Khảo sát toàn cầu mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy Việt Nam là một trong số ít nước mà đàn ông cảm thấy hạnh phúc hơn phụ nữ.
Ngày 25/11, Công ty Nielsen đã công bố kết quả cuộc điều tra toàn cầu về hạnh phúc trên 51 quốc gia hồi tháng 5 vừa qua, với 28.153 người tham gia trả lời qua mạng.
Trong khi đàn ông hạnh phúc với tiền bạc, thì phụ nữ lại cảm thấy thỏa mãn hơn với bạn bè và những mối quan hệ với con cái, đồng nghiệp và lãnh đạo.
"Vì hạnh phúc của phụ nữ không gắn liền với kinh tế, nên nó cũng không chịu ảnh hưởng mạnh bởi các cơn suy thoái kinh tế, và điều đó có thể lý giải vì sao phụ nữ trên khắp thế giới nói chung đang hạnh phúc hơn đàn ông", Bruce Paul, từ công ty Nielsen, cho biết.
Phát hiện cho thấy trên toàn cầu, phụ nữ thường hạnh phúc hơn đàn ông, và chỉ ở 3 nước, trong đó có Việt Nam, là đàn ông hạnh phúc hơn phụ nữ. Hai nước còn lại là Brazil, Nam Phi.
Cũng theo nghiên cứu, có 3 động lực chính khiến người ta hạnh phúc trên toàn cầu: tình trạng tài chính cá nhân, sức khỏe tinh thần và công việc. Hài lòng với bạn đời cũng là yếu tố quan trọng mang lại hạnh phúc ở nhiều quốc gia.
Trong các quốc gia "con hổ" châu Á, Việt Nam và Indonesia đứng đầu bảng xếp hàng toàn cầu về việc coi khả năng tiếp cận thông tin (tin tức khách quan, khả năng tiếp cận internet) và đời sống tình dục là những động lực mạnh mẽ đem lại hạnh phúc. Bổ sung với nó là cơ hội được đi mua sắm.
Một điều mà các ông chủ ở Việt Nam nên lưu ý là nhân viên của họ đánh giá mối quan hệ với sếp như một động lực quan trọng để tạo nên sự hạnh phúc. Điều này tương tự như ở Thụy Sĩ. Trong khi tại Mỹ và Ba Lan, mối quan hệ với cộng sự lại được ưu tiên hơn, thậm chí quan trọng hơn cả mối quan hệ với gia đình.
Cùng với Nhật Bản, người Việt Nam cũng đứng đầu bảng xếp hạng trong việc coi mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ là một yếu tố hạnh phúc quan trọng. Điều này ngược lại với Đan Mạch và Czechs.
Tại Singapore, Việt Nam, Hong Kong và Trung Quốc, người tiêu dùng cho biết chính quyền quốc gia và địa phương, cũng như công bằng xã hội (luật pháp và quyền kinh tế) là yếu tố có tầm quan trọng mang lại hạnh phúc cá nhân.
Người Trung Quốc và Singapore được đánh giá cao nhất về mức độ hài lòng với chính phủ, trong khi người Singapore (cùng với Na Uy) đứng đầu về mức độ hài lòng với công bằng xã hội.
Thông qua cuộc điều tra, Nielsen muốn tìm hiểu mức độ hạnh phúc của người dân mỗi nước bị ảnh hưởng thế nào bởi sự bất bình đẳng trong thu nhập, tham nhũng hay hòa bình. Đáng ngạc nhiên là trong nhiều trường hợp, các thị trường nghèo nhất xét theo những tiêu chí này lại là những quốc gia hạnh phúc nhất.
VnExpress