Có thể nói hai bản phúc trình nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn bám
giữ những quan điểm cổ hủ, lỗi thời từ thời kỳ “Chiến tranh lạnh” - kỳ
thị với chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh
đạo, đồng thời xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ nhân quyền nói chung
và tình hình tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.
Hơn nữa, những thông tin mà
hai bản phúc trình đưa ra chỉ là sự cóp nhặt, sao chép cẩu thả những
thông tin trên mạng, lại không được kiểm chứng. Chẳng hạn Phúc trình NQ
2019 đã lấy thông tin từ Phúc trình của tổ chức HRW (là một tổ chức bị
“cấm cửa” ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác). Phúc trình NQ 2019 viết:
"Nhiều người hoạt động chính trị, các blogger bị bắt bớ và giam cầm tùy
tiện, bị giết tại nơi tạm giam; những phiên tòa ở Việt Nam thì luật sư
được khuyến khích chống lại thân chủ và bản án thì đã được định sẵn khi
chưa tranh tụng!".
Ngay khi phúc trình được lưu hành, nhiều quốc gia đã bày tỏ bất bình
đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và rằng phúc trình NQ, TDTG năm 2019 đã can
thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tác động xấu đến tình hình
chính trị quốc tế và trong mỗi nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thẳng thắn bác bỏ những cáo
buộc Việt Nam vi phạm quyền con người (QCN) và quyền tự do tôn giáo
(QTDTG); đồng thời tái khẳng định các QCN và QTDTG đã được hiến định và
quy định trong các đạo luật, nghị định của Chính phủ, cũng như được bảo
đảm trong thực tế.
Vậy quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến
pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về QCN và QTDTG
như thế nào?
Trước hết, QCN nói chung, QTDTG nói riêng là một mục tiêu nhất quán,
xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật
của Nhà nước Việt Nam. Ở Việt Nam, QCN được xác định từ Luận cương
(Cương lĩnh) chính trị, năm 1930, các cương lĩnh tiếp theo cho đến Cương
lĩnh 2011. Ngay sau khi giành được độc lập, xây dựng Nhà nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), các Hiến pháp
Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên-1946 đến Hiến pháp 2013 đều nhất quán
quy định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm QCN, quyền công dân.
Hiến pháp 2013, lần đầu tiên đã dành cả một chương (Chương II) quy định
về “QCN, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này không chỉ quy định đầy
đủ các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân mà còn quy định những nguyên tắc
cơ bản về QCN. Những nguyên tắc đó bao gồm: 1) Nguyên tắc về mối quan
hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó Nhà nước có nghĩa vụ, người dân
là chủ thể của quyền; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền (chẳng hạn quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo… (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25) có
thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh Quốc gia, trật tự xã hội…”. Cần lưu ý
rằng, quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tiếp cận thông tin…” là
những quyền bị hạn chế. Đây là điều hai bản phúc trình của Hoa Kỳ 2019
đã cố tình bỏ qua.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định những cam
kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế về QCN. Báo cáo
chính trị Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Coi trọng chăm
lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực
hiện các điều ước quốc tế về QCN mà nước ta ký kết”.
Trước Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX đã xác định: "Tín
ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và
sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước
ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân
tộc”.
Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: Thực hiện nhất quán tôn
trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn
giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các
tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp
luật”.
Đồng thời, nghị quyết xác định “nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công
dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách
của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối,
xâm phạm an ninh quốc gia”.
Trong những năm qua, QCN, quyền công dân của nhân dân ta được bảo đảm
trong thực tế. Trên lĩnh vực quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 2018:
Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất trong vòng một
thập niên trở lại đây. Kinh tế vĩ mô ổn định với việc giữ được mục tiêu
CPI, thâm hụt ngân sách giảm, môi trường kinh doanh không ngừng được cải
thiện... Năm 2018, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục “lập kỷ lục
mới” khi “phá vỡ kỳ tích” năm 2017. Tính đến hết ngày 15/12/2018, tổng
kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 233,07 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đà tăng mạnh
trong năm 2018 và thiết lập mức kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây.
Hơn 19 tỷ USD đã được rót vào Việt Nam trong năm 2018 cho thấy niềm tin
mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư cũng như tiềm năng tăng
trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam vươn lên là một trong
những nền kinh tế có sức hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. Điều
đáng nói, Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư đáp ứng ngành công nghiệp
4.0 như công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi
trường...
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 diễn ra vào trung tuần tháng
9/2018 tại Hà Nội đã thu hút hơn 1.000 đại biểu, trong đó có 7 tổng
thống và thủ tướng, 2 phó thủ tướng… đã chứng tỏ vị thế chính trị-kinh
tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trên lĩnh vực xã hội, năm 2018 còn được xem là năm “được mùa-bội thu”
của bóng đá Việt Nam với thành công của hai đội bóng-U.23 và Olympic
quốc gia. Một trong những thành tích gây ấn tượng quốc tế là đội U.23
Việt Nam đoạt ngôi á quân Vòng chung kết U.23 châu Á ở Thường Châu,
Trung Quốc.
Các quyền dân sự, chính trị đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Trên
lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, theo số liệu của cơ quan
chức năng, cho đến nay cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199
cơ quan báo chí in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí
(521 tạp chí Trung ương, 137 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc
gia. Có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Các
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ
thuật số VTC đã phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều
nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng
truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam.
Hiện nay quyền tự do trên internet, mạng xã hội đã được bảo đảm thể
hiện ở số lượng lớn các báo, trang điện tử và mạng xã hội. Theo thống kê
chưa đầy đủ hiện có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội,
1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Giá cả dịch vụ
internet ở Việt Nam rẻ nhất khu vực. Ngày nay người dân Việt Nam có thể
tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới như
AFP, AP, BBC, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times…Với những số
liệu như trên, không thể nói QCN, QTDTG ở Việt Nam bị vi phạm nghiêm
trọng như hai phúc trình vừa công bố.
Trên một góc độ khác, quyền bình đẳng của tất cả mọi người được bảo
đảm. Những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý cho dù đó là cán bộ của
Đảng, Nhà nước hay công dân. Năm 2018, không ít cán bộ cấp cao của Nhà
nước vi phạm pháp luật đã bị khởi tố bắt tam giam.
Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nói Đảng và Nhà nước
ta đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của internet. Việt Nam đã kết nối
internet khá sớm. Từ đây người Việt Nam đã có thể tiếp cận với các nguồn
thông tin dựa trên internet, mạng xã hội. Tuy nhiên cũng như nhiều quốc
gia khác, những thế lực chống phá Việt Nam trong và ngoài nước đã lợi
dụng internet, mạng xã hội phát tán thông tin xấu độc chống Đảng, Nhà
nước, phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân ta. Ứng phó với tình
hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp trấn áp tội phạm mạng,
đồng thời xây dựng hành lang pháp lý nói chung, pháp luật về mạng điện
tử nói riêng, trong đó có Luật An ninh mạng, 2018.
Nhằm bảo đảm các QCN, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp, đồng thời
“cập nhật” những yêu cầu mới do sự phát triển mạnh mẽ của internet và
mạng xã hội, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật, trong đó có
luật và nghị định về quyền tiếp cận thông tin (2016); Luật An ninh mạng
(2018).
Ngày nay, bảo đảm cuộc sống thanh bình cho xã hội, quyền và lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức thì không thể không bảo vệ an ninh mạng.
Không như những lập luận xuyên tạc của hai bản phúc trình Hoa Kỳ mới
công bố, Luật An ninh mạng Việt Nam chỉ quy định các chế tài đối với
việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chống Nhà nước, xâm
phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn như: Tổ
chức, hoạt động, chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch
sử; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; hoạt động mại
dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người.
Luật An ninh mạng chỉ cho phép cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chủ
thể nguồn thông tin xấu độc khi cần thiết, đặc biệt là những hành vi vi
phạm an ninh quốc gia. Xét về lợi ích của cá nhân, tổ chức, Luật An ninh
mạng là một bảo đảm về pháp lý cho người sử dụng internet, mạng xã hội
không bị lừa đảo bởi các thông tin sai sự thật (như thông tin lừa đảo
chiếm đoạt tài sản, bán hàng “rởm”; thông tin tác động xấu đến môi
trường văn hóa như lạm dụng tình dục, mại dâm, ma túy và khuyến khích
bạo lực…).
Xét về mặt lịch sử, hai văn bản phúc trình thường niên do Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ soạn thảo và công bố là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh lạnh
(1946-1989). Khi đó, thế giới hình thành hai hệ thống (TBCN và XHCN) đối
lập nhau về chính trị, hệ tư tưởng. Đồng thời với các cuộc chiến tranh
xâm lược, các nước đế quốc còn đẩy mạnh cuộc chiến tranh ý thức hệ, nhằm
lật đổ các quốc gia đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam. Sau
chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế đã có sự thay đổi lớn. Các quốc gia
đều cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có QCN. Đồng
thời các quốc gia còn khẳng định tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền
quốc gia và thể chế chính trị của nhau-trong đó có hệ thống pháp luật.
Có thể khẳng định rằng sự khác biệt về mặt pháp lý giữa các quốc gia là
điều tất nhiên. Hoa Kỳ và Việt Nam đều là thành viên có trách nhiệm của
cộng đồng quốc tế. Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho lưu hành hai bản phúc
trình về QCN và QTDTG xuyên tạc, chỉ trích pháp luật Việt Nam là trái
với quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay. Không những thế, việc ban
hành hai văn bản này còn tác động xấu đến quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang
trên đà phát triển tốt đẹp./.
Bắc Hà (qdnd.vn)