Chủ Nhật, 10/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 1/6/2020 16:15'(GMT+7)

Phòng ngừa xâm hại trẻ: Phát hiện nhanh, can thiệp tốt, xử lý nghiêm

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong tháng Sáu-tháng hành động vì trẻ em, rất nhiều hoạt động được tổ chức trên cả nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Quốc hội khóa 14 đã dành hẳn một ngày (27/5) để thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy phòng, chống xâm hại trẻ em đang thực sự trở thành vấn đề “nóng”, là mối quan tâm của toàn xã hội.

3 "NHẤT" TRONG BẢO VỆ TRẺ EM

Báo cáo của Quốc hội về thực hiện giám sát tình trạng xâm hại trẻ em trên cả nước trong giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, trong giai đoạn này cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Trong các vụ xâm hại trẻ em thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại. Ngoài ra, hiện nay còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Đáng báo động hơn cả khi con số hàng ngàn vụ xâm hại trẻ em chưa phản ánh đầy đủ thực tế số vụ xâm hại trẻ em. Các vụ xâm hại trẻ em thời gian gần đây đang đặt ra những vấn đề đáng quan tâm, trong đó có việc đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng. Trẻ em không chỉ bị xâm hại bởi người lạ, ở ngoài cộng đồng mà còn ở trong chính trường học, chính gia đình của mình, nơi tưởng như an toàn nhất.

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng cần ưu tiên cấp độ phòng ngừa trong công tác bảo vệ trẻ em nhưng hiện nay hầu hết các vụ xâm hại trẻ em đều phát hiện muộn.

"Chúng ta thiếu mạng lưới phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm. Đội ngũ cán bộ công tác xã hội ở địa phương, ở cộng đồng rất quan trọng. Họ biết cụ thể từng hoàn cảnh, gia đình nào có bố bị nghiện rượu, có cha mẹ chuẩn bị ly hôn, gia đình nào có con sắp bỏ học, gia đình nào để con ở nhà với bố dượng… nên họ sẽ là đội ngũ cán bộ tư vấn, phòng ngừa trước để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.” ông An nhấn mạnh.

Chính vì vậy mà trong buổi lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 được tổ chức tại  trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện 3 ‘nhất’ trong bảo vệ trẻ em. Đó là phải phát hiện nhanh nhất, bất cứ ở đâu, nơi nào xảy ra vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em phải có cách tiếp cận ngay từ đầu. Thứ hai, phải xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Thứ ba là can thiệp nhanh nhất, tốt nhất cho trẻ em.”

CẦN SỰ CHUNG TAY

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định Nhà nước, nhân dân, bậc cha mẹ luôn dành cho trẻ em những tình cảm, sự chăm lo, phát triển tốt nhất. Hiện nay, mặc dù nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức cùng có trách nhiệm chăm lo trẻ em nhưng hoạt động còn rời rạc, chưa phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác bảo vệ trẻ em.

"Do đó, tháng hành động năm nay chúng ta lấy chủ đề là chung tay. Chung tay ở đây là tất cả mọi cơ quan, cả cộng đồng, xã hội phải vì trẻ em, chăm lo cho trẻ em," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers khuyến nghị: “Việt Nam cần nâng cao trách nhiệm giải trình của tất cả các ngành giáo dục, y tế, công an và những ngành, tổ chức khác. Các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phòng ngừa và giải quyết các trường hợp bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.”

Xác định việc tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, tất cả các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em.

Chỉ thị số 23 xác định rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.”

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trực tiếp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Bộ cũng cần chỉ đạo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em...

Tại buổi lễ phát động ngày 1/6, đại diện nói lên tiếng nói trẻ em với các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em, em Đặng Thùy Linh, học sinh lớp 8A2 trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: “Chúng cháu mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô. Xin hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để lắng nghe chúng cháu nói, hãy tin tưởng và tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc của chúng cháu trên hành trình trưởng thành.”

“Chúng cháu cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô với những lời động viên, khích lệ, những lời khuyên nhủ chân thành, những hành động hỗ trợ kịp thời chứ không phải những áp lực, thành tích, những kỳ vọng quá lớn lao, áp đặt cách nhìn, cách nghĩ của người lớn, những hình phạt đòn roi và lời mắng mỏ,” em Đặng Thùy Linh chia sẻ./.

Để tăng cường các hoạt động bảo vệ trẻ em, tháng hành động vì trẻ em năm 2020 có chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em".

Nhiều thông điệp, khẩu hiệu truyền thông được đưa ra như: "Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động"; "Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng"; "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau"; "Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em"; "An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ"; "Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em"…/.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất