Việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải quá dễ dàng, bỏ mặc quản lý là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông…
Đợt kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận
tải hàng hóa bằng container và kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố
định tại 21 tỉnh, thành phố của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải mới đây
đã đưa ra những con số khiến nhiều người phải “giật mình”.
Cấp phép thành lập doanh nghiệp vận tải quá dễ
Theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ
Giao thông Vận tải, sau hơn 1 tháng thực hiện thanh tra, kết qủa cho
thấy hầu hết các đơn vị vận tải đều vi phạm về tốc độ, số xe vượt quá
tốc độ lên đến 80-90%, điển hình như Thừa Thiên –Huế gần 85%; Quảng Ngãi
và Bình Định là hơn 96%. Có những xe vi phạm tốc độ đến 300 lần/ngày;
có xe chạy tốc độ lên đến 120-130km/h.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ
Giao thông Vận tải cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm,
nhất là sự tắc trách của doanh nghiệp trong việc giao khoán xe cho lái
xe. Đáng báo động là tình trạng các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh
vận tải không quản lý phương tiện mà khoán trắng phương tiện cho chủ xe
tự quản lý, điều hành.
Số vi phạm này chiếm tỷ lệ rất lớn từ
40% đến 80% trong số các đơn vị được kiểm tra. Nhiều Hợp tác xã lập ra
chỉ để bán thương hiệu, toàn bộ hoạt động của phương tiện do lái xe điều
hành. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập bộ phận theo dõi các
điều kiện về an toàn giao thông, nhưng bộ phận này thực chất không hoạt
động.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Qua kiểm
tra, chúng tôi đã đình chỉ 1 số hợp tác xã không có tổ giám sát an toàn
giao thông. Vì quy định bắt buộc phải có tổ này mới được cấp phép hoạt
động. Còn đối với doanh nghiệp phải đảm bảo lắp đặt đầy đủ các thiết bị
này, đảm bảo cho lái xe tuân thủ. Đa số các doanh nghiệp không muốn lắp
đặt thiết bị này, cần phải kiên quyết xử lý, giảm tai nạn giao thông…”.
Trong số hơn 19.000 vụ tai nạn giao
thông từ đầu năm đến nay, có gần 60 vụ gây hậu quả nghiêm trọng liên
quan đến xe khách đường dài và xe container. Nguyên nhân trước hết là do
việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện nay quá dễ dàng, cứ
thành lập ra, thuê lái xe, bỏ mặc quản lý là nguyên nhân chính gây ra
tai nạn giao thông.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Bảo, phòng Cảnh
sát giao thông công an Hà Tĩnh, cần phải siết chặt việc cấp phép hoạt
động của các doanh nghiệp vận tải hiện nay: “Hiện nay việc quản lý cấp
phép thành lập doanh nghiệp vận tải quá dễ, dẫn đến doanh nghiệp cứ
thành lập mua xe và thuê lái xe, khi lưu thông trên đường cảnh sát giao
thông dừng xe họ có đầy đủ các giấy tờ thì phải cho họ đi. Vậy, kiến
nghị nên thành lập những doanh nghiệp vận tải lớn, vì họ có đủ các điều
kiện vận tải hành khác, trên thực tế thì những doanh nghiệp vận tải lớn
từ trước đến nay hầu như chưa có vụ tai nạn nào nghiêm trọng. Biện pháp
hiện nay cũng chỉ tăng cường lực lượng để xử lý xe khách, xe container
vi phạm về tốc độ, kiểm tra phát hiện lỗi thì xử lý tiếp…”
Sở Giao thông vận tải… bất lực
Qua đợt thanh tra tại các địa phương vừa
qua cho thấy thực tế đáng báo động hiện nay, là Sở Giao thông vận tải ở
các tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về quản lý phương tiện nhưng hầu
như bất lực vì không quản lý được số phương tiện trên địa bàn của mình.
Trong khi theo quy định của Luật giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải
hàng hóa bằng container là loại hình kinh doanh có điều kiện. Tức là
ngoài giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép còn phải có
giấy phép của Sở Giao thông vận tải là đơn vị quản lý chuyên ngành cấp
sau khi đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, có trên 1.700
doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container với hơn 6.000 phương tiện,
nhưng đến nay Sở Giao thông vận tải mới chỉ cấp phép kinh doanh vận tải
hàng hóa cho 98 doanh nghiệp, (tức là khoảng hơn 5% trong số doanh
nghiệp thực tế đang hoạt động); tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở giao
thông vận tải mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho duy nhất 1
đơn vị vận tải container, tương đương khoảng 1,2% số doanh nghiệp và 14%
số phương tiện. Đối với Bình Dương, Hải Phòng con số này cũng chỉ
khoảng 10% phương tiện đăng ký hoạt động.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch
chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc lơ là trong quản
lý doanh nghiệp vận tải và quản lý an toàn giao thông tại cơ sở là một
trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng. Nếu có sự
quan tâm sâu sát của cơ sở, tạo được nền nếp an toàn từ cơ sở, thì mới
mong kiềm chế tai nạn giao thông hiệu quả và bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc
siết chặt quản lý các chủng loại xe tải, xe container, xe khách từ đầu
mối doanh nghiệp cộng với khâu rà soát, kiểm tra kinh doanh vận tải minh
bạch sẽ giảm thiểu được tai nạn giao thông.
“Trong đợt thanh tra vừa rồi, phát hiện
từ Thanh tra bộ nhiều việc khiến chúng ta giật mình. Khi thanh tra mới
phát hiện tỷ lệ vi phạm quá lớn, có doanh nghiệp 100 xe vi phạm, có
doanh nghiệp 80-90% xe vi phạm, có những xe trong 10 ngày vi phạm về tốc
độ hơn 1000 lần, còn có xe khách chạy tốc độ lên đến 130km/h,. đây là
những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Cũng qua thanh
tra phát hiện hơn 96% xe thuộc diện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh
mới được phép hoạt động đang không có giấy phép. Rõ ràng việc quản lý
của chúng ta hiện nay có vấn đề…”
Trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 30
người chết và hàng trăm người bị thương do tai nạn giao thông, thiệt hại
nặng nề về người và tài sản. Đây thực sự là con số khiến cho bất kỳ ai
cũng phải giật mình và lo sợ.
Trước thực tế này, nhiều người đã đặt
câu hỏi và nghi ngờ: Việc quản lý phương tiện vận tải tại doanh nghiệp
qua giấy phép kinh doanh rất đơn giản, nhưng cũng không làm được thì làm
sao quản lý được phương tiện khi tham gia giao thông. Nếu vẫn giữ
phương thức quản lý lỏng lẻo này thì số vụ tai nạn giao thông sẽ khó
giảm trong thời gian tới./.
Theo VOVnews