Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 25/3/2017 8:40'(GMT+7)

Phụ nữ Việt Nam sống thọ hơn nam giới

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Số liệu từ 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở giai đoạn 1979-2009 cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm tuổi thấp nhất từ 60-69 tăng chậm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm cao tuổi trung bình 70-79 và già nhất từ 80 trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn. Số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho giai đoạn 2009-2049 cho thấy: Khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số “già” cũng là lúc nhóm dân số cao tuổi nhất tăng với tốc độ cao nhất.

Tỷ số giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên là 200 cụ bà/100 cụ ông. Tốc độ già hóa dân số cũng tăng mạnh mẽ. Mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêng về phía phụ nữ cao tuổi, tốc độ già hóa dân số cũng làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình.

Số người cao tuổi tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993 - 2008 chỉ rõ xu hướng thay đổi này: Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng người cao tuổi có tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần.

Theo số liệu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, ngày càng có nhiều người cao tuổi  sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Đặc biệt, tỷ lệ người già sống cô đơn hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già tăng đột biến. Chỉ trong 15 năm (1993 - 2008), tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi (từ 12% lên 30%).

Một điểm rất đáng lưu ý là nếu tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em do số trẻ trai cao hơn số trẻ gái, thì tình trạng này ở người cao tuổi lại ngược lại - số phụ nữ đang lớn hơn nhiều so với nam giới. Thực tế đòi hỏi chính sách chăm sóc người cao tuổi phải chú trọng tới hiện tượng này, bởi vì với xu hướng bệnh tật kép và phần lớn người cao tuổi không có lương và trợ cấp như hiện nay, phụ nữ cao tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế.

Người cao tuổi đang đối diện nhiều khó khăn

Trong khi đó, nhiều người vẫn nghĩ, Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng” nhưng lại đang đối diện với tình trạng già hóa dân số, thậm chí siêu già . Hiện số người từ 15 tuổi  đến 64 tuổi ở Việt Nam chiếm 69,7%. Đây được xem là dân số vàng, nhưng tình trạng già hóa đang gia tăng một cách chóng mặt.

Nửa thế kỷ qua, trong khi tuổi thọ của thế giới chỉ tăng 21 tuổi thì Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Hiện tuổi thọ của người Việt Nam lên đến 73 tuổi. Dự kiến đến năm 2050 tuổi thọ của người Việt Nam sẽ lên đến trên 80,4 tuổi. 

Ông Phương cho biết, nếu như ở các nước phát triển từ “già hóa dân số” chuyển sang “dân số già” phải mất hàng thập kỷ, thế kỷ, Việt Nam chỉ mất khoảng hơn chục năm. Hiện nay số người già trên 65 tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 7% dân số. Nếu cứ đà này đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số siêu già.

Do đó, ông Phương cho rằng, người cao tuổi Việt Nam đang đứng trước những khó khăn chồng chất, bởi thực tế tình hình chung ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn là nông dân, làm nông nghiệp. Trong khi đó, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch bệnh đe dọa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung và người cao tuổi nói riêng còn thấp. Đời sống vất chất còn nhiều khó khăn, có đến 70% người cao tuổi không có tích lũy được vật chất, 18% nghèo khổ; 62,3% người cao tuổi sống trong khó khăn, thiếu thốn.

Theo ông Phương, ở Việt Nam, trừ 2 TP lớn (Hà Nội và TP.HCM) là có bệnh viện hoặc các chuyên khoa lão khoa để khám chữa bệnh cho người cao tuổi, còn lại hơn 60 tỉnh, thành chưa có bệnh viện hay chuyên khoa lão khoa dành cho người cao tuổi, việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi gặp vô vàn khó khăn.

Thống kê của Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, 95% người cao tuổi mắc bệnh chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây. Trong đó, có 27% người cao tuổi khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, cần sự trợ giúp; 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu.

Tỷ lệ người cao tuổi ở nông thôn bị đau ốm hoặc bị chấn thương trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế còn thấp, chỉ  khoảng 13,1%, con số này, bằng một nửa so với thành thị. 

Hiện nay có khoảng 35% người cao tuổi cảm thấy buồn chán, thất vọng; 22% người cao tuổi cảm thấy cô đơn và 33% người cao tuổi không chia sẻ cùng ai vui, buồn. Đây là điều khiến cuộc sống của người cao tuổi đang đi vào bế tắc, nếu Việt Nam không có những chính sách để cải thiện tình trạng trên.

Để giải quyết những vấn để của già hóa dân số hiện nay, theo ông Phương, cần phải xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc; xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, tuổi nghỉ hưu; tiếp cận vay vốn./.

Mai Xuân Phương-Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất