Cà Mau có diện tích rừng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với trên 100 nghìn ha, trong đó chủ yếu là rừng tràm và rừng đước ngập mặn. Mùa khô hàng năm ở Kiên Giang, Cà Mau, nắng nóng, hạn hán thường kéo dài 190 -220 ngày trong năm. Đặc biệt từ đầu năm 2010 đến nay, thời tiết nắng nóng đạt tới mức đỉnh điểm, diễn biến rất bất thường, các kênh, rạch và nước trong đê bao ngày càng cạn kiện.
Nguy cơ cháy rừng ở các lâm trường, vườn quốc gia và vùng rừng xen chuyên canh đã lên mức báo động cao nhất.
Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND và Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng Kiên Giang, Cà Mau đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống cháy rừng ở địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hơn một trăm tin, bài phóng sự trên các cơ quan thông tấn, báo chí và gần 10.000 tài liệu, khẩu hiệu… tuyên truyền công tác phòng chống cháy rừng.
Địa phương đã xây dựng nhiều phương án và thường xuyên diễn tập phòng chống cháy rừng với sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng; cử nhiều đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở vùng rừng có nguy cơ cháy cao; đồng thời kiện toàn lực lượng phòng chống cháy rừng, với hơn 400, tổ đội, trên 5.000 người thường trực phòng chống cháy rừng.
Do vậy, các lực lượng phòng chống cháy rừng, nòng cốt là lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã hạn chế tối đa những vụ cháy rừng xảy ra, bảo vệ được trên hàng chục nghìn ha rừng các loại.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, rừng ngập mặn tại hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, khu dự trữ sinh quyển thế giới thuôc rừng quốc gia mũi Cà Mau và nghe Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau báo cáo tình hình, Thứ trưởng Trần Đại Quang đã biểu dương và đánh giá cao kết quả công tác phòng chống cháy rừng của tỉnh Kiên Giang, Cà Mau thời gian vừa qua.
Thứ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về nguy cơ, tác hại của cháy rừng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống cháy rừng.
Các lực lượng, đặc biệt là lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống cháy rừng; tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác mà phải thường xuyên rà soát, bổ sung, diễn tập các phương án, kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, tổ chức ứng trực nhằm phát hiện và dập tắt kịp thời các vụ cháy xảy ra.
Các địa phương cần nghiên cứu quy hoạch, nạo vét, mở thêm các kênh, rạch để luôn có đủ nước phục vụ chữa cháy khi xảy ra; đồng thời khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt trong công tác phòng chống cháy rừng và cũng xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ rừng.
TH (theo Phương Nam- chinhphu.vn)