Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 9/11/2008 17:30'(GMT+7)

Khẩn trương đối phó với diễn biến phức tạp của bão số 9

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng nhận định: Rất khó dự báo và lường trước được hướng di chuyển của bão số 9.

Sáng nay, bão di chuyển chếch lên phía Bắc - Đông Bắc, tuy nhiên, nhiều khả năng đến ngày mai bão sẽ quặt 180 độ xuống phía Nam, tạo nên một nút thắt uy hiếp khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra, theo một “kịch bản” khác được dự báo, bão số 9 có thể di chuyển ngược ra Biển Đông, tương tự như cơn bão Hagibis hồi tháng 11/2007. Chính vì sự lắt léo và khó dự báo của cơn bão này nên không chỉ riêng cơ quan dự báo khí tượng của nước ta mà ngay cả các cơ quan dự báo nước ngoài cũng rất phân vân và thận trọng khi đưa ra dự báo. Với hướng di chuyển khó lường và sự “dai sức” (dự kiến bão số 9 sẽ tồn tại đến ngày 13/11), Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: các địa phương cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến và hướng di chuyển của bão số 9 theo từng giờ để kịp thời lên phương án đối phó. Đây là một cơn bão rất nguy hiểm, vì vậy cần tránh tình trạng chủ quan, mất cảnh giác dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản.

Để chủ động đối phó với bão và mưa lũ, tại cuộc họp ngày 9/11, Ban Chỉ đạo PCLBTW yêu cầu các tỉnh, các Bộ, ngành nhanh chóng khắc phục hậu quả thiệt hại do trận lũ tại Bắc Bộ vừa qua; tập trung khôi phục sản xuất, công trình hạ tầng cấp bách, vệ sinh tiêu độc khử trùng để không phát sinh dịch bệnh; bằng mọi biện pháp và sử dụng tất cả các phương tiện thông tin, truyền thông để thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời, sự ra khơi của các tàu thuyền cần được quản lý chặt chẽ việc cùng với việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố. Các chủ phương tiện vận tải thủy cần chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; kiểm tra mực nước hồ, theo dõi diễn biến công trình, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để xử lý đảm bảo an toàn các hồ chứa nước; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành thường trực chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu nhất xảy ra.

Hiện nay, các địa phương và các Bộ, ban, ngành đang khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời lên kế hoạch đối phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 9.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau vẫn tích cực thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Quảng Bình: Sẵn sàng sơ tán 2.000 hộ dân

Tính đến 9g sáng nay, 9-11, tỉnh Quảng Bình đã có phương án sẵn sàng sơ tán di dời 2.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Hiện tại UBND các huyện và TP Đồng Hới đều đã dự trữ từ 10 đến 20 tấn gạo, mì ăn liền và xăng dầu để sẵn sàng phân phối cho người dân vùng xung yếu khi xảy ra tỉnh huống xấu. 100% phương tiện đánh bắt của tỉnh Quảng Bình đã vào bờ neo đậu tránh bão số 9 an toàn.

Quảng Nam: Bắn pháo hiệu báo bão tại 3 điểm

Ban Tác chiến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tính đến 9g30 sáng nay, tỉnh Quảng Nam chỉ còn 9 tàu cùng 28 đang đánh bắt gần bờ trên vùng biển Quảng Nam. Toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã nhận được thông tin và tín hiệu báo bão đã vào đất liền trú bão an toàn.

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão số 9 tại 3 điểm gồm: đảo Cù Lao Chàm, Cửa Đại (Hội An) và mũi Bàn Than (Cảng Kỳ Hà, Núi Thành) để thông báo tàu thuyền khẩn trương vào bờ trú ẩn. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh yêu cầu tất cả các đồn biên phòng ven biển cấm tàu thuyền ngư dân ra khơi để đảm bảo an toàn.

Thừa Thiên-Huế: Khẩn cấp xử lý sạt lở

100% di tích lịch sử văn hóa tại Thừa Thiên-Huế đã được ngành văn hóa cũng như cán bộ nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành ràng buộc, gia cố để chống đỡ lại mưa to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 9.

Tỉnh đã hỗ trợ hàng trăm bao tải, lưới lọc để xử lý khẩn cấp khu vực sạt lở liên xã dọc theo sông Bạch Yến, qua địa phàn thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Điểm sạt lở này, kéo dài từ đợt lũ ngày 25-10 đến nay, xâm thực ăn sâu vào tuyến đường liên huyện rộng đến 3m. Sạt lở đã gây ảnh hưởng giao thông đi lại của hàng ngàn người dân trong xã và các vùng lân cận.

Tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức dự trữ lương thực trong 15 ngày đối với các địa bàn xung yếu, vùng dễ bị chia cắt; lên phương án di dời dân chi tiết theo cấp độ bão, lụt; kiểm tra nghiêm ngặt các bến đò ngang...

nh Định: Lên phương án di dời 4.000 hộ dân vùng ven biển

Sáng nay, tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu BCH PCLB-TKCN tỉnh lên phương án di dời 4.000 hộ dân vùng ven biển, ven sông trước 12 giờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Hiện Bình Định vẫn còn 552 chiếc tàu đang hoạt động đánh bắt trên biển, trong đó tại ngư trường phía Nam có 200 chiếc, 12 chiếc đang hoạt động ở ngư trường phía Bắc, còn lại là tàu thuyền đánh bắt gần bờ từ Quảng Ngãi đến Bình Định.

Đến nay, BCH PCLB-TKCN đã liên lạc được với toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi để thường xuyên thông tin về diễn biến của bão số 9.

Theo TTXVN, SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất