Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 25/9/2008 20:26'(GMT+7)

Phòng chống tham nhũng: Cần giải pháp căn bản, lâu dài

 Sáng 25/9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán Thuỵ Điển tổ chức Hội thảo quốc tế về Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Quốc Bình - Phó Tổng thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên đánh giá một cách nghiêm túc thì công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài nguyên, khoáng sản, tài sản Nhà nước

Theo ông Mai Quốc Bình, một trong những nguyên nhân của nạn tham nhũng là Việt Nam còn thiếu cơ chế phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng; thiếu một hệ thống giải pháp có tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện, lộ trình cụ thể, hợp lý để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách hiện hành về phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ góp phần gia tăng tham nhũng đó là đội ngũ cán bộ, công chức thiếu tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị xuống cấp.

Trong Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 có đề ra 5 nhóm giải pháp, chú trọng vào các nội dung: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền, hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Đánh giá về Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng của Việt Nam, đại diện các cơ quan, tổ chức, chuyên gia quốc tế cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Ông James Anderson, Chuyên gia cao cấp về quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao việc Việt Nam đã đưa vào Dự thảo Chiến lược các yếu tố như tính minh bạch và sự tham gia của xã hội, cũng như các vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình, theo dõi, giám sát, đo lường được sự tiến triển của các bên tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng. Theo ông Anderson, đây là một trong những vấn đề hữu ích của Chiến lược.

Còn Cố vấn Cao cấp của Tổ chức Minh bạch quốc tế, ông Peter Rooke cho rằng, Dự thảo Chiến lược cần tập trung vào việc thực thi Luật Phòng chống tham nhũng; Xác định ưu tiên cho việc thiết lập hệ thống khai báo tài sản; Không lơ là những biểu hiện của tham nhũng ở khu vực tư nhân và cần có một nghiên cứu định hướng chính sách về tham nhũng tại Việt Nam. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường vai trò giám sát của xã hội dân sự và thông tin đại chúng, nhấn mạnh hơn nữa yếu tố này trong giáo dục và nâng cao nhận thức, cả trong trường học và ngoài xã hội.

Công bố mới đây của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy, năm 2008, Việt Nam đã có tiến bộ trong việc cải thiện điểm số và thứ hạng của Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) so với năm 2007. Điểm của Việt Nam là 2,7/10 và thứ hạng của Việt Nam là 127/180 nước được khảo sát. Tuy chưa bằng Indonesia, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Malaysia hay Singapore, nhưng những con số trên đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc phòng chống tham nhũng./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất