Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 5/1/2013 18:59'(GMT+7)

Quận đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo

Được giúp vốn nhiều gia đình đã thoát nghèo

Được giúp vốn nhiều gia đình đã thoát nghèo

Liên tục dẫn đầu

Trong 3 giai đoạn giảm nghèo thì đây là lần thứ 3 liên tiếp quận 6 đều là quận đầu tiên của TP hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo. Điều bất ngờ là quận luôn vượt qua các quận “giàu” khác để giành vị trí đầu tàu trong công tác giảm nghèo, tăng hộ khá. Đầu năm 2013, trong khi quận 1 mới có 1/10 phường vượt nghèo, quận 3 có 12/14 phường, quận 10 (10/15 phường) thì 14/14 phường ở quận 6 đều không còn hộ nghèo dưới 12 triệu đồng/người/năm. “Trung bình mỗi năm quận 6 giúp hơn 1.000 hộ dân nâng thu nhập, thoát nghèo - một tốc độ rất nhanh”- ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM nhận xét.

Thời điểm 2009, quận có gần 4.500 hộ (chiếm hơn 8,5% tổng số hộ dân), với hơn 23.600 nhân khẩu thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Quận đã vận động, huy động tạo nguồn lực và các giải pháp hỗ trợ chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo. 14 tổ vượt nghèo, 31 tổ thu hút lao động và gần 2.500 lượt hộ được vay tổng số gần 34 tỷ đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo; trên 3.200 lượt hộ được các quỹ xã hội giải ngân 54 tỷ đồng để tự tạo công ăn việc làm, khoảng 2.400 học sinh, sinh viên được vay gần 15 tỷ đồng…

Bà Trịnh Thị Bố (63 tuổi, ngụ 311B Bãi Sậy, quận 6), hộ vừa thoát nghèo cho biết, gia đình bà vừa được hỗ trợ chống dột. Hàng ngày, hai vợ chồng nhận gia công dán bao thư ở nhà. Năm 2012, bà cũng được vay 30 triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo để giúp con gái Lâm Tú Mỹ (33 tuổi) có vốn mở quầy bán quần áo, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Một giải pháp phù hợp với tình hình lao động nghèo trên địa bàn là quận đã gửi trên 600 con em các hộ nghèo vào học nghề ở các trung tâm dạy nghề hoặc cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn quận với các hình thức vừa học vừa làm, được nhận làm việc dài hạn sau thời gian học nghề. Đồng thời, chính quyền liên hệ với các đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu lao động để gửi gắm, giới thiệu việc làm cho gần 1.700 lượt lao động, qua đó hơn 1.300 người đã có việc làm ổn định. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, các chính sách ưu đãi xã hội về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, xây dựng, sửa chữa nhà tình thương được thực hiện đồng đều.

Đồng hành với người nghèo

Theo ông Trương Văn Lương, sở dĩ quận 6 cán đích trước các quận khác là có sự quyết tâm, đồng lòng của cả chính quyền và nỗ lực vươn lên của người nghèo. So với các quận trung tâm - nơi có khoảng cách lớn về mức sống, đặc biệt một bộ phận người nghèo không có nguồn lực để tự thoát nghèo và quận vùng ven - nơi đông người nhập cư thì ở quận 6, điều kiện dân cư tương đối ổn định, ít biến động và đồng đều. Kết hợp với việc chuyển dịch kinh tế, quận 6 đã tạo điều kiện, cơ sở kinh tế như bến xe, chợ để người dân, trong đó có người nghèo làm ăn buôn bán nhỏ. Thực hiện chỉnh trang nâng cấp đô thị, điều kiện sống của người dân cũng được nâng lên, nhà cửa, đường sá khang trang hơn.

Trao đổi về việc có khi nào người nghèo không hết mà chỉ… dịch chuyển đi nơi khác và việc giải tỏa, tái định cư một bộ phận người dân “giúp” quận 6 như thế nào trong việc giảm nghèo? Ông Ngô Thành Luông, Phó Chủ tịch UBND quận 6 cho rằng, dịch chuyển tình trạng nghèo chỉ một phần. Dự án cải tạo kênh rạch đã giải tỏa hơn 1.000 nhà lụp xụp, trong đó có khoảng 800 hộ nghèo. Quận đã gửi các hộ dân trên tới chính quyền nơi ở mới và cũng thường xuyên phối hợp chăm lo các hộ dân tái định cư.

Đánh giá cao nỗ lực của quận 6, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, lưu ý quận 6 cần tiếp tục chăm lo, đồng hành với người cận nghèo để người cận nghèo an tâm, hạn chế gặp rủi ro, bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Xê, quận 6 cán đích chương trình giảm nghèo trước 2 năm sẽ là động lực giúp các quận, huyện khác có thêm kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, tăng hộ khá và là tiền đề để cả TP hoàn thành cơ bản chương trình giảm nghèo giai đoạn 3 vào cuối năm 2013. Dự kiến, từ năm 2014, TP sẽ chuyển giai đoạn giảm nghèo, với một chuẩn nghèo cao hơn.

Về kinh nghiệm về giúp đỡ các hộ đặc biệt khó khăn - không có nguồn lực để tự thoát nghèo, ông Ngô Thành Luông chia sẻ, quận chỉ có 8 hộ thuộc diện trên và đã có chương trình hỗ trợ lâu dài cho các hộ này. Theo đó, ngoài trợ cấp xã hội, tặng nhu yếu phẩm thường xuyên và hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng, quận đã kêu gọi các mạnh thường quân, các quỹ từ thiện bảo trợ đỡ đầu các hộ. Bình quân, mỗi người trong diện đặc biệt khó khăn được nhận hỗ trợ trên 1 triệu đồng/tháng.

Mạnh Hòa (báo SGGP)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất