(TG) - Sau 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) (từ ngày 20/6 đến 20/9), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 800.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, qua 03 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 299 ngày 13/6/2022 về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (Kế hoạch 299), lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 788.607 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); xử lý 47.224 trường hợp vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ; xử lý 112.337 trường hợp vi phạm về tốc độ trên đường bộ.
Qua 03 tháng triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm đã tạo được chuyển biến tích cực, tuyên truyền, hướng dẫn vận động nhân dân, doanh nghiệp tạo được uy tín của lực lượng CSGT trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải, vi phạm về nồng độ cồn... việc thực hiện cao điểm đã được nhiều ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe cơ bản đã được kiểm soát, có địa phương không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng hoạt động, qua đó, đã tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội và lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp về lực lượng CSGT.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, đã tổ chức, tuyên truyền hơn 31.000 chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường…; vận động hơn 25.000 doanh nghiệp, 2.030 nhà máy, 5.545 chủ bến bãi, 3.792 xưởng cơ khí sữa chữa ô tô, 190.489 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe và tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế; yêu cầu 6.736 chủ doanh nghiệp vận tải thủy, chủ bến bãi ký cam kết không bốc xếp hàng hóa, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn…, thường xuyên nhắc nhở khách đến ăn uống tại các nhà hàng chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; không tự lái xe khi đã uống rượu bia.
Xử phạt gần 1.400 tỷ đồng vi phạm giao thông sau 3 tháng cao điểm.
Nhiều địa phương tai nạn giao thông giảm cả 03 mặt so với thời gian trước khi thực hiện cao điểm (Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Kon Tum, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Trà Vinh, Tuyên Quang); tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe cơ bản đã được kiểm soát, có địa phương không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng hoạt động, qua đó, đã tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội và lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp về lực lượng Cảnh sát giao thông.
Thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục duy trì và triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, nhất là xe chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, "cơi nới" thùng xe. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính chất ma túy; xử lý xe quá tải…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, lấy người dân làm trọng tâm và là chủ thể của công tác này, mọi hoạt động của CSGT phải bảo đảm các quyền lợi cho người dân, làm cho người dân nhận thức được việc chấp hành đúng các quy định về trật tự ATGT.
Tthông qua hoạt động nghiệp vụ, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, các "điểm đen" về tai nạn giao thông để có văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền khắc phục.
Trường hợp đã kiến nghị nhưng không có biện pháp khắc phục mà để xảy ra tai nạn giao thông phải phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, xem xét trách nhiệm liên đới của các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra cơi nới thùng xe tải. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đã được phân công, quản lý theo kế hoạch; làm tốt công tác điều tra cơ bản, tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, chất ma túy, nếu có đủ yếu tố cầu thành tội phạm thì cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý bằng pháp luật hình sự.
Thông qua hoạt động nghiệp vụ kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, các “điểm đen” về tai nạn giao thông để có văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền khắc phục… Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, xác định lấy người dân làm trung tâm, mọi hoạt động của Cảnh sát giao thông phải bảo đảm quyền lợi cho người dân, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức việc chấp hành đúng các quy định về TTATGT…/.
Vân Khánh