Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 12/11/2008 15:56'(GMT+7)

Phòng chống tội phạm môi trường: Cần sự phối hợp cụ thể, kịp thời giữa các lực lượng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội và phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm môi trường. Hội nghị này được Bộ Công an tổ chức truyền hình trực tuyến với Công an các tỉnh phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tình hình tội phạm về môi trường đang diễn biến hết sức phức tạp, phổ biến và công khai trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội nước ta. Những vi phạm đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường nước, không khí, thực phẩm…ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, trong nhiệm vụ phòng chống tội phạm môi trường, bên cạnh lực lượng của Bộ Công an, rất cần sự phối hợp cụ thể và kịp thời của cả hệ thống chính trị.

Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) cho biết, sau gần 2 năm thành lập, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, điều tra, xử lý 800 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính 130 tỷ đồng, cảnh cáo, nhắc nhở hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm về môi trường.
 
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lý đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản về tội phạm môi trường trong thời gian qua, như: lợi dụng chính sách thông thoáng trong việc nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của Nhà nước ta, hoạt động kinh doanh nhập khẩu phế liệu, rác thải với số lượng lớn cho siêu lợi nhuận đang phát triển rất nhanh. Nhiều doanh nghiệp, từ các công ty vận tải, nhập khẩu, sản xuất cho đến các cơ sở tái chế bất chấp quy định của pháp luật, do hám lời liên tục vi phạm trong việc nhập phế liệu, rác thải với quy mô, số lượng lớn, xả rất nhiều chất thải, khí thải vào môi trường; việc chất thải y tế nguy hại của nhiều bệnh viện trên cả nước chưa được xử lý cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Thông qua Hội nghị này, Cục Cảnh sát môi trường kiến nghị tới lãnh đạo Bộ Công an phương hướng xử lý các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang “ăn vào giá môi trường” cũng như việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện lớn.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, 110 khu công nghiệp, 4.000 cơ sở sản xuất, các nhà máy giấy, sản xuất thực phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hoạt động với tần suất xả hóa chất, khí thải độc hại rất cao... Bộ trưởng khẳng định sẽ tiến hành thanh tra, điều tra triệt để những vi phạm về môi trường của một số công ty ở các thành phố lớn trong thời gian tới.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất